Tiến độ cải tạo chung cư cũ "chưa đáp ứng yêu cầu”, "quá chậm” "cần thay chủ đầu tư”... là những cụm từ được Sở Xây dựng Hà Nội báo cáo với UBND thành phố về tiến trình cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội. Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn, dù TP đã quyết tâm cải tạo chung cư cũ nhưng hiện những dự án này vẫn bị bó nhiều cái khó.

Cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội: Mới được 1%

Thành phố Hà Nội vẫn còn nhiều chung cư cũ cần cải tạo. Ảnh: Hoàng Long

Quá nhiều lý do khiến cải tạo chung cư cũ vẫn giậm chân tại chỗ


Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố có 982 nhà chung cư cũ 4 - 5 tầng do thành phố quản lý, ngoài ra còn có 173 nhà chung cư, nhà tập thể khác do các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng quản lý. Tuy nhiên, công tác cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp theo nguyên tắc xã hội hóa đến nay mới đạt xấp xỉ 1% số lượng các công trình cần cải tạo, xây dựng lại.


Lý giải cho việc chậm tiến độ trong triển khai cải tạo, sửa chữa, xây dựng các chung cư cũ, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã nêu lên hàng loạt nguyên nhân, do người dân, nhà đầu tư, thiếu nhà tái định cư, quy định nhà nước... và do cả Đề án giãn dân phố cổ. Theo ông Tuấn trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, một số hộ gia đình cố tình không bàn giao mặt bằng, đưa ra những đòi hỏi không hợp lý, không phù hợp các quy định của pháp luật mặc dù dự án phá dỡ, cải tạo các nhà chung cư cũ đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận và đã có trên 2/3 số hộ đồng thuận di dời như Dự án cải tạo nhà A1, A2 Nguyễn Công Trứ, D2 Giảng Võ... Về phía nhà đầu tư có lẽ còn nan giải hơn nhiều - ông Tuấn khẳng định. Theo Phó Giám đốc Sở Xây Dựng Hà Nội: "Có một số nhà đầu tư còn kích động người dân không chấp nhận nhà đầu tư do thành phố giới thiệu, đồng thời họ đưa ra những cam kết sẽ cho người dân được nhiều quyền lợi hơn nếu lựa chọn họ làm chủ đầu tư. Hay có nhà đầu tư tìm mọi cách thỏa thuận với dân để có thể nắm dự án, sau khi đạt được thỏa thuận thì gây sức ép lên thành phố đề nghị được tăng tầng để có thể đáp ứng được thỏa thuận với người dân trước đó”.


Với lý do "vấp” Đề án giãn dân phố cổ, ông Tuấn giải thích: "Các chung cư cũ khu vực phố cổ (quận Hoàn Kiếm) thường chỉ 3 tầng, nếu cải tạo lại nhà đầu tư phải xây thấp nhất là 5, 6 tầng thì họ mới có lãi. Điều đó có nghĩa là diện tích ở sẽ tăng đồng nghĩa với việc gia tăng dân số tại khu phố cổ, trong khi thành phố đang thực hiện các biện pháp nhằm làm giảm mật độ dân số tại khu vực trên... Trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay cùng với những hiểm họa như động đất, sóng thần, luôn rình rập thì việc chậm trễ trong việc cải tạo các khu chung cư cũ sẽ gây nguy hiểm cho người dân”.


Thay chủ đầu tư nếu thực hiện chậm tiến độ


Đồng tình với ý kiến của Phó Giám đốc Sở Xây dựng về hành vi "chơi xấu” của chủ đầu tư, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Vũ Văn Hậu cho rằng, một số dự án tại các quận đang xảy ra hiện tượng các chủ đầu tư vận động riêng lẻ các hộ gia đình, gây nên những bức xúc, tranh cãi trong nội bộ nhân dân. Từ thực tế trên, ông Hậu kiến nghị cần có cơ chế chung đối với các dự án, không để các chủ đầu tư vận động riêng lẻ, trả khoản hỗ trợ khác nhau.


Đối với "yêu sách” đòi nâng tầng, ông Hậu cũng cho rằng, quy hoạch chung Thủ đô đã được công bố nên cần thực hiện nghiêm theo quy định số tầng tại các khu vực đã công bố giới hạn, không có thỏa thuận. Ông Hậu khẳng định, cần phải yêu cầu các chủ đầu tư báo cáo tiến độ xây dựng, không để "ngâm chân” quá lâu, trở thành chuyện xấu trong việc quản lý của thành phố.


Về vấn đề cải tạo chung cư cũ trong thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi yêu cầu, trong tháng 8-2011 Sở Quy hoạch Kiến trúc phải cung cấp và công khai các thông số quy hoạch cho từng khu chung cư cũ. Ông Khôi cũng yêu cầu Sở Xây dựng tổng hợp, rà soát tất cả các dự án, kể cả khu chung cư, nhà đơn lẻ để xác định lại nhà đầu tư được giao có đủ điều kiện thực hiện không. Sau đó sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án và các nhà đầu tư. Sở Xây dựng phải có điều kiện ràng buộc đối với các chủ đầu tư về tiến độ, không để tình trạng chủ đầu tư "đắp chiếu” công trình, dân phải chờ đợi. "Nếu chủ đầu tư nào không thực hiện trong khi đã có đủ điều kiện, được quận huyện tạo cơ hội thì cho nhà đầu tư khác vào thực hiện, không để kéo dài”, ông Khôi nhấn mạnh.
Theo Anh Anh (Đại Đoàn Kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.