CafeLand - Trước tình trạng phân lô bán nền trái phép trên cơ sở phân lô đất nông nghiệp thành các mảnh đất nhỏ, không đủ diện tích tách thửa, không phù hợp với quy hoạch và sang nhượng trái phép, UBND Bình Dương đã ra chỉ thị khẩn để chấn chỉnh việc này.

Một dự án nhà ở tại Bình Dương với 4 mặt giáp...cao su

Theo đó, chỉ cho phép người sử dụng đất tách thửa các loại đất không phải là đất ở trên cơ sở sử dụng đất đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phân khu chức năng và khả năng kết nối hạ tầng.

Nghiêm cấm việc phân lô, bán nền trái pháp luật để sử dụng vào mục đích đất ở khi không phù hợp với quy hoạch. Mọi hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm kiên quyết xử lý vi phạm hành chính và buộc khôi phục tình trạng đất trước khi vi phạm đối với các hành vi sử dụng đất sai mục đích, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật. Đồng thời kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm việc tự tiện san lấp mặt bằng, tách thửa đất làm khu dân cư, khu nhà ở trái quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phân khu chức năng, không có khả năng kết nối hạ tầng và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

Đối với cấp xã, phường, thị trấn thì nếu phát hiện việc tách thửa trái phép thì Chủ tịch UBND cùng cấp nơi có đất phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Các cán bộ, công chức không tiếp tay tách thửa dưới bất kỳ hình thức nào và nhận dạng ngay từ khâu đo đạc, trường hợp vi phạm thì sẽ xử lý nghiêm, nếu có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thì lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc phân lô bán nền các loại đất không phải đất ở với diện tích nhỏ gây phá vỡ quy hoạch, không kết nối được với hạ tâng kỹ thuật và dẫn đến phát sinh nhiều khiếu kiện phức tạp về đất đai khi thực hiện quy hoạch. Việc tự ý phân lô bán nền còn nhằm mục đích trốn thuế, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.

Luật Đất đai 2013 và các quy định hiện hành không hạn chế diện tích tối thiểu để tách thửa đất nông nghiệp. Điều này được hiểu là các địa phương phải tách thửa đất nông nghiệp theo nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, việc “hiểu” này ở mỗi nơi lại khác nhau, có nơi cho tách thửa với hạn mức tối thiểu lớn (500 - 1000m2), cũng có nơi không cho tách thửa vì sợ phát sinh nhiều hệ lụy sau khi cho tách thửa. Hiện rất nhiều địa phương đang xin ý kiến của Trung ương về vấn đề này.

N.Đăng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.