10/12/2012 7:50 AM
Trong số 55 cụm dự án, cụm công trình trọng điểm của thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015, có tới 41 dự án đang bị chậm tiến độ. Nguyên nhân chủ yếu là do gặp khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng. Thực tế này đòi hỏi chính quyền các cấp và các ngành chức năng vào cuộc quyết liệt hơn.

Nhiều hộ dân ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội chậm bàn giao mặt bằng, làm ảnh hưởng tiến độ thi công gói thầu số 2 dự án cầu Nhật Tân.

Triển khai ì ạch do không có mặt bằng

Dự án xây dựng đường vành đai 1 (đoạn từ Ô Chợ Dừa đến Hoàng Cầu) là điển hình của tình trạng thi công chậm chễ. Ðoạn đường dài 547 m, được khởi công từ tháng 4-2010, nhưng đến nay mới thi công được 80 m đầu tuyến phía Hoàng Cầu, đạt 20% kế hoạch. Theo Giám đốc Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội Nguyễn Sỹ Bảo, dự án triển khai chậm là do vướng mắc về mặt bằng. Chính quyền địa phương không xác định được nguồn gốc đất của các hộ dân để xây dựng phương án đền bù, bởi nhiều mảnh đất không có đủ hồ sơ, giấy tờ hợp lệ... Trong tổng số 647 phương án của dự án, quận Ðống Ða đã phê duyệt 247 phương án với giá trị đền bù là 318 tỷ đồng. 203 hộ dân đã nhận tiền. Còn lại 44 hộ dân chưa chấp nhận phương án. Thành phố cũng đã ra quyết định bán căn hộ tái định cư cho gần 150 hộ. Tuy vậy, rất nhiều hộ đã nhận tiền, nhận nhà, nhưng chưa chịu di chuyển, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Ðông được khởi công xây dựng từ tháng 10-2011. Theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành vào cuối năm 2014, để đưa vào khai thác, sử dụng trong quý II-2015. Thế nhưng chuẩn bị bước sang năm 2013, tuyến đường mới hiện lên hàng cột trụ trên đường Nguyễn Trãi. Giám đốc Ban quản lý dự án Trần Văn Lục cho biết: Các nhà thầu mới hoàn thành khoảng 10% khối lượng công việc của dự án. Khó khăn, vướng mắc chủ yếu ở khâu giải phóng mặt bằng đường dẫn vào các đề-pô (trạm, nhà ga, khu bảo dưỡng, trung tâm điều hành...). Theo kế hoạch, công tác giải phóng mặt bằng đường dẫn vào đề-pô phải hoàn thành trong tháng 6-2012, nhưng đến nay trong tổng số 23 ha khu đề-pô còn 6,8 ha nằm trên địa bàn quận Hà Ðông chưa giải phóng mặt bằng xong. Việc giải phóng mặt bằng qua các khu dân cư thuộc hai quận Ðống Ða và Thanh Xuân cũng gặp không ít khó khăn. Dự kiến đến hết năm nay, công tác giải phóng mặt bằng đoạn qua địa bàn hai quận này chỉ đạt khoảng 30% khối lượng công việc...

Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội giai đoạn 2 cũng không nằm ngoài khó khăn ấy. Dự án có quy mô giải phóng mặt bằng rất lớn với tổng diện tích khoảng 300 ha, liên quan hơn 7.000 hộ dân ven các tuyến mương, sông đi qua địa bàn 56 phường, thuộc tám quận, huyện. Hiện nay, mới chỉ có bốn trong tổng số 13 gói thầu xây lắp và mua sắm thiết bị đã hoàn thành. Tám gói thầu còn lại đang được triển khai. Giám đốc Ban quản lý Dự án thoát nước Hà Nội Phạm Văn Cường cho biết: Tiến độ triển khai dự án vẫn đáp ứng yêu cầu của thành phố. Tuy nhiên, khối lượng diện tích còn lại phải giải phóng mặt bằng vô cùng quan trọng, quyết định đến tiến độ của từng gói thầu cũng như của toàn bộ dự án. 85% tổng diện tích đã được giải phóng mặt bằng mới chủ yếu là phần diện tích đất chuyên dùng, đất mặt nước tập trung. 15% diện tích còn lại tuy ít, nhưng đều nằm trong khu vực trọng yếu của các gói thầu. Tình hình quản lý, sử dụng đất những khu vực này vô cùng phức tạp nên việc giải tỏa thu hồi đất rất chậm đang ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thi công các gói thầu. Cụ thể như: Tuyến đường bờ trái sông Tô Lịch đã cơ bản hoàn thành từ năm 2009, thực tế đã đưa vào sử dụng. Nhưng cho đến nay, do còn bốn hộ dân phường Hoàng Liệt, hai hộ dân phường Ðịnh Công (Hoàng Mai) trên khu vực hè cho nên công trình vẫn chưa thể hoàn thành toàn bộ. Ðường dọc sông Lừ hiện còn hơn 140 hộ dân dù đã có quyết định bồi thường từ lâu, qua nhiều lần vận động vẫn không chấp hành. Không những thế, một hộ dân đã rào ngang cuối đường Ðặng Xuân Bảng để ngăn cản đơn vị thi công. Ðường bờ phải sông Tô Lịch là công trình được ưu tiên cho triển khai sớm để chào mừng 1000 năm Thăng long - Hà Nội, tiến độ phải hoàn thành vào tháng 3-2012 nhưng đến nay vẫn chưa xong do gần 60 hộ không chịu bàn giao mặt bằng...

