Khổ vì tiền sử dụng đất
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Xây dựng Lê Thành cho biết, công ty có dự án trên diện tích 2ha đất nông nghiệp, đã thực hiện đền bù, phân lô để làm nhà liên kế với tổng chi phí 100 tỷ đồng. Khi đến cơ quan làm thủ tục nộp tiền thuê đất thì mảnh đất được khấu trừ tính theo khung giá đất của Nhà nước ước chỉ khoảng 10 tỷ đồng, doanh nghiệp mất 90 tỷ đồng. Chưa hết, theo quy định doanh nghiệp phải đóng tiền thuế sử dụng đất, nhưng mảnh đất này thì lại tính theo giá thị trường, ước khoảng trên 100 tỷ đồng.
Ảnh minh họa
Như vậy, sau 2 năm công ty mua đất, rồi bỏ vốn xây dựng hạ tầng và khi bán thì số tiền thu về của cả mảnh đất vẫn chưa đủ đóng tiền sử dụng đất. Đây là quy định rất bất hợp lý mà nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) tại TP. Hồ Chí Minh đang rất bức xúc. Và đây cũng là một trong những kiến nghị của UBND TP. Hồ Chí Minh với Chính phủ nhằm hoàn thiện công cụ tài chính BĐS, để giảm những khó khăn cho doanh nghiệp từ năm 2014.
Theo đó, đối với các doanh nghiệp đã thỏa thuận bồi thường nhưng chưa đóng tiền sử dụng đất thì nên có hướng dẫn cụ thể việc khấu trừ các chi phí hợp lý của doanh nghiệp để tránh tình trạng phải nộp thuế sử dụng đất hai lần. Về lâu dài cũng nên xóa bỏ khái niệm “tiền sử dụng đất” mà thay thế bằng sắc thuế với thuế suất nhất định mà thành phố đề xuất từ 10% - 15% bảng giá đất. Như vậy, vừa minh bạch, dễ tính toán vừa loại trừ cơ chế xin cho.
Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Ủy ban đã ghi nhận những bức xúc từ phía doanh nghiệp, Hiệp hội BĐS và sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh chính sách thu tiền sử dụng đất theo đề xuất của UBND TP. Hồ Chí Minh, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường BĐS trong năm 2014.
Trọng tâm là gói 30.000 tỷ đồng
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, các khó khăn của thị trường BĐS năm 2013 về cơ bản vẫn chưa được giải quyết, nên dự đoán năm 2014 thị trường BĐS và doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, do phụ thuộc vào sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế, vào hiệu quả của việc kiểm soát lạm phát, ổn định chính sách lãi suất, tỷ giá ngoại tệ, quản lý thị trường vàng và công tác quản lý thị trường các mặt hàng Nhà nước quản lý giá.
Đặc biệt cho đến hết năm 2013, sau gần một năm thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ nhằm gỡ khó cho thị trường BĐS, tiến độ giải ngân vốn từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng vẫn còn chưa đạt như kỳ vọng của các nhà đầu tư BĐS.
Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, không chỉ người mua nhà muốn được vay ưu đãi, mà doanh nghiệp đầu tư các dự án có diện tích trên 70m2, theo biên độ dung sai của thành phố đã chấp thuận + 5% diện tích (đến 73,50m2/căn hộ), cũng mong được tham gia gói tín dụng ưu đãi này. Giải quyết cho các doanh nghiệp trong diện này, sẽ nhanh chóng có sản phẩm hoàn thiện đưa ra thị trường, giải quyết được hàng tồn kho và đáp ứng nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp đô thị.
Theo ông Lê Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, các doanh nghiệp BĐS cũng kiến nghị NHNN điều chỉnh thời hạn cho vay từ 10 năm lên 20 năm đối với cá nhân vay, để giảm mức trả nợ vay và lãi vay hàng tháng phù hợp với khả năng tài chính của người vay. Cụ thể, với mức vay khoảng 500 triệu đồng trong 10 năm, người vay phải trả trên dưới 5 triệu đồng/tháng, nếu thời hạn vay 20 năm, thì người vay chỉ phải trả khoảng 2 triệu đồng - 3 triệu đồng/tháng. Hay việc các NHTM cũng nên xem xét cho phép khách hàng cá nhân được bảo đảm tiền vay bằng chính căn hộ mua, thuê mua, căn hộ hình thành trong tương lai…
Đây là những nút thắt mà doanh nghiệp BĐS trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang kỳ vọng sẽ được Chính phủ tháo gỡ để thị trường thật sự chuyển biến theo hướng tích cực.