Không dễ ồn ào “nổi sóng” như những chung cư cao cấp nhưng câu chuyện thu phí của chung cư bình dân cũng không hề “nguội” và vẫn âm ỉ ở nơi này nơi khác khiến người dân bức xúc, khách hàng mệt mỏi, giảm nhu cầu mua chung cư trong khi các cấp quản lý luôn đề cao việc tăng quỹ nhà đô thị bằng việc tăng tỷ lệ xây nhà cao tầng trong chiến lược phát triển nhà ở đô thị. Dường như “rào chắn” từ Quyết định 4520/QĐ-UBND của TP Hà Nội vẫn còn khá lỏng lẻo.

Bất an với phí chung cư


Theo Quyết định số 4520/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội ngày 29/9/2011 về giá trần phí dịch vụ nhà chung cư tại Hà Nội: Có 3 mức giá trần là 2.400 đ/m2, 3.100 đ/m2 và 4 nghìn đ/m2 cho từng loại nhà chung cư khác nhau. Mức giá trên được áp dụng tạm thời trong 1 năm kể từ ngày quyết định có hiệu lực (ngày 29/9/2011). Cụ thể, đối với nhà chung cư không có thang máy, giá trần là 2.400 đ/m2/tháng cho các dịch vụ: Quét dọn, vệ sinh diện tích công cộng của tòa nhà đảm bảo sạch gọn (1 ngày/1 lần); quản lý, vận hành các phương tiện kỹ thuật của tòa nhà theo quy định của nhà sản xuất và chuyên ngành; thay, rửa bể nước đảm bảo vệ sinh (6 tháng/lần); bảo vệ an ninh, trật tự trong và ngoài tòa nhà.


Đối với nhà chung cư có thang máy, mức phí trần được đưa ra là 3.100 đ/m2/tháng, ngoài việc được hưởng các dịch vụ như nhà không có thang máy người dân còn được tổ chức diễn tập an toàn phòng chống cháy nổ mỗi năm một lần. Tương tự, với mức phí 4 nghìn đ/m2/tháng của nhà chung cư có thang máy, người dân sẽ được hưởng thêm các quyền lợi như tổ chức phun thuốc diệt côn trùng mỗi năm 1 lần; chăm sóc cây xanh thảm cỏ thuộc khuôn viên nhà chung cư; lễ tân trực theo giờ hành chính.


Tuy nhiên, không ngoài sự băn khoăn của dư luận gần nửa năm quy định này được áp dụng tạm tình trạng loạn giá, tăng “bất thình lình” vẫn diễn ra. Trên thực tế, phí chung cư chỉ là một phần nhỏ trong “gói” sinh hoạt tại các chung cư. Bởi vì ngoài loại phí này, các khoản phí khác có thể “gây loạn” là phí gửi xe và các loại phí dịch vụ khác.


Thoạt nhìn tưởng áp dụng như quy định theo Quyết định 4520/QĐ-UBND TP Hà Nội sẽ làm giảm đáng kể mức phí so với mức thu trước đó nhưng vô hình trung việc áp dụng quy định “trần” này lại đang là “lá chắn” cho chủ đầu tư lách luật.


Sau Tết Nguyên đán chưa được bao lâu, nhiều người dân KĐT Mỹ Đình đã nhấp nhổm bất an vì cuộc đua tăng giá của các loại phí. KĐT Mỹ Đình I do TCty Đầu tư Phát triển Nhà và KĐT (Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư, vừa áp dụng mức giá phí mới lên 2.400 đ/m2; tăng giá trông giữ ôtô, gửi xe không mái che tăng từ 500 lên 900 nghìn đ/xe/tháng. Mức giá trên thấp nhất trong số mức quy định của TP, song điều gây bức xúc là so với năm 2011, mức giá dịch vụ chung cư tăng từ 3 - 4 lần, giá trông ôtô tăng gần gấp đôi. Trong khi đó, một số KĐT lận cận như KĐT Mỹ Đình II do Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam (HUD) làm chủ đầu tư, có vẻ “khôn khéo” hơn khi áp dụng năm 2012 thu giá dịch vụ 90 nghìn đ/tháng/hộ (tăng 25 nghìn đ/tháng) nên người dân cũng dễ chấp nhận. Cũng ngay bên cạnh hai khu này, chung cư An Lạc áp dụng giá mới là 60 nghìn đ/tháng/hộ (tăng 15 nghìn đ/tháng). Đại diện người dân KĐT Mỹ Đình I nói: Đành rằng chủ đầu tư có quyền điều chỉnh theo quy định của TP nhưng không thể tăng “bụp” một cái lên gấp 3 - 4 lần mà chất lượng dịch vụ chẳng có gì thay đổi nếu không muốn nói là vẫn chưa hề tốt.


Không phải chờ đến bây giờ mà ngay khi Quyết định 4520 được ban hành, một số chung cư bình dân chớp cơ hội tăng ngay tức thì. Chung cư Licogi 13 (Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội), trước khi Quyết định 4520 có hiệu lực, chủ đầu tư tăng phí dịch vụ từ 120 lên 150 nghìn đ/căn hộ nhưng cư dân ở đây không đồng ý. Bắt đầu từ tháng 11, chủ đầu tư đơn phương áp dụng mức phí 3.100 đ/m2. Theo lập luận của cư dân ở đây Licogi 13 cố tình hiểu sai quyết định của TP. Cụ thể là, không đưa các khoản thu khác như: Trông giữ xe, cho thuê ki-ốt, cho thuê chỗ để cột ăng ten, biển quảng cáo vào giá thành vận hành tòa nhà. Hay tại chung cư Pháp Vân - Tứ Hiệp, từ tháng 10/2011, các hộ dân đều phải thu tăng từ 20 - 30 nghìn đ/căn hộ/tháng tùy theo độ cao từng tòa nhà. Chung cư ở Đại Kim cũng bị tăng thêm 20 nghìn đ/căn hộ/tháng.


Quyết định áp mức trần thu phí dịch vụ chung cư của UBND TP Hà Nội đã chấm dứt kiểu quản lý độc quyền, áp đặt của các chủ đầu tư đối với chính những người sở hữu chung cư đó. Nhưng, rõ ràng là các chủ đầu tư đã có khe hở để "lách", minh chứng là sau khi áp dụng mức thu phí trông giữ ôtô tới hơn 2 triệu đ/tháng và bị phản đối, chủ đầu tư Keangnam đã buộc phải hạ xuống bằng mức giá quy định của UBND TP Hà Nội. Nhưng bù lại, phí giữ xe của khách đến chung cư lại bị đẩy cao chót vót với 20 nghìn đ/xe máy và 60 nghìn đ/ôtô/lượt. Có lẽ chẳng cần đợi đến hết hạn 1 năm áp dụng tạm thời, (tháng 9/2012), Hà Nội cần tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh chế tài xử lý và quản lý để người dân thực sự yên tâm với chốn an cư của mình.

Theo Báo xây dựng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.