Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản được coi là một trong những giải pháp quan trọng để khơi thông tắc nghẽn cho nền kinh tế. Trao đổi với phóng viên báo chí bên lề Kỳ họp thứ tư - Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nói: Thị trường bất động sản sẽ được kích cầu theo hướng có lợi cho người nghèo.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng. Ảnh: Chiến Thắng

Cố gắng làm ấm thị trường

Phóng viên: Theo Bộ trưởng, thị trường bất động sản trong năm tới có ấm lên?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Bây giờ đang cố gắng làm cho ấm lên, nhưng phải nói thị trường rất khó khăn. Vì vậy, cần phải có sự tập trung quyết tâm trước hết của các doanh nghiệp, sau đó là các cơ quan quản lý, của Chính phủ và sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương. Sự vào cuộc của địa phương là nhân tố rất quan trọng, nếu không nói là quyết định.

- Vào cuộc theo cách nào?

- Vào cuộc là phải chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, động viên doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, tháo gỡ thủ tục hành chính, những thủ tục trong đầu tư xây dựng với thời gian nhanh nhất, không phiền hà, không vô cảm.

- Nhiều ý kiến cho rằng kích cầu bất động sản thì phải bắt đầu từ người tiêu dùng, ưu đãi về tín dụng...

- Đúng thế! Kích cầu bất động sản chính là kích cầu từ người tiêu dùng. Kích cầu người tiêu dùng không có nghĩa là cho người ta tiền. Chẳng hạn, để tháo gỡ khó khăn, chúng ta chuyển từ căn hộ cao cấp hay trung cấp xuống căn hộ bình dân, thì đây cũng là giải pháp kích cầu. Hay chúng ta chuyển các dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội cũng chính là kích cầu. Giảm, miễn tiền sử dụng đất cũng là một gói kích cầu gián tiếp, một gói tiền của Chính phủ gián tiếp cho người dân, giúp giảm giá nhà. Lẽ ra, người dân phải mua với giá 10 triệu đồng mỗi mét vuông, nhưng do làm như thế nên chỉ mua 8 triệu đồng mỗi mét vuông; cộng với các căn hộ có cơ cấu hợp lý nên sẽ phù hợp với đại đa số khả năng thanh toán của người dân.

Chúng ta làm việc này còn có ý nghĩa về kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Kinh tế đi lên sẽ chia đều những lợi ích cho người dân, tức là những người không mua nhà cũng được lợi. Tuy nhiên, những người mua nhà trực tiếp sẽ được lợi hơn. Tức là chúng ta đã hướng tháo gỡ khó khăn bất động sản vào những người nghèo, để người nghèo được cải thiện nhà ở. Chúng ta làm nhiệm vụ vừa kinh tế, vừa kỹ thuật nhưng vừa chính trị, vừa nhân văn.

- Cụ thể, theo đánh giá của Bộ trưởng, gói kích cầu bất động sản dự kiến khoảng bao nhiêu?

- Cái đó phải tính toán rất cụ thể.

Mong người mua nhà sớm được giảm thuế VAT

- Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội không chấp thuận đề xuất của Chính phủ về việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho người mua nhà thì có ảnh hưởng đến vấn đề kích cầu bất động sản?

- Kích cầu bất động sản có nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố giảm tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT. Do vậy, nếu không được chấp thuận, nó cũng làm giảm nguồn kích cầu.

- Bộ trưởng có hy vọng Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ sớm thông qua đề xuất giảm thuế VAT cho người mua nhà?

- Tôi cũng mong muốn như thế. Bất động sản là lĩnh vực xương sống của nền kinh tế. Vì sao? Vì nó tạo ra tài sản cố định của nền kinh tế trên tất cả các lĩnh vực, hạ tầng, sản xuất, nhà ở, dịch vụ... Kinh doanh bất động sản nằm ở nhiều lĩnh vực, trong đó chủ yếu là nhà ở, văn phòng cho thuê, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, hạ tầng khu công nghiệp, các công trình giao thông có kinh doanh, có đầu tư của doanh nghiệp. Kinh doanh bất động sản rất lớn, nhưng khó khăn chủ yếu nằm ở khối nhà ở và văn phòng.

- Minh bạch về giá ở bất động sản không thực hiện được, nên cùng một nơi, nhưng có dự án giảm đến 50%, có những dự án giảm 10%. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

- Tôi nói rồi, bất động sản là sản phẩm hàng hóa rất đặc biệt, không như hàng hóa khác. Nhưng có cái chung là nếu vay tiền, để lâu không bán được thì giá sẽ rất cao, có thể cao gấp đôi, gấp ba. Nếu đầu tư xong, bán được ngay, chắc chắn giá sẽ khác. Khi xác định giá bất động sản, phải quy về một thời điểm, một chu kỳ để đánh giá.

Giá nhà còn cao

- Nhiều doanh nghiệp đã giảm giá mạnh, kể cả cao cấp lẫn dự án bình thường. Theo Bộ trưởng, mức giảm như vậy đã đủ chưa và có thể giảm nữa không?

- Những vấn đề đó phải tính toán cụ thể. Giá của sản phẩm không chỉ 10 triệu đồng hay mấy triệu đồng là phù hợp, bởi vì nó còn phụ thuộc vào các yếu tố đầu vào. Trong đó, quan trọng nhất là tín dụng, lãi suất tín dụng. Nếu một công trình xây dựng bây giờ hết 8 triệu đồng mỗi mét vuông và bán 10 triệu đồng, nhưng để một năm nữa mà chịu lãi, thì nó sẽ lên đến 20 triệu đồng. Cho nên, đánh giá cụ thể giá bán bao nhiêu phụ thuộc vào giá bán đó được thực hiện ở thời điểm nào và tồn kho lâu dài đến mức độ nào.

- Giá nhà theo mặt bằng hiện nay có phù hợp với đại đa số người dân không?

- Giá nhà hiện nay không thể nói là phù hợp với đại đa số người dân, vì có những người không có tiền để mua nhà, có những người có tiền nhưng không đủ mua với giá hiện nay.

- Nhiều doanh nghiệp nói chi phí lo thủ tục cũng rất nhiều, dẫn tới giá nhà bị đội lên cao. Theo Bộ trưởng có thực trạng đó không? Làm thế nào khắc phục được điều đó?

- Theo tôi, không phải chỗ nào cũng như thế. Nhưng rõ ràng chi phí không chính thức đó cũng là nhân tố làm tăng giá, do đó cần phải loại bỏ. Loại bỏ bằng cách tăng cường kiểm tra, kiểm soát và tăng cường đấu tranh, phát hiện chống tham nhũng, lãng phí.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Minh Thắng (QĐND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.