Công khai danh sách bệnh viện phải di dời
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội - ông Lê Vinh cho biết: Ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung Thủ đô, Hà Nội đã tích cực triển khai đồng thời 58 quy hoạch phân khu để từ đó tiếp tục triển khai quy hoạch chi tiết đô thị theo những tiêu chí quy hoạch chung của Thủ đô. Riêng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã triển khai 31 quy hoạch phân khu, trong đó có 17 quy hoạch phân khu vùng đô thị trung tâm như Báo CAND đã phản ánh.
Đến nay, đã có 5 quy hoạch phân khu được thành phố phê duyệt, bao gồm các quy hoạch phân khu N5, N7, N8 thuộc khu vực phía Bắc sông Hồng bám theo trục Nhật Tân - Nội Bài; quy hoạch phân khu S5 thuộc địa giới huyện Thanh Trì. Ngoài ra, còn triển khai các quy hoạch phân khu của 5 đô thị vệ tinh là Sóc Sơn, Xuân Mai, Sơn Tây, Hòa Lạc và Phú Xuyên. Đồng thời, một loạt các quy hoạch chuyên ngành có tác động không nhỏ tới đời sống dân sinh, đó là quy hoạch tổng thể cấp nước, thoát nước, quy hoạch điện, quy hoạch xử lý chất thải rắn và kể cả quy hoạch nghĩa trang vốn gây xôn xao dư luận ở một số địa phương. Quy hoạch hệ thống giáo dục (trường học), các trung tâm thương mại, y tế, mạng cây xanh… đều có liên quan tới người dân. Những quy hoạch kể trên hiện cơ bản đã hoàn thành, trình HĐND thành phố, tới đây báo cáo các Bộ chức năng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Người dân luôn quan tâm tới quy hoạch Thủ đô Hà Nội.
Vấn đề được quan tâm hơn cả là quy hoạch tổng thể mạng giao thông đến 2030 và tầm nhìn 2050. Theo đó, các bản quy hoạch cụ thể hóa các tuyến đường vành đai 2, 3, 4, 5 và hệ thống đường chính đô thị. Trên cơ sở quy hoạch, sẽ tiếp tục tiến hành quy hoạch chi tiết vạch chỉ giới đỏ để dành quỹ đất cho công trình. Bên cạnh đó, là quy hoạch các bến xe tải, xe khách liên tỉnh, các đầu mối đường sắt đô thị.
Riêng bến xe liên tỉnh, xây dựng 4 bến xe lớn gồm bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông); bến xe khu vực Đông Anh - Sóc Sơn; bến xe Ngọc Hồi (phía Nam) và bến xe khu vực Gia Lâm.
Theo ông Lê Vinh, những bến xe như Giáp Bát, Mỹ Đình…đã lọt vào trong phố hướng xử lý chủ yếu dành cho công trình giao thông như bãi đỗ xe, bến trung chuyển hành khách, hạn chế việc chuyển đổi mục đích bởi hiện chỉ có khoảng 1% quỹ đất tự nhiên dành cho bãi đỗ xe trong đô thị trung tâm. Cùng với đường bộ, 8 tuyến đường sắt đô thị cũng vạch rõ trên bản quy hoạch và một số tuyến đang triển khai như bạn đọc đã rõ.
Riêng với các bệnh viện từ lâu đã nói di dời nhưng thực sự chưa có một phương án cụ thể. Theo ông Lê Vinh, về nguyên tắc, bệnh viện, cơ sở điều trị phải bám dân nhưng đó là các bệnh viện tuyến quận, huyện, các trạm y tế phường, xã. Chủ trương của thành phố là từng bước di dời các bệnh viện lớn, trung tâm nghiên cứu, cơ sở điều trị các bệnh truyền nhiễm như: bệnh viện lao, bệnh viện các bệnh nhiệt đới… đến những nơi mới.
