26/06/2012 11:05 PM
"Thay vì xử lý, các cơ quan chức năng lại chụm vào hợp thức hóa sai phạm, làm theo yêu cầu của chủ đầu tư", ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy chỉ ra lý do khiến Hà Nội tái phát nạn xây nhà sai phép.

Tại hội nghị giao ban công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị sáng 26/6, ông Trần Trọng Dực đã báo cáo chi tiết về sai phạm tại 55A, 55B phố Bà Triệu. Chủ đầu tư xin cấp phép xây dựng cao 9 tầng song đã xây vượt lên 14 tầng, trên nền ngôi biệt thự kiến trúc kiểu Pháp.

Theo ông Dực, khâu cấp giấy phép cho công trình này của Sở Xây dựng đã có nhiều sai phạm, như tòa nhà không có khoảng lùi, không đảm bảo chiều cao, vi phạm chỉ giới đường đỏ. Sở Xây dựng cũng không chấp hành ý kiến của Thủ tướng về việc dừng phá dỡ biệt thự và không cho phép xây nhà cao tầng trong nội đô. Chính Sở Xây dựng đã làm trái các quyết định của UBND thành phố và Thủ tướng để cấp giấy phép xây dựng có lợi cho chủ đầu tư.

Cũng theo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, trong quá trình xây dựng, UBND phường Hàng Bài đã có nhiều biên bản ghi nhận hiện trạng, song chỉ trong 2 tháng cuối năm 2011, tòa nhà này đã xây sai phép từ tầng 9 lên tầng 14.

Khi sai phạm chưa bị xử lý, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã kiến nghị thành phố cho phép điều chỉnh giấy phép xây dựng để mở rộng công trình làm bảo tàng tư nhân, UBND thành phố cũng giao Sở Xây dựng nghiên cứu mở rộng công trình theo đề xuất của Sở Văn hóa. Do vậy, công trình sai phép này vẫn tồn tại đến nay.

"Thay vì xử lý vi phạm, các cơ quan chức năng lại chụm vào hợp thức hóa sai phạm cho chủ đầu tư, buông lỏng và tiếp tay cho sai phạm, làm theo chủ đầu tư. Chủ đầu tư cũng rất am hiểu lĩnh vực xây dựng và tìm mọi cách hợp thức hóa", ông Trần Trọng Dực khẳng định.

Công trình 55A, 55B Bà Triệu xây vượt 4 tầng sai phép. Ảnh: Hoàng Hà.

Lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy thẳng thắn cho biết, đây chỉ là một vụ việc điển hình cho hàng loạt sai phạm trật tự đô thị diễn ra gần đây. Ngoài ra, còn một số công trình như 19 Triệu Việt Vương được cấp phép 9 tầng song chủ đầu tư vượt lên tới 12 tầng, diện tích sai phép 1.055 m2. Tòa nhà 135 Bùi Thị Xuân được cấp phép 10 tầng song lên lên 14 tầng, diện tích sai phép gần 2.000 m2... Đoàn kiểm tra của Thành ủy đã yêu cầu các quận xử lý vi phạm xong trước 30/6 và kiểm điểm trách nhiệm, xử lý cán bộ công chức có liên quan trước 15/6.

Thừa nhận trách nhiệm, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng khẳng định sẽ xử lý nghiêm túc cán bộ liên quan trong tháng 7. Sở sẽ thanh kiểm tra rà soát các công trình cùng với quận huyện. Đây được coi là đợt tổng tiến công xử lý sai phạm trong quý 3 năm nay và xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm trong năm.

"Bộ máy thực hiện từ cấp phép đến thanh tra các cấp bộc lộ nhiều yếu kém, thiếu sót, phát hiện sai phạm rất chậm, do vậy cần tiếp tục kiện toàn tổ chức này để đáp ứng yêu cầu quản lý", Giám đốc Nguyễn Thế Hùng nhận xét.

Chủ tịch quận Hoàn Kiếm Vũ Văn Viện cũng thừa nhận sai sót trước sai phạm tại 55A, 55B Bà Triệu. Ông cam kết sẽ tháo dỡ xong phần vi phạm của công trình trong tháng này theo chỉ đạo của thành phố và kiểm điểm trách nhiệm cá nhân liên quan.

"Quận Hoàn Kiếm đã rút kinh nghiệm về việc này và nâng nhận thức trong vấn đề quản lý quy hoạch. Chính quyền thường cấp phép xây dựng xong rồi không quản lý, khi dân xây sai phép thì không xử lý kịp thời, không ngăn chặn ngay từ đầu. Cấp phường buông lỏng quản lý, ngại va chạm với các chủ đầu tư", ông Viện khẳng định.

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, người vi phạm trật tự xây dựng đã sai song cơ quan tham mưu cũng có khuyết điểm. Nếu đặt lên cân thì khó phân biệt bên nào làm sai nhiều. Trong một số vụ việc, chủ đầu tư còn dẫn đường cho cơ quan quản lý làm theo. Sai phạm tại 55A Bà Triệu có sự can thiệp từ thanh tra Bộ Xây dựng chứ không chỉ từ Sở Xây dựng Hà Nội.

"Phải tập trung xử lý cả chủ đầu tư và công chức có liên quan. Nếu không xử lý tương xứng với hành vi vi phạm thì không thể chấn chỉnh được, tình trạng vi phạm sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều lần", ông Phạm Quang Nghị bày tỏ.

Bí thư Hà Nội dẫn chứng nhiều công trình sai phép vào năm 2006-2007 đã được thành phố kiên quyết "cắt ngọn" dù có nhiều khó khăn. Sau vài năm bùng phát đợt vi phạm mới thì lại tiếp tục xử lý.

"Một công trình sai phạm làm hỏng kiến trúc cảnh quan, xâm hại lợi ích chung và hư hỏng một bộ phận cán bộ. Chủ đầu tư dùng chính lợi ích từ vi phạm để hối lộ cán bộ, giá thị trường nhà ở 2.000-3.000 USD/m2 mà công trình vượt phép mấy nghìn m2 cho thấy lợi nhuận của chủ đầu tư vô cùng lớn, họ dùng một phần lợi nhuận để chạy thì thành trì nào cũng thủng", Bí thư Hà Nội nhận xét.

Theo VnExpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.