Từ 2001 tới nay, UBND TP Hải Phòng đã giao đất cho khoảng 700 dự án. Trong đó có 20 dự án FDI lớn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản với số vốn đầu tư gần 2 tỷ USD. Đáng nói cho tới thời điểm này, nhiều dự án diện tích đều rất lớn nhưng triển khai chậm, thậm chí "giẫm chân tại chỗ" cả chục năm ròng mặc dù đã được chính quyền miễn giảm 100% tiền sử dụng đất.

"Đắp chiếu" cả chục năm ròng


Điển hình là dự án khu đô thị "Our city" của Công ty TNHH Hiệp Phong trên đường Phạm Văn Đồng dẫn ra khu du lịch Đồ Sơn. Dự án này có diện tích 43,46ha, vốn đầu tư giai đoạn 1 là 85 triệu USD. Thời gian đầu mới được cấp giấy phép, nhà đầu tư ráo riết hối thúc giải phóng mặt bằng thật nhanh để thi công. Cả bộ máy chính quyền địa phương đã phải vào cuộc đôn đốc, vận động dân bàn giao đất.


Tháng 5/2008, dự án chính thức được khởi công. Nhà đầu tư cam kết đến hết năm 2009 sẽ hoàn thành giai đoạn 1 bao gồm 80.000m2 sàn xây dựng, trong đó có 10.000m2 căn hộ cao cấp và trung tâm thương mại, câu lạc bộ đa năng, biệt thự sẽ hoàn thành vào năm 2013. Tuy nhiên, sau lễ khởi công cũng là lúc dự án "đắp chiếu".


Cũng trên đường Phạm Văn Đồng, dự án Trung tâm thương mại của Công ty TNHH Đông Thăng, vốn đầu tư 26 triệu USD, được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 8/2008. Với cam kết, sau khi đi vào hoạt động, mức đầu tư sẽ lên đến 200 triệu USD (chủ yếu là giá trị hàng hóa). Dự kiến, được khởi công quý IV-2008, đi vào hoạt động năm 2010. Nhưng sau khi nhận được giấy chứng nhận đầu tư, dự án… "bất động" luôn cho đến nay.


Song, "kỷ lục" nhất là dự án Khu vui chơi giải trí Đồ Sơn 40ha, kéo dài từ phường Tân Thành (quận Dương Kinh) qua phường Ngọc Hải (quận Đồ Sơn) có thời gian "ngủ" đến nay tới hơn chục năm. Khu đất này vốn là đầm thủy sản được giao cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) làm khu vui chơi giải trí. Sau đó, cho điều chỉnh thành dự án nhà ở, qua hai lần chuyển nhượng "hoành tráng" là thế nhưng đến giờ nó vẫn đang bị bỏ hoang, cỏ mọc ngập đầu người. Tương tự ở vị trí kế bên là dự án Khu công nghiệp Đồ Sơn (quận Đồ Sơn) hiện chỉ có một phần diện tích được sử dụng, còn lại vẫn là bãi cát khổng lồ bỏ trống như khu chung cư cao cấp Cozy Vyll.


Đáng buồn nữa là, đường Ngã Năm - Sân bay Cát Bi, con đường đẹp nhất Hải Phòng có 2 dự án là Trung tâm thương mại của Công ty Vân Hậu - Duy Hưng và Công ty cổ phần Thương mại Hải Phòng Plaza cũng bị "treo" 7 năm nay.


Bao giờ mới hết các dự án

Năm 2003, UBND TP Hải Phòng đã cho phép 5 doanh nghiệp đầu tư dự án cao ốc, trung tâm thương mại được hưởng cơ chế ưu đãi đặc biệt. Theo đó, nếu đáp ứng các điều kiện của thành phố, chủ đầu tư được miễn giảm 100% tiền sử dụng đất. Nhưng đến nay chỉ có trung tâm thương mại và nhà ở của Công ty TNHH Thùy Dương hoàn thành.


