06/02/2014 10:04 AM
Từ Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu, Phú Quốc... tình trạng nhà đầu tư các dự án du lịch, đô thị... trên các bãi biển đẹp sau khi được cấp phép đã xây rào rồi bỏ đó diễn ra nhiều năm qua trở nên phổ biến.

Hàng rào chiếm biển kéo dài hàng chục cây số ở các bãi biển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu - Ảnh: N.Long

Đất vàng bỏ hoang

Dọc đường ven biển Xuyên Mộc, Bình Châu thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có rất ít dự án đã hoàn thành, được đưa vào sử dụng. Phần lớn là những dự án khu nghỉ dưỡng “treo” với bờ rào kẽm gai và cả tường xi măng thô cứng. Các biển hiệu mục nát, có cái đã sụp vỡ, trơ ra thân sắt gỉ. Dù gần đây, một số dự án lớn đã đón khách, trong đó có giai đoạn 1 của khách sạn 5 sao kèm casino Hồ Tràm Strip đi vào hoạt động nhưng vẫn không thể thay đổi được cảnh hoang vắng của cả vùng bờ biển đẹp này. Hàng chục cây số bờ biển hoang tàn từ 5 - 6 năm nay.

Tình trạng đó cũng xảy ra ở nhiều nơi tại bờ biển miền Trung. Nhiều dự án đầu tư du lịch, dịch vụ, biệt thự nghỉ dưỡng ven biển Đà Nẵng và Quảng Nam đang bị bỏ hoang, dù đất ở đây được xem là đất vàng.

Có dịp lên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), người dân không khỏi ngán ngẩm khi đã gần 10 năm qua, dự án Khu du lịch Bãi Bụt vẫn nằm im, chỉ có hạng mục hàng rào bao quanh là hoàn tất. Công ty CP Hải Duy (TP.HCM), chủ đầu tư dự án này, trước đó từng công bố sẽ đầu tư hàng trăm tỉ đồng để biến nơi đây thành một khu du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế. UBND TP.Đà Nẵng đã 2 lần “dọa” thu hồi dự án, nhưng rồi đâu vẫn vào đấy.

Một dự án khác ở Đà Nẵng là Mercure Sontra Resort (của Công ty CP dịch vụ tổng hợp Sài Gòn) cũng bất động nhiều năm. Tháng 7.2010, UBND TP.Đà Nẵng “ra tối hậu thư” buộc chủ đầu tư phải khởi động dự án, nếu không sẽ bị thu hồi. Tối hậu thư có vẻ hiệu quả, tháng 8.2010, chủ dự án lập tức tổ chức khởi công, xong rồi... lại để đó cho tới bây giờ.

Dọc biển TP.Nha Trang có hàng chục dự án được cấp giấy phép xong rồi nằm im trong suốt nhiều năm qua. Có thể kể đến các dự án lớn như khu nghỉ dưỡng cao cấp Champarama do Công ty CP du lịch Trọng Điểm Nha Trang làm chủ đầu tư, diện tích khoảng 46 ha; công viên vui chơi giải trí Nha Trang Sao do Công ty CP Nha Trang Sao làm chủ đầu tư, diện tích khoảng 103.568 m2; dự án công viên Phù Đổng, do Công ty TNHH Invest Park Nha Trang làm chủ đầu tư, diện tích hơn 23.994 m2... Ngoài ra còn có các dự án tầm cỡ như khu phức hợp đa chức năng Indochina Nha Trang, Trung tâm nghiên cứu và sáng tạo Hòn Chồng, dự án Phát triển phía đông đường Trần Phú, Câu lạc bộ hàng hải Nha Trang, Trung tâm bến du thuyền Hoàng Gia... cũng đang án binh bất động.

Những bãi biển hoang sơ, thơ mộng trước kia bỗng chốc biến thành bãi hoang sau khi được giao cho chủ đầu tư. Năm 2005, Công ty CP đầu tư và du lịch Bình Tiên được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp phép thực hiện dự án Khu du lịch Bình Tiên, nhưng đến nay vẫn còn dang dở ở làng biển Bình Tiên, xã Công Hải, H.Thuận Bắc. Năm 2009, dự án khởi công hoành tráng nhưng sau đó tạm ngưng. Vào đầu năm 2011, chủ dự án lại rầm rộ phát lệnh thi công và cam kết đi vào hoạt động cuối năm 2012, nhưng rồi vẫn là lời hứa. Một cán bộ Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Ninh Thuận cho biết, nhà đầu tư chỉ mới cơ bản hoàn thành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư, đang triển khai thi công sân golf, bến âu thuyền, kè chắn sóng… UBND tỉnh Ninh Thuận nhiều lần nhắc nhở và ra “tối hậu thư” thu hồi dự án nếu không triển khai theo đúng tiến độ, nhưng nhà đầu tư luôn đưa ra nhiều lý do khác nhau để hoãn binh.

