“Nhà nước phải đứng ra chăm lo nhà ở cho người dân. Dù người tàn tật, người cô đơn không nơi nương tựa, hay người nghèo không có tiền cũng phải có chỗ ở. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là dùng phương tiện kinh tế thị trường để thực hiện mục tiêu vì con người. Người có tiền thì mua nhà theo giá thị trường. Còn người nghèo, người thu nhập thấp thì được nhà nước hỗ trợ để cải thiện nhà ở. Phát triển kinh tế thị trường sẽ làm cho đất nước phát triển thì mọi người dân đều được hưởng lợi ích từ sự phát triển đó”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng chia sẻ với Tiền Phong về chính sách phát triển nhà ở hiện nay. Ông Dũng cũng nhìn nhận, hiện vẫn còn không ít người gặp khó khăn về nhà ở, nhiều người phải sống trong điều kiện chật chội, chất lượng thấp, môi trường không đảm bảo, không an toàn.
Vậy chúng ta đã đưa ra những chính sách đột phá gì để giải quyết nhu cầu về nhà ở đang trở nên cấp thiết hiện nay, thưa Bộ trưởng?
Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia năm 2011 đã khẳng định vai trò nhà nước trong việc phát triển, chăm lo nhà ở cho người dân thay vì chỉ phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường như trước đó. Đây chính là bước đột phá về quan điểm, để thực hiện mục tiêu vì con người trong lĩnh vực nhà ở. Hiến pháp năm 2013 cũng đã khẳng định quyền có chỗ ở cho người dân, thay vì quyền sở hữu về nhà ở của người dân như Hiến pháp 1992. Đã là người dân thì phải có chỗ ở. Muốn làm được điều này, chúng ta phải cụ thể hóa Hiến pháp bằng Luật nhà ở. Nhà nước có trách nhiệm chăm lo nhà ở cho người dân. Dù người tàn tật, cô đơn không nơi nương tựa, hay người nghèo không có tiền cũng phải có chỗ ở, dù diện tích nhỏ, tiện nghi chưa cao nhưng phải đảm bảo chất lượng.
Chính vì thế trách nhiệm của Bộ Xây dựng là phải tham mưu, hoàn thiện thể chế, hoàn thiện về chiến lược nhà ở. Đến nay chúng ta đã cụ thể hóa Luật nhà ở cũng như cụ thể hóa Hiến pháp về quyền có chỗ ở của người dân và đang hoàn thiện các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành.
Sau một thời gian thực hiện các chương trình nhà ở, Bộ trưởng có thể cho biết về những kết quả đã đạt được?
Sau thời gian thực hiện, những chương trình nhà ở đã đi vào cuộc sống của người dân. Nhờ đó một bộ phận người dân ở cả đô thị và nông thôn đang được cải thiện về nhà ở, cuộc sống tốt hơn, đáp ứng được nguyện vọng, mong đợi của người dân. Đồng thời với đó đã tạo ra được sự hồi phục của thị trường bất động sản.
Tuy nhiên nhà ở hiện nay, đặc biệt lĩnh vực nhà ở xã hội ở đô thị và cả khu công nghiệp hiện đang rất thiếu. Do vậy chúng ta phải tập trung vào phát triển và coi đây là nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm trong thời gian tới. Để làm được việc này, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục cùng với các bộ ngành hoàn thiện thể chế, hoàn thiện pháp luật liên quan đến nhà ở, tạo môi trường huy động các nguồn lực, để kêu gọi các doanh nghiệp và người dân tham gia phát triển nhà ở bằng các chính sách hỗ trợ về đất đai, ưu đãi tín dụng, thuế... Coi đây là nhiệm vụ vừa là để phát triển kinh tế, thúc đẩy đầu tư và phát triển các ngành sản xuất hỗ trợ, đồng thời có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc.“Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là dùng phương tiện kinh tế thị trường để thực hiện mục tiêu vì con người. Người có tiền thì mua nhà theo giá thị trường. Còn những người nghèo, người thu nhập thấp thì được nhà nước hỗ trợ để cải thiện nhà ở ”.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng
Theo Bộ trưởng, địa phương có vai trò ra sao trong chính sách phát triển nhà ở của chúng ta hiện nay và những nút thắt nào cần phải sớm tháo gỡ?
Phát triển nhà ở xã hội, trách nhiệm không chỉ của Chính phủ, Bộ Xây dựng hay các bộ ngành khác, mà còn có vai trò của mỗi địa phương, vì tất cả các dự án phát triển nhà ở xã hội là tại các địa phương và phục vụ cho chính nhân dân địa phương đó. Trước hết đó là trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền mỗi địa phương phải tập trung thực hiện. Mỗi địa phương cần căn cứ vào nhu cầu nhà ở xã hội, tập trung quy hoạch, lập kế hoạch để phát triển nhà ở xã hội dài hạn, trung hạn và hàng năm, coi đó như chỉ tiêu pháp lệnh, thông qua HĐND quyết định, đánh giá hàng năm và 5 năm. Như vậy, chắc chắn việc thực hiện phát triển nhà ở của mỗi địa phương nói riêng và của đất nước nói chung sẽ thành công.
Theo đánh giá của Bộ trưởng thì địa phương nào đã làm tốt chủ trương chính sách về nhà ở xã hội thời gian qua?
Một số thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Đà Nẵng... Tuy nhiên, như tôi đã nói, nhu cầu nhà ở xã hội còn rất lớn và đang rất thiếu, cho nên việc tiếp tục tập trung thực hiện chiến lược nhà ở xã hội có ý nghĩa rất quan trọng.
Cảm ơn Bộ trưởng.