Khổ sở vì “treo” 20 năm
Con đường dẫn đến Khu Du lịch Bình Quới I, Bình Quới II của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn – Saigontourist thuộc P. 28, Q. Bình Thạnh, TP HCM rất đẹp. Thế nhưng người ta vẫn cảm nhận được quá trình đô thị hóa nửa vời của bán đảo này, chen lẫn giữa những quán ăn, quán cà phê sáng đèn hằng đêm, khách sạn có sao là những căn nhà nhỏ lụp xụp lợp mái tôn; những khoảnh vườn nho nhỏ, ao nhỏ, bầu súng, bầu sen xen lẫn… Một diện mạo vừa nông thôn vừa thành thị.
Sự đối nghịch ấy càng thấy rõ vì cũng trên con đường Bình Quới mà một bên không nằm trong diện quy hoạch thì nhà cửa cao ráo, đất nền ngang mặt đường còn bên không quy hoạch thấp hơn mặt đường gần 2 mét, nhà cửa thấp lè tè, xuống cấp. Mùa mưa thì khỏi nói, nước cứ thế tràn vào nhà, vào sân… và người dân nơi đây buộc phải sống chung với… lũ.
Tôi gặp chị Nguyễn Thị Nga bán nước gần 30 năm đối diện Khu Du lịch Bình Quới 2, nghe chị tâm sự thì mới hiểu được hết sự trần ai của gia đình chị cũng như nhiều cư dân ở đây trong gần 20 năm qua. Chị Nga cho biết, khoảng từ năm 1980 đến 1982, nhờ Khu Du lịch Bình Quới mà cư dân nơi đây cũng được sướng theo là có điện có nước, nhưng thật oái oăm mảnh đất càng đô thị hóa thì ngập càng thường xuyên và mức độ ngập ngày càng nặng hơn.
Nhiều khu đất bỏ hoang, cỏ mọc đầy trong khu quy hoạch “treo” ở xóm Đình, P.28, Q. Bình Thạnh
Chị Nga than phiền, nhà con đông, đất rộng nhưng không được xây, thế là cả gia đình phải chui ra chui vào căn nhà nhỏ xíu và cứ thế chịu đựng hoài trong bao năm qua. Tôi hỏi chị có mong ước gì? Chị trả lời ngay: “Tôi chỉ mong nhà nước ra quyết định, quy hoạch thì quy hoạch ngay đi, còn không thì cho dân cất nhà, làm ăn chứ cứ thấp thỏm, hoang mang chẳng biết đến bao giờ, mệt mỏi lắm rồi, không làm ăn được gì. Bắt giò lên treo riết vậy đó”. Chị còn cho biết thêm: “Nhiều người trong khu quy hoạch làm sổ đỏ cũng không được, nên muốn vay vốn ngân hàng để làm ăn thì cũng đành bó tay vì làm gì có tài sản mà thế chấp”.
Còn gia đình ông Quách Văn Huệ ở số nhà 576 đường Bình Quới, P.28, Q. Bình Thạnh (số cũ 1078 Xô Viết Nghệ Tĩnh) cũng trong tình trạng tương tự. Thật không thể tưởng tượng một gia đình với 14 nhân khẩu mà sống trong một căn nhà cấp 4 với diện tích chỉ 133m2. Quá chật chội, nhà cửa lại xuống cấp vì nước ngập thường xuyên, vợ chồng ông Huệ phải che thêm phía trước nhà để cho các con có chỗ nghỉ ngơi, chui ra chui vào. Chỉ dựng vài cái cột rồi lợp bạt, lợp tôn chứ cũng chẳng dám xây dựng thêm. Nhìn hai đứa cháu ngoại ông, đứa 1 tháng tuổi và đứa 3 tháng tuổi nằm trên võng dưới tấm nhựa nóng hầm hập mà xót cả lòng.
Cách đây hai năm, ông có xin nhà nước cho nâng nền lên 1 mét cho đỡ ngập và dấu tích của việc nâng nền vẫn còn nguyên vẹn trên vách tường nhà ông. Ông bức xúc: “Người ta nói “an cư lạc nghiệp” mà chúng tôi có an cư được đâu, quanh năm cứ thấp thỏm nằm trong diện quy hoạch nên việc làm ăn cũng chẳng ra sao. Gần 20 năm rồi còn gì, chúng tôi quá mòn mỏi vì chờ đợi”.