Ngoài ra, dự án xây dựng đường Ô Ðông Mác - Nguyễn Khoái dự kiến giải phóng mặt bằng trong quý IV năm nay, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Các dự án thủy lợi sông Tích, đường vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục), Nghĩa trang Thanh Tước, Nghĩa trang Minh Phú, Công viên hồ Ðống Ða... cũng chưa thể khởi công do không có mặt bằng thi công.

Cần sự chủ động, tích cực của chính quyền địa phương

Việc chậm khởi công, chậm tiến độ thi công gây ảnh hưởng rất lớn tới vốn đầu tư do trượt giá. Tổng mức đầu tư bị đội lên, chủ đầu tư phải làm thủ tục điều chỉnh kinh phí làm kéo dài thời gian triển khai, dự án đã chậm lại càng chậm hơn. Việc chậm trễ này không chỉ ảnh hưởng lớn tới đời sống dân sinh mà còn giảm hiệu quả sử dụng vốn, hiệu quả khai thác công trình. Không những thế với những dự án sử dụng vốn vay ODA còn phức tạp hơn bởi liên quan tới các nhà tài trợ quốc tế, liệu họ có chịu cam kết bổ sung vốn?... Vì vậy, trong những giải pháp nhằm thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm, giải phóng mặt bằng là vấn đề đặt ra rất bức thiết, đòi hỏi sự chủ động, tích cực, linh hoạt và quyết liệt hơn nữa của chính quyền các địa phương.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trong cuộc họp với các sở, ngành mới đây về tiến độ các công trình trọng điểm khẳng định: Tiến độ các dự án chậm, bên cạnh nguyên nhân là trách nhiệm và năng lực của các ban quản lý, chủ đầu tư còn hạn chế thì còn do các địa phương chưa quyết liệt giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong giải phóng mặt bằng. Các địa phương và các ngành, đơn vị liên quan phải tập trung quyết liệt vào vấn đề này. Thành phố không thay đổi tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, vì vậy, từng đơn vị phải có trách nhiệm đến cùng với dự án được giao. Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố có trách nhiệm chủ trì, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng ở các quận, huyện và định kỳ báo cáo UBND thành phố.

Ðể hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, thành phố sẽ nghiên cứu áp dụng một số cơ chế, chính sách như tái định cư bằng giao đất có thu tiền, giữ 30 đến 40% quỹ đất thay vì 20% như hiện nay để tái định cư tại chỗ; phân bổ địa điểm tái định cư hợp lý; phát triển quỹ nhà và nâng cao chất lượng nhà tái định cư; đơn giản hóa thủ tục hành chính... Thành phố cũng sẽ có sự chỉ đạo, điều hành vốn linh hoạt, ưu tiên cho dự án đang triển khai để sớm đưa vào sử dụng. Những chủ đầu tư qua rà soát của cơ quan chức năng khẳng định không đủ năng lực sẽ bị rút lại dự án và giao cho đơn vị có năng lực thực hiện...

Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của UBND thành phố Hà Nội, mong rằng các dự án sẽ được các ngành, địa phương, đơn vị cùng "xắn tay" giải quyết khó khăn, quyết liệt triển khai thi công trong những tháng cuối năm, tạo đà cho cuộc chạy đua nước rút vào năm tới, phấn đấu bảo đảm đưa công trình đi vào sử dụng đúng kế hoạch, sớm phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội.

Theo Minh Hạnh (Báo Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.