Bên hành lang nghị trường, tân Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng chia sẻ với báo giới về chủ trương đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội, lý giải nguyên nhân nóng lạnh của thị trường bất động sản.

Tập trung xây nhà ở xã hội


Trong nhiệm kỳ này, Bộ trưởng sẽ ưu tiên giải quyết những vấn đề gì?


- Nhiệm kỳ tới đặt ra rất nhiều thách thức cần vượt qua đối với ngành xây dựng.


Đầu tiên là phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đầu tư xây dựng, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, đặc biệt là đất đai và các nguồn lực khác như vốn đầu tư, nguồn nhân lực. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xây dựng. Hạn chế thất thoát, lãng phí.


 Bộ trưởng Xây dựng: Đánh giá lại nhu cầu nhà ở
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng

Hai là phải tập trung vào quá trình quản lý đô thị để đô thị thực sự trở thành động lực của quá trình phát triển kinh tế và trở thành hạt nhân để thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của mỗi địa phương, mỗi vùng và của cả nước.
Thứ ba là phải tập trung để phát triển nhà ở, đặc biệt quan tâm nhà ở xã hội, nhà ở cho những người chưa đủ điều kiện để mua nhà do giá quá cao.

Hiện tại đại bộ phận người dân đô thị rất khó tiếp cận nhà ở xã hội. Vậy tân Bộ trưởng có giải pháp trong thời gian tới?

- Chúng ta đã ban hành nhiều chính sách, vấn đề là tổ chức thực hiện thế nào, phải theo lộ trình dài hạn, trung hạn và phù hợp với các đối tượng sử dụng khác nhau.

Phát triển nhà ở xã hội được xem là một trọng tâm.


Chính phủ cũng có nhiều chính sách như hỗ trợ tiền sử dụng đất, các hỗ trợ khác như lãi suất cho vay nhưng phải cụ thể hóa bằng các chương trình cụ thể. Điều này cần sự nỗ lực cao của các bộ nói chung, trong đó có Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn.


Việc xây nhà ở xã hội vừa qua còn bị nhiều đối tượng lợi dụng dẫn đến tình trạng những người giàu vẫn có suất nhà ở xã hội. Bộ trưởng nghĩ sao về hiện tượng này và sắp tới liệu có giải pháp gì khắc phục?


- Chúng ta đang có hai loại thị trường nhà ở. Một là hàng hóa do thị trường điều tiết, chủ yếu là nhà cao cấp dành cho những người có thu nhập cao. Hai là nhà ở phi hàng hóa, tức là có thị trường, có nhu cầu nhưng không tuân theo quy luật của thị trường. Với loại hình này, chủ yếu Nhà nước phải can thiệp vào để cơ cấu nhà ở loại này tăng lên, nhiều thêm nữa để đáp ứng nhu cầu của đại đa số dân chúng.


Lâu nay vẫn có quan niệm chất lượng công trình nhà ở xã hội chưa cao, nhanh xuống cấp. Vậy sắp tới Bộ trưởng sẽ quan tâm chỉ đạo như thế nào để người dân yên tâm với chất lượng nhà ở xã hội?


- Tất nhiên chất lượng công trình lúc nào cũng phải được quan tâm. Một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Bộ Xây dựng nhiệm kỳ này là phải quản lý chất lượng công trình xây dựng nói chung, trong đó có công trình nhà ở.


"Các nhà đầu tư đều phải bỏ tiền"


Thị trường bất động sản nhiều năm qua biến động rất khó lường, lúc nóng lúc lạnh. Bộ Xây dựng có giải pháp gì để đưa thị trường bất động sản trở về với giá trị thực?


- Hiện chưa có đánh giá chính xác xem thị trường bất động sản cụ thể thế nào, nhưng rõ ràng với tình trạng trầm lắng như hiện nay thì phải quan tâm nhiều hơn.


Bởi vì trầm lắng như thế là thực tế giữa cung và cầu có vấn đề. Có những loại nhà được xây dựng quá nhiều thị trường không cần đến, cũng không phù hợp với khả năng thanh toán của người dân. Nhưng lại có những loại nhà đang quá thiếu.


 Bộ trưởng Xây dựng: Đánh giá lại nhu cầu nhà ở
Tân Bộ trưởng trong vòng vây báo chí tại hành lang Quốc hội sáng 3/8

Sắp tới Bộ có đề xuất xây dựng tiêu chí nào để khắc phục tình trạng vừa thừa vừa thiếu như ông nói để đưa thị trường trở lại cân bằng?

- Bộ Xây dựng sẽ cùng các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh phải rà soát lại, đánh giá được nhu cầu nhà ở căn cứ vào quy hoạch của từng giai đoạn, xem dân số tăng bao nhiêu và bao nhiêu nhà ở là vừa.

Rồi từ đó xác định nhu cầu đất là bao nhiêu, cần bao nhiêu dự án.


Tất cả những việc quy hoạch này đều thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước phải làm thế nào để can thiệp, điều tiết cân bằng cung - cầu về nhà ở.


Rõ ràng việc thị trường đang trầm lắng có nguyên nhân là giá cả không phù hợp với khả năng thanh toán của người dân. Nhu cầu giảm, tức nguồn cung cũng phải hạ, giá phải giảm.


Vậy tại sao không để cho thị trường về hẳn giá trị thực như một sự điều chỉnh tự nhiên, đâu cần đề xuất giải cứu, thưa ông? Việc giải cứu là vì lợi ích của ai?


- Nếu tất cả đều là tự nhiên không ảnh hưởng gì đến ai thì không phải bàn, nhưng mọi chuyện lại không phải hoàn toàn tự nhiên như thế.


Các nhà đầu tư đều phải bỏ tiền ra và đây cũng là sản phẩm của xã hội, tài sản của xã hội. Chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ để nó phát triển hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.


Thứ nhất là lợi ích của toàn dân. Sau đó là lợi ích của nhà đầu tư. Nhưng lợi ích đặc biệt nhất là lợi ích của dân, người tiêu dùng.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng (55 tuổi), quê Vĩnh Phúc, trình độ thạc sĩ, là ủy viên Trung ương Đảng. Tỉ lệ phiếu bầu là 92,2%.

Theo Ngọc Lê (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.