Hôm nay 17-12, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị các doanh nghiệp Ngành XD, nhằm hiến kế phát triển thị trường nhà ở, trong đó quan tâm đặc biệt tới nhà ở xã hội… PV báo PL&XH đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng xung quanh nội dung trên.
Xây dựng tối thiểu 10 triệu m2 nhà ở xã hội
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: “Cần quan tâm hơn đối tượng khó khăn về nhà ở”

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng
Về chủ trương phát triển nhà ở, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Nhà ở là nhu cầu thiết yếu, là một trong những quyền cơ bản của con người. Cùng với y tế, giáo dục, nhà ở là điều kiện cần thiết để phát triển con người một cách toàn diện. Những năm gần đây, đáng mừng là một số địa phương và DN bước đầu đã quan tâm thúc đẩy phát triển dự án nhà ở xã hội. Tổng số khoảng 300 dự án nhà ở thu nhập thấp và nhà ở công nhân KCN đã đăng ký thực hiện trong giai đoạn 2009-2015, với tổng mức đầu tư khoảng 55.000 tỉ đồng. Hiện nay đã có 27 dự án nhà ở cho công nhân KCN với tổng mức đầu tư trên 3.000 tỉ đồng; 42 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp với tổng mức đầu tư 4.500 tỉ đồng đang được triển khai thực hiện.
Ngoài ra, hiện có 94 dự án nhà ở cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng với tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỉ đồng cũng đang được thực hiện đầu tư xây dựng,.... Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm hỗ trợ cho các hộ nghèo cải thiện nhà ở, đã có hàng triệu lượt hộ nghèo được Chính phủ hỗ trợ xây mới, cải tạo nhà ở, điển hình là các Chương trình tôn nền vượt lũ và nhà ở đồng bằng sông Cửu Long, Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo tại khu vực nông thôn, góp phần ổn định đời sống cho hàng triệu người dân.
Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, ngày 6-12-2011 Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 2196/CT-TTg về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản (BĐS). Trong đó yêu cầu phải “tái cơ cấu“ hàng hóa BĐS cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, đồng thời đẩy mạnh phát triển các loại hình nhà ở xã hội có sự tham gia, điều tiết của Nhà nước để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Những giải pháp mang tính chất an sinh xã hội này sẽ được triển khai ra sao? Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định quan điểm của Chính phủ là tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao không ngừng chất lượng cuộc sống của nhân dân... Ông cho biết, trong vòng 5 năm tới, một trong những mục tiêu đặt ra là nâng diện tích bình quân nhà ở đạt khoảng 22m2/người, phấn đấu xây dựng tối thiểu khoảng 10 triệu m2 nhà ở xã hội;...

Ưu tiên 8 nhóm đối tượng khó khăn


Để thực hiện các mục tiêu cơ bản nêu trên, một trong những mục tiêu quan trọng đang được Bộ Xây dựng xác định là thực hiện tốt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30-11-2011.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: “Cần quan tâm hơn đối tượng khó khăn về nhà ở”
Ảnh minh họa.
Bộ trưởng cho biết cùng với việc tiếp tục phát triển thị trường nhà ở hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của những đối tượng có khả năng chi trả nhà ở theo cơ chế thị trường, trong giai đoạn tới chúng ta sẽ tập trung phát triển thị trường nhà ở phi hàng hóa (có sự tham gia mạnh mẽ của Nhà nước) để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của các đối tượng không có khả năng chi trả theo cơ chế thị trường.
Ông cho biết, có 8 nhóm đối tượng có khó khăn về nhà ở mà thị trường nhà ở phi hàng hóa (nhà ở xã hội) cần phải đáp ứng, đó là: nhà ở cho người có công với cách mạng; nhà ở cho người nghèo ở khu vực nông thôn; nhà ở cho người nghèo ở khu vực đô thị; nhà ở cho lực lượng vũ trang; nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, văn nghệ sỹ, trí thức; nhà ở cho sinh viên; nhà ở cho công nhân lao động và nhà ở cho những đối tượng xã hội đặc biệt khó khăn (người tàn tật, người già không nơi nương tựa...), để mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.
Vậy sẽ huy động nguồn lực đầu tư cho mục tiêu này từ đâu? Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, phương thức phát triển nhà ở xã hội sẽ được triển khai đa dạng theo nhiều hướng, như: Nhà nước đầu tư nhà ở cho thuê giá rẻ, đầu tư theo hình thức BT, PPP; ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; hỗ trợ để người nghèo khu vực nông thôn, khu vực thường xuyên bị thiên tai cải thiện nhà ở...
Các DN cần xác định trách nhiệm xã hội của mình để tham gia mạnh mẽ hơn vào các chương trình phát triển nhà ở dành cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho thuê. Bên cạnh đó, cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các địa phương, doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có vai trò quan trọng của các cơ quan thông tấn báo chí trong việc tuyên truyền, vận động người dân chủ động tham gia cùng Nhà nước giải quyết vấn đề nhà ở.
Theo Bá Tuấn (PL&XH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.