Hai cô con gái của ông cũng trạc tuổi tôi, nghĩa là khi bắt đầu quy hoạch khu này, hai chị lúc đó mới 7, 8 tuổi, thế mà giờ các chị đã lập gia đình và sinh con mà dự án vẫn nằm yên trên giấy. Anh Huệ cũng như chị Nga nói chắc nịch một câu khi tôi nhắc đến vấn đề này: “Quy hoạch thì quy hoạch đi, còn không thì để cho dân xây dựng nhà cửa, còn làm còn ăn, dân khổ quá rồi”.
Rồi tôi gặp bà Nguyễn Thị Thanh (58 tuổi), ở hẻm 558 gần giáp với Cầu Cống. Con đường dẫn vào nhà bà Thanh mới được đổ bê tông cách đây 2 năm, cảnh vật vẫn còn hoang sơ, đường nhỏ chỉ đủ một làn xe. Hai bên đường còn nhiều ao sen, ruộng, vườn và cây dừa nước thì nhiều vô kể… Để tìm kế sinh nhai sau khi ruộng vườn khó trồng trọt vì bị ngập thường xuyên nên nhiều gia đình mở quán nước nhỏ, quán ăn gia đình, nhà hàng, hay quán cà phê, dịch vụ câu cá giải trí…
“Đầu tháng 10 âm lịch cô xuống đây mà xem, có khi nước lém qua con đường này luôn, đồ đạc trong nhà mà không đưa lên cao kịp thì coi như hỏng hết… Nhà nước nói sửa chữa thì được nhưng không được xây mới cô à. Quy hoạch gì mà lâu quá, từ hồi thằng con tôi mới 6 tuổi, nếu nó còn sống thì giờ đã 26 tuổi rồi mà vẫn còn treo”, bà Thanh ngậm ngùi.
Tôi nhẩm tính, ừ nhỉ, cũng đã 20 năm Khu Đô thị mới Bình Quới, Thanh Đa bị “treo”. 20 năm là thời gian khá dài đối với một đời người, ông Huệ từ tuổi 40 giờ đã tuổi 60, các con ông Huệ từ 7-8 tuổi nay đã 27-28 và giờ là thế hệ con cháu của ông nhưng một cái dự án qua bao thế hệ lãnh đạo vẫn nằm trên giấy và người dân cứ đợi chờ… chờ đợi.
Treo đến bao giờ?
Khi gặp chúng tôi, ông Huệ cho tôi xem tất tần tật những giấy tờ nhà đất, giấy tờ liên quan quyền sử dụng đất, cùng những văn bản về khu quy hoạch này mà nhà nước đã gửi văn bản cho từng hộ dân. Ông kể rằng, đã có 5 đến 7 nhà đầu tư nước ngoài dòm ngó khu này nhưng không hiểu sao cuối cùng bỏ chạy hết.
Năm 1992, UBND TP HCM thông báo khu đất Bình Quới – Thanh Đa được quy hoạch thành “Khu văn hóa, thể thao, du lịch, nghỉ ngơi, giải trí” của thành phố. Tuy nhiên, dự án bị treo 12 năm sau đó. Đến năm 2004, Ủy ban Nhân dân TP HCM quyết định thu hồi, tạm giao đất cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn làm chủ đầu tư xây dựng Khu Đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa, quận Bình Thạnh. Tại Quyết định số 2740/QĐ-UB ngày 14/6/2004, UBND TP HCM đã giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn phối hợp với UBND Q. Bình Thạnh thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư theo phương án được UBND thành phố đã phê duyệt.
Bà Nguyễn Thị Thanh cho biết là năm 2004, trong Dự án Quy hoạch Khu Đô thị mới Bình Quới – Thanh Đa tại P.28 Q.Bình Thạnh thì gia đình bà được đền bù 400 triệu đồng, đất thổ cư, khu đất nền nhà bà là 2 triệu đồng/m2 còn phía con đường Khu Du lịch Bình Quới thì 4 triệu đồng/m2, rồi bà nói trong bức xúc, cô thấy đấy 10 năm đã qua, tiền thì xài hết rồi mà dự án vẫn chưa thực hiện, còn treo lơ lửng đó. Còn bà Nguyễn Thị Bảy ở số nhà 558/43 đoạn từ Cầu Cống đến Cầu Làng thì bảo rằng, gia đình bà được đền bù 350 nghìn đồng/m2, xa hơn thì 250 đồng/m2 nhưng qua xóm Đình thì bà Hồ Kim Huệ ở số nhà 558/56 nói: “Hồi đó khu này đâu được bồi thường. Họ chỉ bồi thường từ ngoài Bình Quới vào đến Cầu Làng chứ từ Cầu Làng đến hết xóm Đình này đâu có được bồi thường đồng nào đâu”.