Trung tâm thương mại của Công ty TNHH Du lịch và Đầu tư EIE mới chỉ xây một siêu thị ba tầng (BigC) trên diện tích 16.000m2, còn lại vẫn quây kín cho cỏ mọc trong khi doanh nghiệp này được hưởng ưu đãi hơn 78 tỉ đồng tiền sử dụng đất. Dự án Trung tâm thương mại của Công ty Thương mại Đầu tư và Phát triển đô thị vẫn đang triển khai cầm chừng. 2 dự án khác là Trung tâm thương mại đa chức năng Hải Phòng Plaza (Công ty cổ phần Thương mại Hải Phòng Plaza) và Trung tâm thương mại dịch vụ và khách sạn cao cấp chưa có hạng mục nào được xây dựng. Vậy là, 2 khu đất vàng rộng chừng 2ha trên con đường đẹp nhất TP Hải Phòng đến nay vẫn chỉ là 2 bãi đất hoang được quây bằng hàng rào tôn kín mít.


Được hỏi về tình trạng trên, các nhà đầu tư thường đổ lỗi cho "khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu" hay những thay đổi trong thiết kế, quy hoạch khiến doanh nghiệp gặp khó khăn v.v... Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân trực tiếp chính là do tiềm lực của nhà đầu tư yếu hoặc cố tình xin dự án để giữ đất rồi tìm cách bán lại cho nhà đầu tư khác.


Kiên quyết đến bao giờ?


Được biết, UBND TP Hải Phòng đã nhiều lần chỉ đạo các cơ quan chức năng kiên quyết thu hồi đất các dự án "rùa". Thế nhưng, mọi sự không dễ. Thứ nhất, đó là chưa thật sự kiên quyết khi xử lý các dự án “treo”. Bằng chứng là vi phạm có tới con số trăm nhưng số thực những đơn vị có đất để "đắp chiếu" là thấp. Thứ hai phải kể đến các chiêu đối phó của doanh nghiệp. ấy là mỗi khi cơ quan chức năng rục rịch chuẩn bị, doanh nghiệp liền triển khai một vài hạng mục nhỏ làm "ví dụ" rồi tiếp theo đó xin "điều chỉnh" giấy chứng nhận đầu tư lần 2, lần 3… Thậm chí, chấp nhận bị phạt.


Hàng loạt dự án "treo" ở Hải Phòng gây lãng phí lớn về tài nguyên đất, làm thất thoát một khoản tiền thuế sử dụng đất không thu được từ nhà đầu tư. Đặc biệt, những dự án "treo" này còn liên quan đến rất nhiều vấn đề xã hội bức xúc khác. Đất đai thu hồi bị bỏ hoang, hàng nghìn hộ dân cần đất sản xuất lại không có. Niềm tin của người dân vì đó mà vơi dần, rất khó cho việc giải phóng mặt bằng các dự án khả thi sau này. Ngoài ra, không loại trừ một "thị trường ngầm" trong giao dịch bất động sản ở địa phương cũng bắt đầu hình thành từ đây. Họ bí mật "sang tên đổi chủ" phần đất được giao mà không hề phải nộp bất cứ một đồng thuế đất nào, thậm chí còn đẩy giá, tạo sự bất ổn về thị trường nhà đất…


Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Hải Phòng - ông Lê Thanh Sơn cho biết, Sở đang tiến hành rà soát lại các dự án bất động sản của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước trên địa bàn thành phố đang... bất động và sẽ có công văn đốc thúc, yêu cầu chủ đầu tư nếu sang tháng 9/2011 này, dự án không triển khai tiếp sẽ đề nghị UBND thành phố ra quyết định thu hồi.


Được biết, Sở Tài nguyên - Môi trường Hải Phòng cũng đang tiến hành thanh tra 73 dự án sử dụng đất kém hiệu quả… Rất mong rằng đợt "tổng ra quân" xử lý các dự án treo lần này, Hải Phòng sẽ lập lại một trật tự mới về quản lý sử dụng đất đai với đúng nghĩa "kiên quyết" của từ này

Theo Đăng Hùng (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.