Dự thảo lần này đưa ra nhiều quy định mới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian soạn thảo quá ngắn nên dự thảo vẫn còn nhiều điểm sơ sài. Trong đó, có thể kể đến quy định về thi tuyển quy hoạch, kiến trúc công trình được nêu tại Điều 13 của dự thảo này.
Quy định này nêu rõ: “Thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế quy hoạch, kiến trúc công trình xây dựng nhằm chọn được phương án thiết kế tốt nhất, đáp ứng tối đa các yêu cầu về thẩm mỹ, quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, công năng sử dụng; thể hiện được ý nghĩa, tính chất của công trình xây dựng, đồng thời có tính khả thi cao.”
Theo đó, các công trình đặc thù trong đô thị như: tượng đài, nhà ga, cầu vượt, trụ sở cơ quan; công trình có tầng cao từ 25 tầng trở lên trên toàn thành phố cho đến công trình có tầng cao từ 15 tầng trở lên trong phạm vi: khu vực Trung tâm thành phố 930ha, khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị Tây bắc thành phố, khu đô thị mới Nam thành phố… đều phải tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc.
Mục đích của việc thi tuyển thì đã rõ. Tuy nhiên, với cách làm theo quy định này thì liệu có mang lại kết quả như mong muốn?
Đối tượng chịu ảnh hưởng của quy định này bao gồm cả công trình đầu tư công và các công trình mang tính thương mại. Với những công trình đầu tư công, tùy quy mô và mức độ tác động mà việc thi tuyển phương án thiết kế, lấy ý kiến người dân để mỗi cá nhân thể hiện quyền công dân là cần thiết. Nhưng đối với công trình mang tính thương mại, thì quy định này lại bộc lộ nhiều khuyết điểm.
Thứ nhất, tổ chức thi tuyển phương án thiết kế sẽ tốn thêm chi phí và thời gian của chủ đầu tư.
Thứ hai, thi tuyển hay không thi tuyển, số lượng đơn vị tham gia thi tuyển nhiều hay ít không phải là yếu tố mang lại chất lượng sản phẩm thiết kế. Sản phẩm đẹp hay xấu phần nhiều phụ thuộc vào năng lực thiết kế, thương hiệu của đơn vị tư vấn. Do đó, việc quy định bắt buộc thi tuyển chỉ thêm gánh nặng thủ tục cho chủ đầu tư.
Cuối cùng, dù các đơn vị tư vấn có đưa ra những phương án thiết kế đẹp nhưng óc thẩm mỹ của người chủ đầu tư không thấy được điều đó thì mọi thứ cũng vô nghĩa. Khi đó, chủ đầu tư có xu hướng sửa thiết kế theo ý thích của riêng họ. Và công trình được xây dựng cũng mang tính cách của chủ đầu tư chứ không còn dấu ấn của tư vấn thiết kế.
Với 3 yếu tố trên đây, có thể nói việc người chủ đầu tư có con mắt thẩm mỹ hay không có vai trò quyết định đến cái đẹp của công trình. Bên cạnh đó ngân sách cho thiết kế cũng thường tương ứng với chất lượng thiết kế và năng lực của đơn vị tư vấn chứ không nằm ở chỗ thi tuyển hay không thi tuyển. Khi quy định không mang tính thiết thực thì việc các chủ đầu tư tổ chức thi tuyển kiểu đối phó sẽ là điều khó tránh khỏi.