22/05/2013 7:48 AM
Thời gian qua, Tập đoàn Gamuda Land (đơn vị chủ đầu tư), đã có nhiều cố gắng đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn tất nhiều hạng mục, công trình trong Dự án xây dựng Công viên Yên Sở ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Tuy nhiên, chung quanh dự án này, nhiều người dân vẫn còn khổ sở và bức xúc về những tắc trách của các cấp chính quyền, ngành chức năng trong việc thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch công viên này.

Rác từ sông Sét trôi vào hồ điều hòa.

Công viên xanh, đẹp, nhưng nước hồ chưa sạch

Khu chính Công viên Yên Sở gồm: Công viên truyền thống được tái tạo nhiều dải đồi thấp, đảo lớn, trồng cây xanh quần tụ bên những hồ nước có sẵn và nhiều loại cây xanh đủ loại dài hơn 3km, xen kẽ các chòi nghỉ chân, nhà triển lãm, nhà thuyền. Khu vườn văn hóa cũng được hoàn thiện, các công trình: Làng văn hóa truyền thống có sức chứa 2.000 người tham gia các hoạt động lễ hội văn hóa, ẩm thực, vui chơi; cầu son nối làng văn hóa với đường dẫn chạy quanh công viên đã được trải nhựa, lát gạch phẳng lỳ. Liên quan đến dự án này, Tập đoàn Gamuda Land cũng xây dựng xong một nhà máy xử lý nước thải vào tháng 10-2012, có công suất 200.000 m3/ngày, đêm. Ông Ðỗ Văn Nghị, một người dân ở phường Yên Sở cho biết: Công viên Yên Sở trước đây là cánh đồng trũng, bỏ hoang hóa. Là vùng rốn nước của thành phố, lại có sông Sét, sông Kim Ngưu, chứa đầy nước thải đen sì đổ về, cho nên khu này càng ô nhiễm, hoang tàn. Bây giờ cảnh quan công viên đã xanh mát, đường đi, lối lại sạch đẹp, phối cảnh kiến trúc thanh nhã, có nét đặc trưng riêng. Tuy nhiên, nguồn nước tại năm cụm hồ trong công viên hiện nay vẫn chưa được xử lý triệt để. Quan sát các hồ nước trong công viên, tôi thấy nhiều rác thải, túi ni-lông trôi dạt nằm sát bờ các hồ. Do Công viên Yên Sở chưa mở cửa, cho nên nhiều người dân phường Yên Sở thường phải đi tắt sang phía hồ điều hòa (khu B Công viên Yên Sở) thuộc phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai để đi dạo và tập thể dục vào các buổi sáng, chiều. Hồ điều hòa này nằm sát sông Sét từ lâu đã bị ô nhiễm. Cứ mưa to là nước bẩn từ sông Sét dềnh lên đem theo xác súc vật, rác thải, túi ni-lông chảy vào hồ. Những ngày nóng bức đầu hè 2013, mùi hôi thối từ sông Sét, từ nước hồ điều hòa bốc lên nồng nặc, rất khó chịu. Anh Trần Hà, nhân viên Trạm bơm Yên Sở cho biết: Tác dụng của hồ điều hòa là trữ nước nhằm chống ngập úng cho thành phố. Bình thường mực nước hồ cao từ 2 m đến 2,5 m. Khi mưa to, nước hồ dâng cao từ 3 m đến 3,5 m. Là nơi chứa nước thải sinh hoạt, nước thải bề mặt thành phố, nên hồ điều hòa bị ô nhiễm trầm trọng, cứ vài ngày nhân viên của trạm lại phải chèo thuyền vớt rác, túi ni-lông.