Ông Lê Vinh cho biết, các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện chuyên khoa tuyến trên, cơ sở điều trị bệnh lây nhiễm diện di dời đến các quận, huyện như Gia Lâm, Long Biên, đô thị Hòa Lạc, Phú Xuyên, Sơn Tây với quy mô bệnh viện rộng từ 50 đến 200ha… Người dân cũng như chính các nhà quản lý bệnh viện quan tâm, các bệnh viện phải di dời cụ thể là những đơn vị nào cần sớm công khai, để họ yên tâm chuẩn bị tránh đầu tư gây lãng phí như một số bệnh viện hiện nay.
Nhiều dự án tiếp tục phải dừng vì không còn phù hợp
Người dân đặc biệt quan tâm tới các dự án đã được cấp phép đầu tư trước thời điểm mở rộng Thủ đô, nhất là các dự án nhà ở mà nhiều người dân đã đặt mua. Qua rà soát, từ 744 dự án thì 244 dự án được tiếp tục triển khai, còn lại 500 đồ án quy hoạch, dự án đầu tư đang nằm trong diện tạm dừng triển khai. Nổi lên là 8 đồ án, dự án không nằm trong phạm vi phát triển đô thị, công nghiệp, lại nằm vào vành đai xanh dọc sông Nhuệ đề nghị tạm dừng, như dự án bất động sản Cầu Bươu, huyện Thanh Trì; khu nhà ở Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho biết.
Lý do vì các đồ án, dự án này không còn phù hợp với định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, lại nằm trong vành đai xanh. Một số đồ án, dự án dù được triển khai thì cũng phải điều chỉnh cục bộ về không gian, giảm mật độ xây dựng, tăng tỷ lệ cây xanh, khớp nối hạ tầng…ví như khu đô thị tại Hà Đông nằm xen giữa vành đai III và IV.
Mới đây nhất, là việc 8 đơn vị, doanh nghiệp giao lại quỹ đất các dự án đã hình thành trước đó cho UBND TP Hà Nội để chuyển đổi mục đích sử dụng cho phù hợp với quy hoạch chung Hà Nội. Điển hình là Công ty TNHH Nam Cường giao lại toàn bộ quỹ đất của dự án đô thị Thạch Thất tại huyện Thạch Thất cho UBND thành phố Hà Nội, đồng thời điều chỉnh quy mô và chỉ tiêu quy hoạch đường trục phát triển kinh tế - xã hội Bắc - Nam cùng các khu đô thị liên hoàn cho phù hợp với quy hoạch mới của Hà Nội. Ông Lê Vinh cho biết, những tiêu chí quy hoạch chung đâu là phát triển đô thị, đâu là vành đai xanh, đất dành cho giao thông, giáo dục… được kiên định, thì chắc chắn còn không ít các dự án phải dừng hoặc điều chỉnh cục bộ cho phù hợp.
Theo ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, việc quản lý sau quy hoạch, đặc biệt là việc triển khai các quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết là thách thức lớn. Nhiều quận, huyện của Thủ đô đến nay vẫn thiếu quy hoạch chi tiết thì lấy gì mà công khai cho dân biết, thực hiện. Đây là điều cần khắc phục, không nên để lặp lại trong quy hoạch Hà Nội lần này.
Hiện có đến 60% dân Hà Nội sống trong môi trường chưa đáp ứng yêu cầu về diện tích nơi ở, khu vui chơi, tỷ lệ cây xanh, chất lượng nguồn nước, không khí… nhất là tỷ lệ cây xanh rất thấp. Trong khi đó, đất của nhiều nhà máy, xí nghiệp vừa đưa ra khỏi nội đô đã bị lấp đầy bởi dự án văn phòng, căn hộ cao cấp như chỗ nhà máy công cụ số I, nhà máy điện Yên Phụ… và kể cả đất trụ sở Bộ, ngành hiện nay nếu không thực hiện nghiêm quy hoạch.