Lo thủ tục xong rồi để đó

Trong tổng số 403 dự án du lịch còn hiệu lực đầu tư (tổng diện tích lên đến 7.667 ha, đều là đất ven biển) ở tỉnh Bình Thuận, chỉ có 158 dự án triển khai, hoạt động; 90 dự án đang xây dựng. Còn lại 155 dự án chưa triển khai với diện tích hàng nghìn héc ta đất ven biển bỏ hoang. Đáng chú ý nhất là khu vực phía nam TP.Phan Thiết và vùng biển Hàm Thuận Nam hiện đang có hàng trăm dự án ngưng hoạt động hoặc xây dựng dở dang.

Không riêng những dự án nằm trong diện thu hồi để xây dựng cảng Kê Gà, ngay cả các dự án không thuộc diện thu hồi cũng chỉ hoạt động cầm chừng, hoặc ngưng không tiếp tục triển khai nữa. Dọc theo con đường DT 730 nối Phan Thiết với Hàm Thuận Nam, hàng chục dự án du lịch nằm “chết cứng” mấy năm nay.

Theo ông Phan Hùng Dũng, Tổng giám đốc Fiore resort, các dự án ven biển phía nam Phan Thiết, nếu được đầu tư theo quy hoạch, sẽ không thua gì khu vực Mũi Né - Hàm Tiến. Riêng ở thị xã La Gi hiện nay có gần 30 dự án chưa triển khai, với tổng diện tích hàng trăm héc ta. Các dự án này tập trung ở ven biển Tân Bình, Tân Thiện được coi là có vị trí cực tốt cho kinh doanh du lịch.

Phú Quốc, hòn ngọc trên biển Việt Nam, cũng không thoát cảnh tương tự vì dự án “treo”. Đến nay, mới có 13/94 dự án trong các khu quy hoạch ở Phú Quốc đi vào hoạt động; 16 dự án đang triển khai thực hiện và số còn lại chỉ lập dự án, lo thủ tục xong rồi để đó. Trong số những dự án được xếp vào danh sách “rùa bò” ở Phú Quốc, có những dự án “khủng”, như dự án xây dựng tổ hợp du lịch vui chơi giải trí có diện tích lên đến 1.009 ha tại khu vực Bãi Vòng (xã Hàm Ninh) của Tập đoàn Rockingham Asset Management LLC, được chấp thuận về chủ trương ngày 24.9.2008; dự án Công ty Star Bay Holdings (Hồng Kông) LTD được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2008 (diện tích 346,23 ha, tổng vốn đầu tư là 1,648 tỉ USD); dự án Hòn ngọc Châu Á của Tổng công ty CP Vinaconex liên doanh với Tập đoàn Trustee Suisse được chấp nhận chủ trương đầu tư từ năm 2006, cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 3.6.2010, tổng vốn đầu tư 220 triệu USD...

Dự án "thảm hại" nhất Phú Quốc

Theo người dân Phú Quốc, “danh hiệu” đó thuộc về dự án Khu du lịch và dân cư làng chài Vũng Trâu Nằm. Dự án được tỉnh Kiên Giang phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2008 (diện tích lên đến 510 ha tại xã Bãi Thơm). Chủ đầu tư công bố là một khu đô thị hiện đại kết hợp với khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, phù hợp với nhịp độ phát triển và tiềm năng du lịch Phú Quốc với các chức năng như ăn, ở, lưu trú, nghỉ dưỡng, trị bệnh, vui chơi giải trí, mua sắm và du lịch. Khu dân cư đủ đáp ứng cho khoảng 30.000 dân sinh sống, sau khi hoàn thành sẽ tạo ra một khu du lịch sinh thái có biển, có núi, có rừng và điều quan trọng là sẽ tận dụng được các nguồn hải sản tại chỗ, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trong vùng dự án. Thế nhưng thực tế là nỗi thất vọng lớn khi đến nay, chủ đầu tư dự án là Công ty Đại Cát Hoàng Long và Công ty Thế Kỷ Xanh vẫn chưa tiến hành được hạng mục nào, chỉ là những bãi cỏ hoang.

(Còn tiếp)

Nhóm PV (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.