Chuyên viên truyền thông của Tập đoàn Gamuda Land Trần Hương Giang khẳng định: Môi trường nước trong các cụm hồ thuộc Công viên Yên Sở sẽ được xử lý đủ tiêu chuẩn nước thải công nghiệp QCVN24-2009/BTNMT. Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở có công suất 200.000 m3/ngày, đêm, do Tập đoàn xây dựng, sẽ đi vào hoạt động khi bàn giao chính thức cho thành phố. Nhà máy này sử dụng công nghệ "SBR - xử lý sinh học theo mẻ" có thể xử lý sạch một nửa nguồn nước thải của thành phố Hà Nội, trước khi bơm vào hệ thống hồ trong công viên, cho nên không lo ô nhiễm. Theo bà Giang, Dự án Công viên Yên Sở đầu tư theo hình thức BOT, Tập đoàn Gamuda Land sẽ bàn giao sớm công viên cho thành phố Hà Nội. Sau khi mở cửa, Công viên Yên Sở sẽ là một công viên xanh lớn nhất thành phố, bảo đảm phục vụ nhân dân địa phương và du khách đến vui chơi, giải trí và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô.

Dân khổ vì không có quy hoạch tỷ lệ 1/500

Tìm hiểu chúng tôi được biết: Chung quanh Dự án xây dựng Công viên Yên Sở, nhiều người dân ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai không chỉ lo ngại về nguồn nước hồ điều hòa (thuộc khu B Công viên Yên Sở), mà còn lo ngại nguồn nước sông Sét, sông Kim Ngưu đang bị ô nhiễm nặng, làm ảnh hưởng sức khỏe người dân sống quanh khu vực. Ðồng thời, người dân nơi đây rất bức xúc về việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ công viên này. Tổ trưởng dân phố tổ 31, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai Ðặng Minh Lai cho biết: Tổ 31 có 108 hộ dân thường trú, nếu tính cả hộ tạm trú thì tổ dân phố có hơn 400 hộ. Năm 2009, khi triển khai thực hiện Dự án Công viên Yên Sở, thành phố đã có quyết định thu hồi đất để xây dựng công viên, nên đời sống nhiều hộ dân trong tổ 31 và tổ 30, phường Thịnh Liệt bị ảnh hưởng. Do khu vực này có những làng cổ, những điểm văn hóa, đền chùa và một số yếu tố khác, cho nên ngày 11-11-2010, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5617/QÐ-UBND phê duyệt Ðiều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết xây dựng Công viên Yên Sở, quận Hoàng Mai. Theo quyết định này thì phần quy hoạch sử dụng đất và giao thông (tỷ lệ 1/2000) do Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội lập, có nội dung chính là: Khu vực điều chỉnh cục bộ thuộc khu dân cư hiện có phường Thịnh Liệt: Phía đông bắc giáp sông Sét, phía nam giáp đường hiện trạng và mương bao hồ Yên Sở, phía tây bắc giáp đường quy hoạch dự kiến 30 m. Diện tích khu vực điều chỉnh cục bộ khoảng 5,2 ha. Theo Quyết định 5617/QÐ-UBND, thì nguyên tắc điều chỉnh nêu rõ: "Ðiều chỉnh chuyển đổi 5,2 ha đất dự kiến quy hoạch là công viên cây xanh thành phố theo điều chỉnh quy hoạch chi tiết Công viên Yên Sở, tỷ lệ 1/2000, sang chức năng là khu vực dân cư cải tạo chỉnh trang, trong đó bao gồm nhà dân, công trình dịch vụ công cộng, hạ tầng xã hội, đường giao thông". Những thông tin chính thức từ UBND thành phố Hà Nội làm cho hơn 600 hộ dân ở tổ 30 và tổ 31, phường Thịnh Liệt vui mừng vì nhiều hộ không còn bị ảnh hưởng thu hồi đất và được sửa chữa, xây mới nhà cửa, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Nhưng phía UBND quận Hoàng Mai, các ngành chức năng của quận và phường Thịnh Liệt lại không thông báo cho người dân. Cũng theo bác Lai, tại nhiều cuộc họp ở tổ dân phố 30, 31 và khi tiếp xúc cử tri, nhiều người dân phản ánh những bức xúc rằng, quận Hoàng Mai chậm công bố Quyết định 5617/QÐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về Ðiều chỉnh cục bộ quy hoạch Công viên Yên Sở, thì một số cán bộ quận Hoàng Mai trả lời là "chưa có quy hoạch tỷ lệ 1/2000 thì chưa công bố". Sau một thời gian dài ngóng đợi, ngày 31-10-2012, Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị công bố quy hoạch và bàn giao quy hoạch tỷ lệ 1/2000 về điều chỉnh cục bộ Công viên Yên Sở cho quận Hoàng Mai và chủ đầu tư là Tập đoàn Gamuda Land. Nhưng quận Hoàng Mai và phường Thịnh Liệt cũng không thông báo công khai cho nhân dân trên địa bàn biết. Những người dân ở tổ 30, 31 tiếp tục hỏi quận thì được trả lời "Phải chờ quy hoạch 1/500". Bác Lai nói: "Chờ mãi cũng thành quen, chỉ khổ cho người dân là muốn tách, nhập hộ khẩu, muốn thừa kế, chuyển nhượng đất, hoặc xây dựng nhà ở xuống cấp đều không thực hiện được". Hiện tổ 31 có 40 hộ có nhà ở bị xuống cấp, hoặc có đất muốn làm nhà để tách hộ cho con như: Hộ ông Lê Quốc Dũng, Nguyễn Ðăng Phương, Lê Quốc Doãn, Quách Ngọc Hiếu, Bùi Văn Việt, song họ không được cấp giấy phép xây dựng. Lãnh đạo UBND phường Thịnh Liệt cũng quan tâm đến nhu cầu xây dựng của nhân dân tổ 30, 31, nhưng chỉ dám cho phép các hộ dân cải tạo, sửa chữa nhà cấp 4. Nhiều người dân bị ảnh hưởng do Dự án xây dựng Công viên Yên Sở thắc mắc "đất hương hỏa, có chủ quyền hẳn hoi, thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định Ðiều chỉnh quy hoạch cục bộ Công viên Yên Sở, khẳng định nhà dân khu vực này không còn vướng vào phạm vi quy hoạch, thế mà chỉ cho làm nhà cấp 4, sau này nếu có quy hoạch 1/500 lại phá đi, thì quá lãng phí, thà chịu khổ còn hơn".

