Để giải quyết tranh chấp về phí dịch vụ chung cư, một số chuyên gia cho rằng không nên bỏ “trần”, một số khác khẳng định cần buộc chủ đầu tư bầu ban quản trị các tòa nhà.

Ở một căn hộ bình dân tại Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội, chị Lâm vẫn phải chi 2.800 đồng/m2 cho căn hộ 88 m2 trong khi đường vào tòa nhà lổn nhổn toàn đá nhọn, thậm chí đến ở đã gần hai năm nhưng tòa nhà vẫn chưa có… cổng vào; trẻ em không có chỗ vui chơi vì sân đã thành bãi ô tô.

Ban đầu, phí trông ô tô là 1,2 triệu đồng/tháng, trong khi theo quy định của TP thì tối đa chỉ 800.000 đồng, khiến các hộ có xe bức xúc. Sau nhiều lần đấu tranh, cuối cùng Ban quản lý phải chấp nhận thu theo quy định.

“Vì có trần phí của TP mà chúng tôi mới có căn cứ để đấu tranh. Nếu bây giờ bỏ trần, chủ đầu tư sẽ bắt chẹt thì người dân sẽ bị làm khó đến mức nào?”, chị Lâm lo lắng.


Người dân không muốn bỏ “trần” vì sợ bị áp đặt - Ảnh Ngọc Thắng

Đây cũng là mong muốn của tuyệt đại đa số cư dân sống tại các chung cư từ bình dân đến cao cấp, tất cả đều lo lắng nếu đề xuất bỏ trần phí chung cư của TP.Hà Nội được bộ Xây dựng đồng ý. Nhiều ý kiến cho rằng, trước khi quyết định đồng ý hay không đề xuất của Hà Nội, Bộ Xây dựng cần tổ chức thăm dò ý kiến rộng rãi, trong đó có đại diện người dân chung cư.

Trao đổi với Thanh Niên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, bỏ trần phí chung cư đồng nghĩa với việc “cơ quan quản lý quay lưng lại với quyền lợi người dân”.

GS Võ phân tích: Trong hợp đồng mua bán căn hộ, các quy định luôn có lợi hơn cho chủ đầu tư; quy định về việc bầu ban quản trị không được thực hiện thì việc thả nổi trần chung cư sẽ làm người dân bất lợi hơn, dẫn đến tranh cãi, kiện cáo.

“Nếu quy định như vậy thì rõ ràng cơ quan quản lý chỉ bảo vệ quyền lợi các chủ đầu tư mà bỏ mặc quyền lợi của số đông người dân”, ông Võ nhận định.

Cũng theo GS Võ, ở nhiều nước, cư dân các căn hộ chung cư tự tổ chức mô hình hợp tác xã vận hành các tòa nhà để giải quyết nhu cầu dịch vụ cho cộng đồng hoặc thuê một đơn vị độc lập để vận hành các dịch vụ cộng đồng. Quyền quyết định mức phí thuộc về chủ các căn hộ.

“Cần thực hiện nghiêm việc bầu ban quản trị chung cư để người dân được quyết định mức phí tương xứng với những gì họ được hưởng”, ông Võ đề nghị.

Trong khi đó, cả Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, TS Phạm Sỹ Liêm hay Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính Vũ Đình Ánh đều ủng hộ việc bỏ trần phí dịch vụ chung cư, với điều kiện phải thành lập ban quản trị tại các chung cư.

Theo ông Vũ Đình Ánh, quy định hiện hành về việc phải có 50% dân cư của tòa chung cư đến ở mới bầu ban quản trị cũng là làm khó cho người dân.

“Cần tìm một cơ chế, quy định hợp lý hơn để bất kỳ hộ dân nào ở tòa chung cư đều được đảm bảo quyền lợi. Có thể thay quy định chỉ bầu ban quản trị khi chung cư có trên 50% hộ dân đến ở bằng quy định chủ đầu tư đã bán bao nhiêu căn hộ… cũng là một cách”, ông Ánh đề nghị.

TS Phạm Sỹ Liêm thì cho rằng, luật Nhà ở (điều 71) đã quy định việc thành lập ban quản trị các tòa nhà nhưng các chủ đầu tư không thực hiện mà cơ quan quản lý cũng làm ngơ.

Theo ông Liêm, cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định, đó là cách tốt nhất để bảo đảm quyền lợi cho các hộ dân, thay vì chạy theo mức phí trần chung cư gây tranh cãi như lâu nay.

Theo Thanh Niên
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.