Tham gia buổi họp chiều qua có đại diện cho cư dân các chung cư, gồm Keangnam Hà Nội Landmark Tower, 93 Lò Đúc, Golden Westlake và Sky City 88 Láng Hạ...
Chủ đầu tư “hò” nhau bóc lột cư dân
Theo đại diện các chung cư nói trên, hiện cư dân sinh sống ở các chung cư đang bị chủ đầu tư tòa nhà chỉ định các công ty dịch vụ cung cấp dịch vụ quản lý tòa nhà với các mức phí rất cao và tùy tiện.
Bà Trịnh Thúy Mai, đại diện cho cư dân Keangnam cho biết, chủ đầu tư
chung cư đã tự ý dáp đặt mức phí quản lý ở mức 0,99 USD là quá cao và vi
phạm về quy định ngoại hối. Bên cạnh đó, mức phí gửi xe cũng cao hơn
rất nhiều so với quy định của UBND thành phố Hà Nội. Sau khi cư dân
nhiều lần đấu tranh, kiến nghị, hiện chủ đầu tư buộc phải giảm phí gửi
xe cho cư dân nhưng lại quay sang bóc lột khách, thu phí gửi xe “khủng”,
có thể coi là kỷ lục tại Hà Nội với mức 20.000 đồng một xe máy và
60.000 đồng một ô tô cho một lượt gửi ban ngày.
“Nếu tính toán đơn giản cho một hộ gia đình sinh sống tại Keangnam thì
chi phí cho một tháng bao gồm hơn 2 triệu đồng tiền phí dịch vụ, khoảng 3
triệu tiền gửi xe, chưa kể tiền điện nước…là quá cao”, bà Mai bức xúc.
Keangnam đang giữ kỷ lục về mức phí gửi xe tại Hà Nội. Ảnh: Minh Tùng
Tại chung cư Kinh Đô, 93 Lò Đúc, ngoài phí gửi xe vượt trần so với quy định của UBND thành phố Hà Nội, từ khi cư dân về sinh sống, chủ đầu tư đã thu 5.000 đồng một m3 nước sạch và sau đó lại tiếp tục tăng lên 6.000 đồng một m3. Trong khi giá nước sạch theo quy định của nhà nước ở thời điểm đó chỉ 2.800 đồng một m3.
“Khi người dân chúng tôi thắc mắc vì sao giá nước sạch lại thu tới 5.000 đồng một m3 thì chủ đầu tư là công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô cho biết, do tòa nhà mới sử dụng nên chưa tách được khối văn phòng với khối nhà ở, tạm thời nộp ở mức đó, khi nào tách được sẽ trả lại tiền cho người dân theo đúng mức giá của nhà nước. Nhưng hiện, chúng tôi về ở ổn định nhiều năm nay nhưng chủ đầu tư không những không trả lại tiền cho người dân mà còn tự ý tăng giá”, bà Phan Minh Thúy, đại diện chung cư Kinh Đô 93 Lò Đúc cho hay.
Sở hữu chung, riêng phải rõ ràng
Theo ông Tô Hồng Sơn, đại diện cho cư dân chung cư Golden Westlake,
vấn đề nổi cộm nhất hiện nay là về sở hữu chung, riêng giữa chủ đầu tư
và cư dân, đây là cội rễ của mọi tranh cãi. “ Ngay từ ban đầu khi phê
duyệt các dự án chung cư, phải có quy định rạch ròi, đâu là sở hữu riêng
của chủ đầu tư, đâu là sở hữu chung của cư dân. Chính vì không có quy
định cụ thể nên chủ đầu tư mặc nhiên coi sảnh lễ tân, tầng hầm để xe là
sở hữu riêng gây khó khăn cho sinh hoạt của cư dân”, ông Sơn nói.
Đại diện cho cư dân tại các khu chung cư đều cho rằng sở hữu chung riêng phải minh bạch . Ảnh: Minh Tùng
Theo tìm hiểu của Đất Việt, tại khoản b, mục 6, điều 4 phần Quy chế của Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD “Về việc ban hành Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư” của Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam ký có quy định rõ về sở hữu chung của nhà chung cư có bao gồm “nơi để xe”. Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam, nơi để xe phải là thuộc sở hữu chung của cư dân, chủ đầu tư không được phép tự ý sử dụng cho mục đích riêng của mình.
Tại cuộc họp bàn chiều qua, đại diện cư dân các khu chung cư đều cho rằng, nhu cầu sử dụng chung cư của người dân ngày càng cao, thành phố Hà Nội phải đưa ra mức phí quản lý cụ thể cho các khu chung cư trên địa bàn để có thể giải quyết triệt để những tranh chấp giữa dân cư và chủ đầu tư - Công ty quản lý về việc quy định phí quản lý đối với các dịch vụ cơ bản của nhà chung cư, đồng thời có cơ chế xử phạt thích đáng đối với các hành vi vi phạm.