29/09/2016 9:00 AM
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Thủ đô đang phát triển mạnh, hạ tầng chịu sức ép rất lớn từ tăng trưởng dân số và nhiều vấn đề khác. “Những thành phố rất lớn như Mátxcơva (Nga) đến giờ người ta vẫn phải mở rộng, nếu quy hoạch không nhìn xa thì không còn lối đi”, ông Hải nói.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trong một buổi làm việc với Quận ủy Hoàn Kiếm. Ảnh; Dân Trí
Sáng 28/9, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã. Theo Bí thư Thành ủy, Hà Nội đang chịu sức ép rất lớn về hạ tầng từ tăng trưởng dân số, tắc đường, cấp nước, xử lý nước thải, rác thải…
“Đô thị của chúng ta phát triển rất mạnh, nếu không xử lý quyết liệt thì sẽ nảy sinh những bất cập về đô thị và tác động đến kinh tế - xã hội. Như vụ tắc đường ở cầu Tó mất mấy tiếng đồng hồ. Nếu thành phố không quyết liệt, còn tắc thêm nữa, 3 tiếng, thậm chí lên tới 10 tiếng”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, giải pháp tháo gỡ cho hạ tầng của Hà Nội chính là hệ thống đường sắt đô thị, tàu điện ngầm nhưng 8 tuyến đang triển khai trị giá 20 tỷ USD cũng chưa đủ cho một thành phố có số dân hơn 10 triệu người. “8 tuyến đường sắt đô thị hiện nay mới triển khai 3 tuyến. Tuyến Cát Linh - Hà Đông phải cuối 2017 mới xong. Tuyến Nhổn - Ga Hà Nội thì phải cuối 2020. Nếu không vào cuộc, không khẩn trương thì không tháo gỡ được”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Báo cáo tại hội nghị, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho biết, dự án giai đoạn 1 tuyến số 3, đoạn Nhổn- Ga Hà Nội trong 9 tháng đầu năm 2016 đã tiếp tục triển khai thi công 5 gói thầu xây lắp, hiện nợ đọng khối lượng nhà thầu khoảng 100 tỷ do trần giải ngân ODA.
“Tổng tiến độ dự án vẫn bị chậm trong 2 khâu là lựa chọn nhà thầu của gói thầu số 6 về mua sắm thiết bị đầu máy, toa xe, các thiết bị cơ điện khác và tiến độ giải phóng mặt bằng của 4 ga ngầm gói thầu số 3 từ Thủ Lệ về đến Ga Hà Nội”, ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, dự án giai đoạn 1 tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo chủ đầu tư đã phối hợp với Bộ KH&ĐT thẩm định dự án, báo cáo UBND thành phố, Thường trực Thành ủy để điều chỉnh dự án. Ông Minh cho biết, trong thời gian tới sẽ thuê các chuyên gia có năng lực trong việc quản lý vốn ODA, các chuyên gia đầu ngành về đầu máy, toa xe, thông tin tín hiệu đường sắt… để từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý đường sắt quy mô lớn, phức tạp, công nghệ tiên tiến lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam.
Bí thư Thành ủy Hà Nội băn khoăn về quy hoạch ngầm của Hà Nội. “Chúng ta vừa nói tàu điện ngầm mà quy hoạch ngầm đã có đâu. Nếu không làm khẩn trương là vướng hết. Bây giờ một số tuyến tàu điện ngầm là vướng các nhà cao tầng. Nếu không tính sớm thì gay go. Cũng phải tính đến chuyện không chỉ đi hai tầng mà phải là ba tầng ngầm. Bởi vì đô thị còn phát triển nữa. Những thành phố rất lớn như Mátxcơva đến giờ người ta vẫn phải mở rộng, nếu quy hoạch không nhìn xa thì không có lối đi”, ông Hải nói.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong Luật Thủ đô, Hà Nội được quyền đề xuất những cơ chế đặc biệt để xử lý tình trạng quá tải hết sức nghiêm trọng về hạ tầng bởi đây là những thách thức nhìn thấy, nhãn tiền. Theo ông Hải, đã đến lúc bàn về việc quản lý các phương tiện cá nhân.
“Phải đưa ra các giải pháp thực sự để kiểm tra. Cũng đã đến lúc tính đến chuyện vận động người dân đồng thuận với việc xe ngày chẵn, ngày lẻ đỗ bên chẵn bên lẻ, kiểm soát các phương tiện, không chỉ xe máy mà cả ô tô”, ông Hải nói, đồng thời nhấn mạnh, nếu không làm quyết liệt thì không đáp ứng được cho một đô thị tăng trưởng rất nhanh như Hà Nội.
Trường Phong (Tiền phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.