Dư luận hơn một tuần nay xôn xao bởi thông tin Bộ Xây dựng đề xuất Nhà nước bơm tiền mua lại bất động sản (BĐS) thời điểm này như một cách rót vốn ra thị trường, tạo dòng tiền trợ giúp các doanh nghiệp, chủ đầu tư ngành xây dựng.

PV Lao Động đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam chiều 14.11 về vấn đề này. Ông khẳng định, Bộ Xây dựng không hề đề xuất như vậy và việc đổ vỡ do “bong bóng” BĐS là thấp.


Bộ Xây dựng không đề nghị bơm tiền cứu bất động sản
Bộ Xây dựng bác tin đồn về đề xuất bơm tiền cứu BĐS. Ảnh: Kỳ Anh

Gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng sắp vỡ “bong bóng” BĐS ở Việt Nam, ông có bình luận gì về nhận định này?

- Tại Việt Nam, thị trường BĐS hàng hóa còn nhỏ bé so với thị trường BĐS phi hàng hóa, nhất là trong lĩnh vực nhà ở. Nhu cầu về BĐS, nhất là nhà ở lớn. Mặt khác, thị trường BĐS thứ cấp, chứng khoán hóa thị trường BĐS ở nước ta hầu như chưa có; dự nợ tín dụng BĐS chiếm tỉ trọng thấp trong tổng dư nợ của toàn hệ thống tín dụng. Vì vậy, theo tôi, việc giao dịch nhà ở thương mại trầm lắng hiện nay cũng chỉ là tạm thời hoặc ở một số phân khúc nhất định, do đó nguy cơ “bong bóng” và đổ vỡ do “bong bóng” BĐS là thấp. Nếu nhìn ở góc độ khác thì giá BĐS giảm về gần giá trị thực cũng là tín hiệu tốt để các đối tượng tham gia thị trường có thể tái cơ cấu đầu tư; người có nhu cầu thực có khả năng tiếp cận hàng hóa phù hợp.


Theo ông, giải pháp cần thiết nhất với thị trường BĐS đang ở thời điểm khó khăn này là gì? Và tính xác thực của nguồn tin cho rằng Bộ Xây dựng đã đề xuất Nhà nước bơm tiền mua lại BĐS là thế nào, thưa ông?


- Trước tiên tôi xin khẳng định không có chuyện Bộ Xây dựng đề xuất như vậy. Tuy nhiên, để chấn chỉnh thị trường BĐS, không để thị trường này trở thành nhân tố tác động gây ra lạm phát cao, Bộ Xây dựng đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ 3 nhóm giải pháp chính, trong đó giải pháp lớn nhất là kiểm soát hiệu quả dòng vốn đầu tư vào thị trường để chống đầu cơ, nhưng cũng tránh gây sốc, làm đóng băng thị trường.


Trong các kiến nghị của Bộ Xây dựng gửi lên Chính phủ cũng khẳng định nên tiếp tục thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Chính phủ về giảm tốc độ và tỉ trọng tín dụng BĐS nhưng cần có lộ trình hợp lý, tránh giảm đột ngột, gây sốc. Một số khoản mục sẽ phải giảm tỉ trọng cho vay như: Vay xây dựng khu đô thị; vay xây dựng văn phòng (cao ốc) cho thuê; vay xây dựng để chuyển nhượng TTTM, chợ, cửa hàng; vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để bán; vay mua quyền sử dụng đất hoặc bồi thường GPMB. Ngược lại, một số khoản sẽ tăng tỉ trọng cho vay như: Vay xây dựng cơ sở hạ tầng (nhà, xưởng) phục vụ sản xuất, kinh doanh; vay mua nhà để ở; vay để hoàn thiện các dự án đã gần hoàn thành để tăng tính thanh khoản cho sản phẩm, bán và thu hồi vốn đầu tư.


Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kiến nghị tăng cường quản lý, kiểm soát đảm bảo thị trường BĐS phát triển cân đối giữa cung và cầu; kiên quyết không cho phép triển khai các dự án không có trong quy hoạch, không có khả năng kết nối hạ tầng; thực hiện nghiêm túc các quy định về chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở; đặc biệt các dự án nhà ở tại Hà Nội và TPHCM phải có tỉ lệ nhà chung cư trên 80%, hạn chế phát triển nhà ở cao cấp, biệt thự; đẩy mạnh các chương trình nhà ở xã hội trọng điểm...


Vậy theo ông, xu hướng phát triển của thị trường BĐS trong thời gian tới sẽ như thế nào?


- Tôi cho rằng, nếu tiếp tục một thời gian dài chính sách kiểm soát tín dụng chặt chẽ, dự nợ tín dụng BĐS tiếp tục giảm số tuyệt đối như hiện nay, thị trường BĐS sẽ tiếp tục đóng băng, nhiều DN không có khả năng hoàn thiện dự án sẽ buộc phải bán hàng dưới giá thành và không có khả năng trả nợ ngân hàng. Nhưng nếu có sự điều chỉnh chính sách tín dụng linh hoạt, lãi suất ngân hàng ổn định, dòng tiền được hướng vào các phân khúc có tính thanh khoản cao, tạo được niềm tin vào thị trường của những người có nhu cầu thì thị trường sẽ sớm phục hồi.


- Xin cảm ơn ông!

Theo Phạm Huệ (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.