Trong thời gian gần đây, có rất nhiều người dân ở thôn Đông Hải, xã Nhơn Hải, tập trung vác đơn đi khiếu kiện UBND tỉnh Bình Định và thành phố Quy Nhơn, về việc thu hồi và đền bù không thỏa đáng của hàng chục hộ dân nằm trong dự án phải giải tỏa trắng để xây dựng Khu tái định cư vùng lũ. Đi sâu tìm hiểu, chúng tôi thấy việc khiếu kiện của người dân là có cơ sở.

Nhà dân khu tái định cư

Nhơn Hải là xã đảo thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, có 6.197 nhân khẩu gồm 1.337 hộ gia đình, sinh sống chủ yếu là nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên biển. Cách đây 5 năm về trước, khi cây cầu Nhơn Hội vượt biển dài nhất Đông Nam Á được khánh thành và đi vào sử dụng, thì cũng từ đó người dân Nhơn Hải không phải đi về đất liền bằng phương tiện duy nhất là bằng ghe, tàu. Đời sống vật chất lẫn tinh thần ở đây cũng ngày một đi lên. Cuộc sống của người dân Đông Hải đang đi vào ổn định và phát triển, thì dự án Khu tái định cư vùng thiên tai Nhơn Hải được ban hành theo Quyết định số 1583/QĐ ngày 22-4-2008 của UBND TP Quy Nhơn, và quyết định số 3133/CTQĐ – UBND tỉnh Bình Định về việc phê duyệt giá trị bồi thường và tái định cư cho hộ dân nằm trong vùng quy hoạch, đã làm đảo lộn cả cuộc sống một vùng đảo biển thanh bình hằng bao đời nay.

Dự án tái định cư dân vùng thiên tai là chủ trương đúng đắn của tỉnh Bình Định, song sự mất công bằng về công tác xác định, định giá bồi thường của các hộ dân trong khu tái định cư của một số cán bộ làm công tác đền bù giải phóng mặt bằng làm cho hàng chục hộ dân phải đội đơn kêu cứu. Chị Nguyễn Thị Thương ở thôn Đông Hải, một trong hàng chục ngôi nhà bị giải tỏa trắng, có một ngôi nhà trên 50 m2 khá là khang trang đẹp đẽ trên diện tích đất của chị là 114m2, thế mà không biết Ban giải phóng mặt bằng tính toán thế nào mà định giá cả nhà cửa lẫn đất đai của chị Thương được hỗ trợ đền bù chỉ vẻn vẹn 60 triệu đồng, và được bán lại cho một lô tái định cư tại chỗ 90 m2 với giá gần 15 triệu đồng. Trên thực tế, nếu ta xây được một căn nhà cấp 4 như nhà chị Thương tại xã đảo này, thì số tiền xây dựng không dưới 120 triệu đồng, trong khi vật giá đang ngày một cao. Chị Nguyễn Thị Luyện, cũng không có gì khá hơn, nhà nghèo, con bị mù đau ốm quanh năm, có khai hoang một mảnh đất (trước năm 1997) trong vùng dự án 120 m2 và làm tạm căn nhà ván để ở, nhưng chính quyền xã không cho, nên chị và gia đình phải ở nhờ bên nhà cha mẹ, nhưng Hội đồng đền bù chỉ trả 4 triệu đồng, mà không cho tái định cư. Như vậy, gia đình chị Luyện vốn đã nghèo khổ, nay như vậy chắc sẽ còn cùng cực hơn. Hay trường hợp của hộ bà Võ Thị Đẹp, hộ bà Đoàn Thị Minh, cũng ở thôn Đông Hải, bị thu hồi gần 100 m2 đất nhưng chỉ được đền bù có trên 9 triệu đồng, ngoài ra không được hỗ trợ thêm gì hết. Trong khi có hộ Hà Văn Tư có 4 nhân khẩu thì được cấp tái định cư 126 m2, vậy mà có gia đình khác có tới 3, 4 cặp vợ chồng sống chung trong một gia đình thì Ban đền bù giải phóng mặt bằng cũng chỉ cấp cho họ có một lô đất mấy chục mét vuông ngay trên chính mảnh đất của mình.


Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã thay mặt cho Ban Thường vụ Đảng ủy xã Nhơn Hải cho biết: Dự án di dân vùng thiên tai còn nhiều bất cập trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, nhất là việc áp dụng hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ di dân vùng ngập lụt là chưa phù hợp với người dân ở đây. Chúng tôi sẽ làm công văn kiến nghị lên UBND TP Quy Nhơn xem lại trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, để có biện pháp giúp đỡ người dân khi phải giải tỏa trắng, đây không phải là hộ nằm trong vùng thiên tai phải di dân, mà họ là những hộ nằm trong vùng dự án nên không thể lấy mức hỗ trợ di dân vào áp giá bồi thường cho họ được. Với diện tích 3,5 ha để làm khu tái định cư là chưa hợp lý trong việc đền bù giải phóng mặt bằng, khi hộ đông nhân khẩu thì được cấp một lô tái định cư với diện tích mấy chục mét vuông còn có hộ ít khẩu thì được đền bù nhiều và tái định cư diện tích lớn, thiếu sự công bằng. Việc xác định giá đất, nhà và tài sản trên đất cũng chưa được công bằng, hay đằng sau việc đền bù này có gì uẩn khúc? Hơn nữa việc đền bù quá ít, với số tiền đó chưa đủ họ xây được móng nhà, trong khi các hộ ở đây hầu hết là gia đình thuộc hộ đói nghèo, vậy thì họ lấy đâu ra tiền để làm nhà. Chúng tôi mong rằng các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Định cần xem xét và giải quyết những bất cập trong dự án xây dựng Khu tái định cư vùng thiên tai xã Nhơn Hải để người dân nơi đây khỏi phải "thiệt đơn - thiệt kép”.

Theo Thùy Trang (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.