Phần lớn chủ đầu tư dự án bất động sản đều có chung quan điểm, không cần phải “bắt”, mà đã làm công trình lớn thì việc mua bảo hiểm không có gì bàn cãi. Ông Nguyễn Nam Hiền, Phó tổng giám đốc Hưng Thịnh cho biết, bảo hiểm xây dựng đối với công trình, đương nhiên chủ đầu tư mua từ đầu, mà không cần phải bắt buộc.
Tuy nhiên, việc mua bảo hiểm công trình ở mức độ nào, hợp đồng bao nhiêu còn phụ thuộc vào mức rủi ro của công trình. Thường thì các dự án bất động sản là dạng nhà ở, chủ đầu tư sẽ mua bảo hiểm không nhiều, còn đối với dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở vị trí thi công nguy hiểm sẽ có mức phí cao hơn. Đơn cử, dự án lấn biển có tên Hoa Phượng tại vịnh Vạn Hương (Hải Phòng) của Tập đoàn DASO vào năm 2004, khi đang san lấp mặt bằng đã bị bão cuốn trôi toàn bộ khối lượng. Nếu không mua bảo hiểm, chắc chắn DASO đã chịu tổn thất nặng nề.
“Đối với các công trình là dự án bất động sản thuộc loại nhỏ, không mấy phức tạp, thi công trên nền đất ổn định, thì loại bảo hiểm được chọn mua chỉ ở mức để yên tâm, chứ khó có thể có rủi ro”, một chủ đầu tư bất động sản tiết lộ.
Nếu như bảo hiểm công trình được chủ đầu tư xem như “không bắt cũng mua”, thì đối với nhà thầu thi công, mua bảo hiểm tai nạn bắt buộc cho người lao động lại là chuyện phải cân nhắc. Một nhà thầu uy tín đề nghị không nêu tên cho biết, mức bồi thường trường hợp tử vong khi đang làm nhiệm vụ cho công nhân tại công ty thấp nhất khoảng 300 triệu đồng, chưa kể đến số tiền động viên của các tổ chức đoàn thể.
“Mua bảo hiểm là để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, nhưng với công ty chúng tôi, không mua bảo hiểm thì quyền lợi của người lao động vẫn được bảo vệ, thậm chí nếu xét về tiền còn cao hơn gấp nhiều lần.
Do vậy, việc mua bảo hiểm đối với công nhân sẽ đội thêm khoản chi phí vào công trình. Trong khi công nhân đều được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản nên sự cố rất hiếm khi xảy ra”, vị này nói và khuyến nghị, nên chăng, có quy định, nhà thầu không mua bảo hiểm khi xảy ra tai nạn phải chi trả số tiền như bảo hiểm quy định hoặc gấp rưỡi, gấp đôi, thậm chí gấp ba cho người lao động…
Theo tính toán của doanh nghiệp này, với hơn 3.000 công nhân, trong 5 năm liên tiếp chỉ có 2 vụ tai nạn lao động tử vong, số tiền chi trả hơn 1 tỷ đồng, nếu đem so với số tiền mua bảo hiểm, thì doanh nghiệp và người lao động đều có lợi nếu không mua.
Tuy nhiên, trên thực tế, số vụ tai nạn trên các công trình xây dựng trong những năm gần đây liên tục gia tăng. Có thể kể đến các vụ điển hình như sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ (năm 2007), sập giàn giáo tại Vũng Áng (năm 2015).
Nhà thầu lớn đã vậy, còn với các nhà thầu “vườn”, đa số đều cho biết, chưa bao giờ tính đến phương án mua bảo hiểm tai nạn, vì như vậy, số tiền nhận thầu sẽ đội lên, mất khả năng cạnh tranh. Thường thì khi có tai nạn, họ sẽ tự thỏa thuận với gia đình nạn nhân và mức chi phí sẽ cao hơn quy định bảo hiểm hiện tại.
Về quy định công trình có chiều cao từ 7 tầng trở lên phải mua bảo hiểm thì việc lấy “tầng” làm định lượng cũng rất chung chung và rất dễ bị lách luật với việc dùng tên gọi khác. Theo một số chuyên gia, nên áp theo chiều cao công trình, bao gồm phần đế (cả tầng hầm) và phần khối ở trên.