Tuy nhiên, tính đến nay, cả nước vẫn còn khoảng 500.000 sổ đỏ đã được ký, nhưng chưa có người sử dụng đến nhận. Trong đó, phần lớn sổ đỏ còn tồn đọng tập trung chủ yếu ở 11 tỉnh như: Lạng Sơn, Hưng Yên, Bình Phước, Cao Bằng, Quảng Bình, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Sơn La, Quảng Nam và Gia Lai.
Theo Tổng cục Quản lý Đất đai, mặc dù kết quả cấp sổ đỏ các loại đất trên cả nước đã đạt 92,2%, cơ bản hoàn thành theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ, nhưng hiện vẫn còn 2 tỉnh chưa hoàn thành (đạt dưới 85% diện tích cần cấp sổ đỏ) là Hải Dương và Bình Phước.
Trong khi đó, thống kê kết quả báo cáo của các tỉnh-thành phố, cho thấy: Đất chuyên dùng trên cả nước mới chỉ đạt 78,2% và còn 39 tỉnh đạt dưới 85%; đất ở đô thị còn 22 tỉnh đạt dưới 85%; đất ở nông thôn còn 17 tỉnh đạt dưới 85%; đất sản xuất nông nghiệp còn 15 tỉnh đạt dưới 85%; đất lâm nghiệp còn 15 tỉnh đạt dưới 85%.
Bên cạnh đó, nhiều tỉnh-thành phố vẫn chưa có bản đồ địa chính, trong hai năm qua phải tận dụng các bản đồ, tài liệu đo đạc hiện có, hoặc tổ chức đo đạc bằng phương pháp, phương tiện đơn giản để cấp sổ đỏ, nên độ chính xác về diện tích đất cần cấp còn thấp.
Để hoàn thành việc cấp sổ đỏ trên cả nước đối với các loại đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh-thành phố tiếp tục rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo mô hình tập trung, thống nhất từ Trung ương đến các cấp (từ tỉnh, huyện), để làm mẫu nhằm rút kinh nghiệm tiến tới triển khai trên diện rộng trong những năm tới.
Song song với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu các tỉnh-thành phố còn có các loại đất chưa hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, trong năm 2014 cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện, phấn đấu đến 31/12/2014 phải cơ bản hoàn thành cho tất cả các loại đất (đạt trên 85% diện tích các loại đất cần cấp giấy chứng nhận, hoặc đạt trên 95% các trường hợp đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận).
Riêng đối với các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai còn tồn đọng, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các tỉnh-thành phố thực hiện khai đăng ký để lập hồ sơ nhằm quản lý chặt chẽ đối với tất cả mọi trường hợp. Mặt khác, các địa phương cần có kế hoạch, từng bước thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật đất đai..