Đến giữa năm 2007, Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn bắt đầu tìm đối tác để thực hiện thì bất ngờ UBND TP HCM lại ra thông báo thay đổi chủ trương là phải tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư cho dự án này. Sau đó, mọi chuyện gần như án binh bất động, nhiều người dân trong khu vực bức xúc bày tỏ.
Dự án Khu Đô thị Bình Quới – Thanh Đa, P. 28, Q. Bình Thạnh với 450 hécta được xem là khu dân cư quy hoạch “treo” lâu nhất TP HCM với thâm niên hơn 20 năm và có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của gần 4.000 hộ dân. Được quy hoạch từ năm 1992, dự án nhiều lần đổi chủ đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai và hiện thành phố đang tìm chủ đầu tư mới.
Đến năm 2010, UBND TP HCM có quyết định thu hồi dự án từ chủ đầu tư là Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn và khẳng định, người sử dụng đất trong khu vực được thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo đúng quy định của pháp luật đất đai.
Tuy nhiên, niềm hy vọng chưa trọn vẹn thì các hộ dân trong khu vực này tiếp tục thất vọng vì mặc dù thành phố đã xóa dự án “treo” nhưng vẫn còn là khu đô thị sinh thái. Vì vậy, khoảng 1.200 hồ sơ nhà, đất sử dụng trước năm 1992 (thời điểm công bố quy hoạch) đủ điều kiện cấp giấy chủ quyền. Số còn lại không có giấy tờ chủ quyền nhà, đất vẫn phải chịu cảnh không được cắt đất xây nhà, sửa chữa.
Vì thế, gia đình ông Quách Văn Huệ tuy định cư ở đây gần 100 năm nhưng chỉ mới làm được sổ đỏ từ năm 2006 nên không được quyền cắt đất xây nhà cửa trong khi diện tích đất thổ cư nhà ông đến 455,0m2. Nhà có 14 nhân khẩu, con cháu, dâu rể đông như thế, nhà lại chật chội, nhà thì xuống cấp trầm trọng nhưng không được cơi nới, xây cất - ông bức xúc. Và đó cũng là tình trạng chung của hàng nghìn hộ còn lại trong khu quy hoạch “treo” này.
Khi đi khảo sát tại khu vực này, đa số các gia đình đều ở đây lâu đời, thường là từ đời ông cố, ông xơ, hơn 100 năm. Nhà nào cũng có diện tích đất thổ cư và đất nông nghiệp rất rộng nhưng 20 năm nay họ gần như bị trói chân, trói tay vì bị “treo” không được xây cất, mua bán trên chính mảnh đất của mình. “Trong khi đất nông nghiệp thì bị ngập thường xuyên nên sản xuất rất khó khăn vì thế công việc sinh nhai cũng bấp bênh ai thuê gì làm nấy, còn con cái thì đi làm công nhân, làm thuê làm mướn”, bà Huệ cho biết thêm. Chính điều này đã để lại nhiều bức xúc trong dân ở đây.
Còn đó 30 dự án quy hoạch “treo”
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM, ngoài Khu Đô thị mới Bình Quới – Thanh Đa thì tại TP HCM hiện còn 30 dự án, quy hoạch “treo” gây bức xúc và làm khổ sở cho người dân. Điển hình như đồ án quy hoạch ở Khu phố 8, ấp Doi (P.15, Q. Gò Vấp) để làm công viên cây xanh với diện tích 40 hécta, đến nay đã 14 năm nhưng vẫn chưa có đồ án quy hoạch. Hay tại quận 8, nhiều dự án còn dậm chân tại chỗ dù đã được quy hoạch từ lâu như: Khu tái định cư và Công viên văn hóa phía bắc đường Tạ Quang Bửu (phường 4); rồi Dự án hồ sinh thái Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) còn “treo” mới có... 14 năm.
Còn tại quận Bình Thạnh thì ngoài dự án “treo” 20 năm Khu Đô thị mới Bình Quới – Thanh Đa thì còn nhiều khu khác cũng nằm trong tình trạng tương tự mà thực tế còn tồn tại, dự án “treo” mới chồng lên dự án “treo” cũ như khu vực các phường 19, phường 22 quận Bình Thạnh vốn đã bị Dự án Khu Đô thị thanh niên Văn Thánh “treo” gần 20 năm chưa xóa thì mới bị treo chồng thêm dự án khu bờ tây sông Sài Gòn.
