Tính từ 2008, đã có 40 dự án khu đô thị được “khai sinh” tại huyện Mê Linh (Hà Nội). Hình hài của các khu đô thị này đang như thế nào, khảo sát của phóng viên Pháp Luật Việt Nam những ngày đầu tháng 8.

Việc công bố phê duyệt quy hoạch Khu đô thị Thanh Lâm – Đại Thịnh (quy mô hơn 53 ha) mới đây, đã chính thức bổ sung dự án này vào “danh mục” 40 khu đô thị mà huyện Mê Linh có trách nhiệm tiếp nhận.


“Bóng chim tăm cá” kinh đô bất động sản Mê Linh
Biệt thự, nhà cao tầng chẳng thấy đâu, đến nay phần lớn Khu đô thị Mê Linh chỉ toàn cỏ dại

Nhiều dự án “Ô sin”

Trước đó, sau khi sát nhập về Hà Nội, huyện Mê Linh vốn đã được đánh giá là “kinh đô” của các dự án bất động sản.


Hồ sơ các dự án về cơ bản hoàn tất, chỉ sau vài tuần việc sát nhập được thực hiện. Các DN khác như Cty CP Đầu tư thương mại Minh Đức, Cty CP Đầu tư phát triển và xây dựng Ba Đình, Cty CP Đầu tư tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam, Cty CP Tiến bộ Quốc tế, Cty TNHH Minh Giang… được tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt làm chủ đầu tư các dự án khu đô thị mới trước khi Mê Linh chính thức trở thành “đất” thuộc Hà Nội.


Tiến độ thực hiện dự án, hầu như, không được chủ đầu tư thực hiện theo đúng cam kết. Trong 40 dự án được cấp phép đầu tư, lãnh đạo huyện Mê Linh nói rằng, đến nay mới có bốn đến năm dự án đã cơ bản xong hạ tầng, xây dựng công trình như khu đô thị Hà Phong, khu đô thị Cienco 5 Mê Linh, khi đô thị Long Việt…


Bà Lưu, người dân của xã Tráng Việt khoát tay thành một hình vòng cung cười mà cho biết, cánh đồng trước mặt người ta đã vẽ để làm dự án khu đô thị. “Tôi chỉ nghe có thế, đến nay bà con vẫn làm đồng, chưa thấy đền bù gì cả”, bà Lưu, cho hay.


“Các bác cứ lên dự án “Ô sin” thì biết. Mấy năm trước em tôi được nhận tiền đền bù, tiền tỷ đấy, nhưng bây giờ chưa thấy làm gì cả”, ông Sinh, người dân ở xã Mê Linh, cho biết. Theo cách nói của ông Sinh, tình trạng lấy đất làm đô thị diễn ra tràn lan, nhưng việc triển khai thực hiện theo tiến độ thì vẫn dậm chân tại chỗ.


Dự án “Ô sin” trong cách nói của ông Sinh, theo xác nhận của Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, ông Đoàn Văn Trọng, đó là khu đô thị golf 27 lỗ Mê Linh do Cty CP Đầu tư & Vận tải dầu khí Vinashin làm chủ đầu tư. Đây là dự án nằm trong danh mục tạm dừng chờ quy hoạch phân khu theo như một thông báo mới đây của UBND TP. Hà Nội. Ông Trọng cho hay, thỉnh thoảng cũng có người đến huyện để cập nhật tình hình. Hiện nay phía chủ đầu tư đang tính chuyện chuyển đổi mục đích thành khu đô thị.


Hoa hồng không còn, biệt thự cũng chẳng thấy đâu


Xã Tiền Phong là nơi chịu “gáng nặng” lớn nhất về số lượng dự án, lên đến gần con số 20. Diện tích đất của người dân bị cắt dần để hình thành các khu đô thị cứ tiếp diễn. Điều đó cũng có thể là lý do để bà Ngô Thị Loan, cư dân thôn Yên Nhân (xã Tiền Phong), nói bình thản, rằng đầu năm nay, gia đình bà phải “cắt” tiếp gần 5 sào suộng để “bố trí” cho hai chủ dự án khu đô thị là Cty Minh Giang và một công ty “đâu ở Hà Nội”. “Tính cả phần đất thu hồi cho dự án nhà máy bia, nhà tôi mất gần 1 mẫu ruộng, thế là hết đất”, đến đây, giọng bà Loan nghe như xót xa.


Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Lưu Văn Liên, cho biết, hiện nay dự án của Cty TNHH Minh Giang đang thực hiện giai đoạn ba, nhưng mới chỉ “giải phóng mặt bằng được hai phần”.


Chạy dọc quốc lộ 70, thêm nhiều dự án được chấp thuận đầu tư. Và tương lai, thay thế cánh đồng hoa hồng bạt ngàn sẽ là cao ốc, biệt thự. Nghe tin dự án về địa phương, lúc đầu bà con hồ hởi lắm, nhưng nhiều người cũng quặn lòng vì từng tấc đất của mình bị cắt đi, đổi lại, họ được nhận số tiền đền bù, mà trên thực tế, thường dẫn đến đôi co về sự thỏa đáng giữa người dân với chủ đầu tư về giá cả.


Hình hài các khu đô thị bao giờ sẽ mọc lên, đó sẽ là một câu hỏi khó. Biệt thự, nhà cao tầng đến nay chẳng thấy đâu, hiện tại, đất trong phần lớn các khu đô thị này chỉ có cỏ dại, hoa hồng ngày một tàn phai, chỉ có những người nông dân vẫn cần mẫn cầm cuốc ra ruộng. Họ tiếc, tấc đất tấc vàng, bỏ hoang thì lãng phí. Cố vớt vát được cái gì, cũng mong làm hết sức mình.

Theo Việt Hưng (Pháp Luật VN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.