Nhưng khi nhà hát này nằm trong danh sách nhiều công trình bị Thanh tra Thành phố Hà Nội kết luận có sai phạm, thì người dân mới té ngửa trước sự làm liều và vung tay quá trán của chủ đầu tư.
Công trình Nhà hát Đan Phượng. Ảnh: vnexpress.net
Theo kết luận thanh tra, UBND huyện Đan Phượng (chủ đầu tư) phê duyệt dự án khi chưa có nguồn vốn, không thực hiện quy trình thẩm định vốn.
Dự án không tuân thủ Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ và không thuộc dự án cấp bách, cho phép nhà thầu ứng vốn thi công xây dựng...
Nhà hát huyện Đan Phượng được thiết kế cao 5 tầng, với tổng diện tích sàn trên 7.000 m2, diện tích sử dụng đất hơn 10.500 m2, tổng vốn đầu tư trên 117 tỷ đồng.
Công trình được kỳ vọng sẽ nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân địa phương. Lãnh đạo huyện thừa nhận, công trình gây lãng phí và sẽ điều chỉnh, bổ sung công năng để phát huy hiệu quả khi hoàn thành.
Tuy nhiên, dù có lý giải thế nào chăng nữa, cũng không thể phủ nhận một thực tế: Công trình gây lãng phí lớn nguồn vốn ngân sách, không phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của một địa phương cấp huyện, nhất là trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, cả nước đang phải thắt chặt chi tiêu công theo chủ trương của Chính phủ.
Khi dư luận chưa kịp lắng với công trình sân vận động hoành tráng chẳng thua kém một công trình trọng điểm quốc gia ở huyện Hoài Đức - cũng ở Hà Nội (xây xong chỉ để các sở, ngành đến giao lưu); thì việc huyện Đan Phương đầu tư cả trăm tỷ đồng xây nhà hát, quả là một sự bất ổn.
Nhìn lại quá trình triển khai xây dựng nhà hát huyện Đan Phượng, có thế thấy, công trình này “hội tụ” đủ các sai phạm, mà toàn là sai phạm ở mức nghiêm trọng: Không tuân thủ Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện quy trình thẩm định giá thiết bị mà vẫn phê duyệt dự toán công trình, vi phạm Thông tư 04/2010 của Bộ Xây dựng; không thuộc các dự án cấp bách, nhưng UBND huyện Đan Phượng vẫn cho phép nhà thầu ứng vốn thi công xây dựng, vi phạm Quyết định 37/2010 của UBND thành phố Hà Nội. Điều đáng nói, ngay cả khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số
1792/CT-TTg yêu cầu cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô của dự án đầu tư, chỉ được quyết định đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách, thì huyện Đan Phượng vẫn tiến hành khởi công dự án.
Từ sự việc nhà hát huyện Đan Phượng, nếu không kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm đơn vị, cá nhân có sai phạm, thì căn bệnh hoành tráng, chơi sang sẽ đứng trước nguy cơ lây lan, là lỗ hổng thất thoát và phân tán nguồn lực. Địa phương này làm được, thì địa phương khác cũng làm được. Hệ quả, nguồn vốn ngân sách sẽ tiếp tục bị sử dụng lãng phí, tiền thuế của người dân tiếp tục bị sử dụng sai mục đích.