Kiến nghị của dân

Người dân phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) đang hằng ngày, hằng giờ phải sống chung với bầu không khí bụi bẩn trên các tuyến giao thông, sống chung với nhiều nguồn nước bị ô nhiễm, cho nên họ đề nghị thành phố Hà Nội và quận Hoàng Mai cần phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Gamuda Land xử lý sạch nguồn nước hồ Công viên Yên Sở để nhanh chóng đưa công viên này vào hoạt động, tạo thêm điểm vui chơi, giải trí cho nhân dân; kết hợp xử lý nước thải, rác thải tại sông Kim Ngưu, sông Sét, để bảo đảm các điều kiện vệ sinh môi trường và nâng cao chất lượng sống cho nhân dân quanh khu vực thực hiện Dự án xây dựng Công viên Yên Sở. Mặt khác, đối với việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ Công viên Yên Sở, theo Luật Xây dựng thì việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị trên bản đồ địa hình và bản đồ địa chính tỷ lệ 1/500 đến 1/2000 cũng tùy theo nhiệm vụ quy hoạch đặt ra. Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hà Nội đã công bố và bàn giao quy hoạch Ðiều chỉnh cục bộ Công viên Yên Sở (phần cơ cấu sử dụng đất và giao thông - tỷ lệ 1/2000) cho quận Hoàng Mai theo Quyết định số 5617/QÐ-UBND của UBND thành phố là có đủ cơ sở để quận quản lý lĩnh vực xây dựng vì: Một trong những điều kiện cần thiết khi lập quy hoạch chi tiết trên bản đồ tỷ lệ 1/2000 là phải xác định được rõ chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trong khu vực lập quy hoạch chi tiết. Trường hợp bắt buộc trong Ðiều chỉnh quy hoạch cục bộ Công viên Yên Sở phải có quy hoạch tỷ lệ 1/500 thì thành phố Hà Nội, các ngành chức năng của thành phố và quận Hoàng Mai cũng nên sớm hoàn thiện và công khai điều chỉnh quy hoạch Công viên Yên Sở để người dân yên tâm sản xuất và ổn định cuộc sống.

Minh Phúc (Báo Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.