14/09/2013 7:42 AM
Còn 29 hộ chưa chịu di dời do không đồng ý với mức hỗ trợ của quận Bình Thạnh. Có hộ còn kiện ra tòa.

“Từ năm 2007, sau khi 13 căn nhà ở bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh bị sụp xuống sông, UBND TP.HCM đã có quyết định di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu sạt lở để thực hiện dự án xây bờ kè. Thế nhưng đến nay vẫn còn nhiều hộ chưa chịu di dời” - ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, thông tin tại buổi lấy ý kiến xây dựng kế hoạch cưỡng chế, di dời dân ra khỏi vùng bị sạt lở ở khu Thanh Đa, ngày 13-9.

Đại diện chủ đầu tư, ông Trần Văn Giàu, Phó Giám đốc Khu Quản lý Đường thủy nội địa (Sở GTVT TP), cho biết: Dự án xây bờ kè Thanh Đa đoạn từ cầu Kinh đến bờ kè Công Đoàn (phường 27, quận Bình Thạnh) có tổng vốn đầu tư 38 tỉ đồng, chưa tính kinh phí giải phóng mặt bằng. Công trình khởi công từ tháng 7-2012, dự kiến hoàn thành trong 11 tháng nhưng đến nay chỉ mới thực hiện được 37% khối lượng (220 m/660 m kè) do nhiều khu vực chưa bàn giao mặt bằng.

Khu vực có nguy cơ sạt lở cao cần phải di dời dân. Ảnh: T.THANH

“Ngoài chuyện chậm tiến độ, việc thi công bờ kè kiểu đứt quãng, không đồng bộ sẽ ảnh hưởng xấu tới chất lượng công trình. Khi xảy ra sạt lở, công trình dễ bị tàn phá” - đại diện đơn vị tư vấn dự án cảnh báo.

Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMT) quận Bình Thạnh thông tin, dự án trên ảnh hưởng đến 132 hộ dân, hiện còn 29 hộ chưa chịu di dời do không đồng ý với mức hỗ trợ của quận. Trong số này, có sáu hộ nằm ở những vị trí có nguy cơ sạt lở cao cần phải di dời gấp.

Cũng theo Ban BTGPMT, nguồn gốc đất của sáu hộ này là đất lấn chiếm sau giải phóng và quận đã vận dụng tất cả quy định để có mức hỗ trợ cao nhất. Cụ thể, trường hợp có diện tích đất nhỏ nhất (43,8 m2) được hỗ trợ hơn 400 triệu đồng. Có hai trường hợp được hỗ trợ hơn 660 triệu đồng/hộ, một trường hợp được hỗ trợ khoảng 1,2 tỉ đồng và một trường hợp được hỗ trợ 1,3 tỉ đồng.

“Ngoài khoản hỗ trợ trên, các hộ dân còn được quận bố trí mua căn hộ tái định cư ở chung cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh với giá chỉ hơn 300 triệu đồng/căn. Tuy nhiên, họ vẫn chưa đồng ý với phương án hỗ trợ này, một số hộ còn kiện ra tòa” - đại diện Ban BTGPMT cho hay.

Ông Tín cho biết trong thời gian tới, quận tiếp tục vận động để sáu hộ trên bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án. Trong trường hợp phải tổ chức cưỡng chế, quận sẽ chuẩn bị kỹ các phương án bảo vệ tài sản và tính mạng người dân, tuyệt đối không để họ không có chỗ ở.

“Người dân có quyền khiếu nại, khiếu kiện. Còn quan điểm của quận là giải quyết một cách hài hòa, vừa đảm bảo di dời dân khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm để thực hiện dự án nhưng cũng phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân” - ông Tín nhấn mạnh.

Trung Thanh (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.