Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên xung quanh đề xuất bãi bỏ công chứng hợp đồng (HĐ) nhà đất của Bộ Xây dựng, bà Đỗ Hoàng Yến - Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), cho biết:
Bỏ công chứng hợp đồng nhà đất: Đề xuất không phù hợp

Hoạt động công chứng tạo yên tâm lớn cho người dân khi thực hiện các giao dịch nhà đất - Ảnh: D.Đ.Minh

Công chứng (CC) tạo ra những bảo đảm pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, ngăn ngừa vi phạm pháp luật, ngăn chặn những giao dịch (GD) bất hợp pháp và là cơ sở pháp lý đáng tin cậy để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khi có tranh chấp xảy ra. Nhìn chung, có thể coi CC như một người “gác cổng” tin cậy đối với sự an toàn của các HĐ, GD, nhất là các GD về nhà, đất.


Cải cách không phải là cắt bỏ, xóa bỏ

Thực tiễn câu chuyện của các bên trong HĐ, GD được CC không đơn thuần là thực hiện thủ tục hành chính, mà đó là việc các bên tìm và cần người làm chứng công tâm, phân minh, có thể xác nhận không thiên vị cho các bên trong các GD quan trọng.

Nhìn nhận cải cách là việc cắt bỏ, xóa bỏ thủ tục, trình tự CC hay đăng ký là sự nhầm lẫn hay đánh đồng vai trò và chức năng của tổ chức CC với cơ quan đăng ký, cấp GCN. Vậy những HĐ, GD có giá trị lớn, phức tạp và quan trọng về nhà đất, nếu không được CC, liệu có bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên khi mà các bên chỉ tự ký với nhau mà không chắc là sẽ được hoặc không được cấp GCN, đặc biệt trong sự rối rắm, phức tạp và bất hợp lý của hệ thống thủ tục cấp GCN nhà đất hiện nay. Những GD theo nguyên tắc tự do, bình đẳng, tự nguyện và thỏa thuận trong đời sống kinh tế, dân sự không lẽ lại được cải cách theo hướng chuyển thành “xin cho” xoay quanh thủ tục cho phép hay không cho phép cấp GCN về nhà đất mà trước đây nhiều năm người dân đã từng vất vả trải qua.

Vì vậy, đề xuất của Bộ Xây dựng cần được xem xét một cách cẩn trọng.

Mạnh Thắng


Ý kiến của bà như thế nào về kiến nghị không cần CC đối với 7 loại HĐ nhà đất của Bộ Xây dựng?

Đề xuất này xuất phát từ việc kiến nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ, với mục đích người dân được giản tiện hơn trong việc cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và các tài sản gắn liền với đất. Tuy nhiên, cần phải nhìn vào thực chất của vấn đề.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người dân chậm được nhận “giấy hồng”, “sổ đỏ” trong thời gian qua không phải là vì thủ tục CC, mà xuất phát từ những vướng mắc trong khâu thụ lý, giải quyết hồ sơ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp GCN sang tên, trước bạ nhà đất, từ việc trong hồ sơ yêu cầu quá nhiều loại giấy tờ, tài liệu kèm theo, nhiều quy định chưa thực sự rõ ràng, thời gian xem xét để được cấp giấy từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ rất dài, người dân phải chờ đợi rất lâu và đi lại rất nhiều lần. Vì vậy, cần phải có sự sửa đổi, cải tiến trong việc đăng ký nhà đất và cấp giấy GCN QSDĐ, chứ không phải bỏ thủ tục CC thì việc cấp GCN sẽ nhanh hơn và đơn giản hơn.

Đề xuất này của Bộ Xây dựng, theo ý kiến cá nhân tôi, là không phù hợp và các lập luận là không thuyết phục. Các HĐ, GD về QSDĐ là các HĐ, GD diễn ra thường xuyên hằng ngày, với giá trị lớn, có nguy cơ xảy ra tranh chấp. Bỏ CC bắt buộc đối với các HĐ, GD này dẫn đến rủi ro rất cao cho các bên tham gia, trật tự kinh tế và an toàn xã hội cũng không được bảo đảm vì không ai đứng ra “chứng” là HĐ, GD đó bảo đảm tính xác thực và hợp pháp, khi có tranh chấp xảy ra, người dân không có cơ sở để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Cũng có ý kiến cho rằng bỏ CC HĐ, GD thì người dân sẽ tiết kiệm được một khoản tiền về phí CC nhưng không nghĩ rằng nếu tranh chấp xảy ra thì thiệt hại có thể sẽ rất lớn đối với các bên và chi phí nhà nước, xã hội phải bỏ ra để giải quyết hậu quả là khó đong đếm được.

Có ý kiến cho rằng, nên để cơ quan quản lý chuyên ngành vừa thực hiện đăng bộ vừa xác nhận và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của các HĐ nhà đất?

Mục đích hoạt động CC và hoạt động đăng ký BĐS là hoàn toàn khác nhau, hoạt động đăng ký không thể thay thế cho hoạt động CC được, các đăng ký viên cũng không thể làm thay việc của CC viên. CC viên được coi là “thẩm phán phòng ngừa”, là các chuyên gia về HĐ, được đào tạo chuyên ngành luật và chuyên môn nghiệp vụ về CC mới có thể có đủ năng lực và kiến thức để kiểm soát được tính an toàn pháp lý đối với các HĐ, GD về BĐS, tình trạng pháp lý của BĐS, kiểm soát về chủ thể giao kết HĐ…

Còn hoạt động đăng ký BĐS là thủ tục hành chính thiết lập hồ sơ địa chính nhằm xác lập mối quan hệ pháp lý giữa Nhà nước với người sử dụng, người sở hữu BĐS... Hiện nay, văn phòng đăng ký QSDĐ ở cấp huyện với một đăng ký viên không bắt buộc có trình độ cử nhân luật, không được đào tạo về nghiệp vụ CC sẽ không thể kiểm soát được tính an toàn pháp lý cho tất cả các HĐ, GD về BĐS. Như vậy, nếu để cơ quan quản lý chuyên ngành vừa thực hiện đăng bộ vừa xác nhận và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của các HĐ nhà đất là không phù hợp, vừa không bảo đảm an toàn cho các HĐ vừa dẫn đến tình trạng ách tắc, vừa “hành chính hóa” một dịch vụ công (là CC) mới được xã hội hóa. Các nước trên thế giới cũng không làm như vậy.

Xin cảm ơn bà.

Theo Quang Duẩn (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0