Nhà ông Quách Văn Huệ ở số 576 đường Bình Quới, P. 28, Q. Bình Thạnh chỉ 133m2 mà có tới 14 nhân khẩu
Lý giải cho tình trạng này, tại Kỳ họp thứ 6 (khóa VIII) của HĐND TP HCM vào đầu tháng 10 vừa qua, nhiều đại biểu HĐND TP HCM cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến quy hoạch treo là do chưa đảm bảo được sự hài hòa lợi ích giữa người dân, chính quyền và nhà đầu tư. Thêm nữa, là chính quyền địa phương cũng chưa có kế hoạch sử dụng đất rõ ràng và quá trình lập quy hoạch chưa mang tính khả thi.
Đại biểu Lâm Đình Chiến đề nghị hai giải pháp. Thứ nhất là, cần rà soát lại các dự án, quy hoạch “treo”, dự án nào đã giao trong vòng 12 tháng mà không làm và do nguyên nhân chủ quan thì phải thu hồi. Ngoài ra, khi giao dự án thành phố phải yêu cầu các bên liên quan cam kết thời gian và có phương án thực hiện khả thi. Đồng thời, ông cũng thẳng thắn bày tỏ là đề nghị thành phố công khai trên địa bàn có bao nhiêu dự án “treo” và đã “treo” bao lâu rồi?
Còn đại biểu Nguyễn Thành Nhân (Q. Bình Tân) thì thẳng thắn rằng: “Người dân của chúng ta quá hiền! Người dân chỉ cần hết “treo” là mừng, còn chưa tính đến vấn đề thiệt hại trong suốt thời gian sống trong quy hoạch “treo”. Và ông còn đề nghị: “Chuyện khi nào dự án được thực hiện là chuyện của nhà đầu tư. “Treo” dự án lâu, kéo dài, lỗ thì nhà đầu tư phải chịu chứ không thể để người dân bị “treo”, sống 10-20 năm mà không có quyền được làm gì trên mảnh đất của mình thì quá thiệt hại”.
Cùng quan điểm này, đại biểu HĐND thành phố Trần Trọng Dũng cho rằng: Muốn thực hiện quy hoạch thuận lợi, trước hết phải hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Tuy nhiên, thực tế tại các địa phương hiện nay, mọi thiệt thòi đều dồn lên vai người dân. UBND thành phố cần quy định rõ chế tài đối với những chủ đầu tư dự án không đủ năng lực. Quá thời gian quy định sẽ thu hồi hoặc đình chỉ các dự án quy hoạch hoặc bắt buộc chủ đầu tư phải ký quỹ tại ngân hàng, nếu xảy ra tình trạng “treo” thì dùng kinh phí đó đền bù thiệt hại của người dân.
Cũng trong kỳ họp HĐND TP HCM đầu tháng 10 vừa qua, UBND TP HCM khẳng định, từ nay đến cuối năm 2012 sẽ tổng rà soát, đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch của các đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 đã được phê duyệt. Sau khi có kết quả rà soát, các quy hoạch đã có kế hoạch thực hiện sẽ công bố nguồn lực, thời gian và lộ trình thực hiện để người dân biết.
UBND TP HCM cũng nhấn mạnh, với những quy hoạch thiếu tính khả thi hoặc chưa có kế hoạch thực hiện gây bức xúc trong nhân dân thì sẽ xem xét có nên tiếp tục hay không. Với những quy hoạch qua rà soát mà đánh giá không khả thi thì UBND thành phố cam kết sẽ điều chỉnh, xóa quy hoạch “treo”.
Người dân các khu dự án quy hoạch “treo” sẽ thở phào nhẹ nhõm chừng nào lời hứa của chính quyền thành hiện thực. Nhưng trước mắt, họ tiếp tục chờ và tiếp tục sống trong cảnh nhà cửa xuống cấp, tạm bợ, chật chội… Và một câu hỏi đặt ra hơn 20 năm nay đối với cư dân Khu Đô thị Bình Quới – Thanh Đa là bao giờ hết “treo”.
Có thể nói, tình trạng dự án treo không chỉ diễn ra ở TP HCM mà hầu như trên địa bàn nào ở nước ta cũng có dự án “treo”. Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII vừa qua, nhiều đại biểu cũng đề cập đến tình trạng “dự án treo” trên khắp cả nước. Gay gắt nhất là một đại biểu trong đoàn Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã phê phán tình trạng sử dụng đất trái pháp luật, sai mục đích, để hoang hóa, lãng phí là rất nghiêm trọng. Có tới 2.455 cơ quan, tổ chức với hàng chục ngàn dự án treo để hoang hóa tới 250.862 hécta đất. Nguồn tài nguyên khổng lồ quý giá đã bị lãng phí trong nhiều năm.
Câu hỏi lớn nhất hiện nay của người dân sống trong khu bị quy hoạch là: “Bao giờ hết treo?”.