Nhà ở “tệ hơn cái chuồng heo”
Phải khó khăn lắm chúng tôi mới vào được nhà ông Trần Văn Bảy ở địa chỉ B3/5 ấp 2, xã Bình Hưng, dù nhà ông chỉ cách đại lộ Nguyễn Văn Linh mấy chục bước chân. Con đường đất nhỏ xíu, sình lầy chạy ngoằn ngoèo qua những căn nhà lá, nhà tôn thấp lè tè, lụp xụp. Buổi trưa cả nhà phải ra ngoài đường ngồi vì trong nhà nóng như cái lò. Gia đình ông có 800 m2 đất, trước đây còn nuôi cá, trồng rau. Từ năm 1997 - 1998, khi công bố quy hoạch đến nay, đất gần như bỏ hoang. “Nói là quy hoạch nhưng đến nay người dân vẫn chưa biết đất sẽ dùng làm gì, của ai. Xã cũng mới chỉ gặp người dân 2 lần để thông báo quy hoạch chứ chưa hề triển khai công tác đền bù, tái định cư”, ông Bảy cho hay.
Căn nhà “thua cả chuồng heo” của ông Trần Bình Yên - Ảnh: Đình Sơn
Do “dính” quy hoạch quá lâu nên đến nay nhà cửa người dân trở nên quá tồi tàn, nhếch nhác vì xây, sửa nhà cửa vô cùng khó khăn. Điện thì câu được của nhà nước, nhưng nước phải dùng nước giếng khoan mua lại của người khác với giá 10.000 đồng/m3.
Nhà ông Trần Bình Yên ở số 3/5 đường Nguyễn Văn Linh, ấp 2A, xã Bình Hưng. Gọi là nhà, nhưng vách lá bốn bề rách nát, trống trơn, mà theo lời ông Yên thì “tệ hơn cả chuồng heo”, trong khi miếng đất của ông rộng khoảng 4.000 m2. “Từ ngày công bố quy hoạch, chúng tôi đi không được, ở cũng không xong, bán cũng không ai mua. Nhà cửa rách nát nhưng xin xây dựng cũng rất khó khăn. Có miếng đất muốn đầu tư xây ao nuôi cá cũng không dám vì không biết giải tỏa lúc nào, sợ mất trắng”, ông Yên bức xúc.
Tương tự, nhà bà Nguyễn Thị Thanh ở ấp 5, xã Bình Hưng nằm trong quy hoạch khu dự án nhà ở của Công ty xây dựng Bình Minh suốt 13 năm qua phải chịu cảnh ngập nước. Mặc dù dự án bất động, nhưng bà cũng không thể xây nhà cửa, làm giấy tờ nhà. Thậm chí, đất có mà muốn dựng cái chòi để nuôi gà, vịt cũng không được.
Đề xuất thu hồi nhiều dự án
Không chỉ người dân, mà theo ông Nguyễn Hữu Thành Tâm, Phó chủ tịch UBND xã Bình Hưng, địa phương cũng rất khổ bởi tình trạng dự án “treo” tràn lan. Xã có 3 trục đường huyết mạch là Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh và QL50 nhưng nhà cửa hai bên đường lụp xụp do phần lớn diện tích đất nằm trong dự án “treo”, trong khi nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà của người dân rất lớn. Ông Tâm cho rằng đối với những khu dân cư có mật độ xây dựng dày đặc phải xem xét bỏ quy hoạch, bởi nếu giữ lại chủ đầu tư cũng khó có khả năng bồi thường, tái định cư. “Người dân có nhu cầu bức xúc về nhà ở nên lén lút xây dựng không phép, trong khi chính quyền lại cố giữ quy hoạch. Nếu không khéo sẽ tạo ra sự đối đầu giữa chính quyền với người dân, từ đó tạo ra nhiều bất ổn”, ông Tâm nêu quan điểm.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đoàn Nhật, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết huyện sẽ đề xuất TP thu hồi hàng loạt các dự án “treo” làm khổ người dân. Cụ thể, đối với các dự án đã được UBND TP có văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư, nếu các dự án chậm triển khai, có tiến độ tự thỏa thuận bồi thường dưới 50% diện tích sẽ không tiếp tục gia hạn văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư. Đối với các dự án đã có quyết định thu hồi đất nhưng chủ đầu tư chậm thực hiện hoặc chưa triển khai thực hiện công tác bồi thường, kiến nghị UBND TP xem xét lại năng lực chủ đầu tư để có biện pháp xử lý, thu hồi dự án nhằm tạo điều kiện cho người dân triển khai các quyền theo quy định. “Trong phạm vi các dự án đã có quyết định thu hồi đất nhưng chậm triển khai, bồi thường, kiến nghị UBND TP cho phép người sử dụng được chuyển đổi mục đích sử dụng đất ngắn hạn, xây dựng tạm các công trình dịch vụ như: sân bóng mini, nhà hàng sân vườn… nhằm tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sử dụng đất”, ông Nhật nói.