Theo số liệu của Sở Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy (PCCC) TP Hồ Chí Minh, hiện có đến 316 trong tổng số 682 chung cư, nhà cao tầng trên toàn thành phố chưa được nghiệm thu hệ thống PCCC (chiếm đến 46,4%). Vi phạm này kéo dài nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý nghiêm, tạo ra nguy cơ hỏa hoạn, gây nên tâm lý bất an cho hàng triệu người dân…

Vi phạm tràn lan

Ngày 15-7-2016, hàng trăm cư dân tại chung cư HQC Plaza (đường Nguyễn Văn Linh, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) đã tháo chạy tán loạn do chung cư bị cháy. Đây là công trình nhà ở xã hội do Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Hoàng Quân làm chủ đầu tư, gồm bốn khối nhà cao từ 23 đến 24 tầng với tổng cộng 500 căn hộ. Vụ cháy sau đó được cơ quan chức năng xác định nguyên nhân là do chập điện. Điều đáng nói, sau vụ cháy, lực lượng chức năng tiến hành điều tra mới biết công trình này chưa được nghiệm thu PCCC nhưng chủ đầu tư đã đưa dân vào ở.

Tương tự, chung cư Bảy Hiền Tower (đường Phạm Phú Thứ, phường 11, quận Tân Bình) do Công ty TNHH Long Hưng Phát làm chủ đầu tư, mặc dù đang thi công dở dang, thi công sai giấy phép xây dựng, hệ thống PCCC chưa sử dụng được..., nhưng chủ đầu tư đã đưa hơn 20 hộ dân vào ở. Còn tại chung cư Topaz Garden (quận Tân Phú) cũng được chủ đầu tư bàn giao cho người dân khi công trình chưa được nghiệm thu PCCC. Trong khi khối nhà A nằm phía ngoài đang xây dựng dở dang, thì khối nhà B (nằm phía trong) của chung cư này đã có người vào ở, dù chưa hoàn thiện.

Mới đây, nhiều khách hàng mua nhà tại chung cư Ngọc Phương Nam (số 125/20 Âu Dương Lân, phường 2, quận 8) cũng phản ánh, mặc dù công trình còn thi công dở dang với hệ thống điện loằng ngoằng, hệ thống PCCC chưa được nghiệm thu, bàn giao, nhưng chủ đầu tư đã đưa cư dân vào ở từ nhiều tháng trước. Đến nay, dù đã có hơn 50 hộ đăng ký vào ở nhưng chung cư Ngọc Phương Nam vẫn đang trong tình trạng thi công rầm rộ. Được biết, dự án này có tổng vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng, gồm ba khối nhà liền kề nhau với 192 căn hộ, do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng An Điền và Công ty TNHH Điện tử và thương mại Đại Việt làm chủ đầu tư…

Cần xử lý nghiêm

Theo số liệu của Sở Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện có đến 316 trong tổng số 682 chung cư, nhà cao tầng chưa được nghiệm thu hệ thống PCCC (chiếm đến 46,4%). Trong đó có 50 chung cư, nhà cao tầng đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC (sửa đổi) năm 2013 có hiệu lực, không bảo đảm an toàn PCCC. Đáng nói, có nhiều công trình, chung cư xây mới chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động như: Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh (quận 4); tòa nhà văn phòng 34 Tôn Đức Thắng (quận 1); tòa nhà Công ty TNHH CSC Việt Nam; hai chung cư 410, Hùng Vương (cùng quận 5); các chung cư Bùi Minh Trực (quận 8); Thái An 3 & 4; Kim Tâm Hải (cùng quận 12); chung cư Bắc Bình (quận Bình Thạnh); chung cư 584, Khang Gia (cùng quận Tân Phú); chung cư Nguyễn Quyền (quận Bình Tân)…

Theo Đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng công trình chưa được nghiệm thu về PCCC nhưng chủ đầu tư vẫn đưa người vào ở là do các chủ đầu tư chạy theo tiến độ như hợp đồng đã ký kết nên phải nhanh chóng bàn giao căn hộ đúng thời hạn. Có công trình, dù đã bị lập biên bản xử phạt vi phạm, nhưng chủ đầu tư vẫn “nhờn luật”, chấp nhận chịu phạt để tồn tại. Một số công trình khác là do nhà thầu thi công xây dựng chung cư không đúng thiết kế về PCCC đã được phê duyệt, không lập hồ sơ hoàn công, trình độ năng lực của đơn vị thi công về PCCC hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu thực tế trong việc thi công hệ thống kỹ thuật PCCC. Sở Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh đã tổng hợp danh sách, báo cáo bằng văn bản lên UBND thành phố để có những biện pháp xử phạt và yêu cầu khắc phục. Về phía người dân, do bức xúc về chỗ ở nên khi có căn hộ mới được hoàn thiện là một số người muốn vào ở ngay...

Đại diện Sở Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc xử lý các chủ đầu tư đưa dân vào sống ở các chung cư khi chưa được nghiệm thu về PCCC rất khó khăn, phức tạp. Khi chủ đầu tư đã đưa người vào ở thì cảnh sát PCCC cũng không thể đưa dân ra ngoài được. Trước đây, xử lý vi phạm là cưỡng chế, có thể cắt điện, nước, nhưng bây giờ không thể vì UBND thành phố đã có quy định không cho phép các đơn vị thực hiện biện pháp này. Trong khi đó, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về phòng và chữa cháy theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ chỉ từ 30 đến 50 triệu đồng nên không đủ sức răn đe…

Trong thời gian tới, Sở Cảnh sát PCCC thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các công trình nhà cao tầng còn vi phạm quy định về PCCC. Cùng với đó, hướng dẫn đơn vị chủ quản khắc phục những thiếu sót về PCCC nhằm bảo đảm an toàn về PCCC, tạo tâm lý yên tâm cho người dân làm việc, sinh sống tại các tòa nhà, chung cư cao tầng…

Theo các chuyên gia, ngay trong thiết kế ban đầu của các công trình, dự án được duyệt đã có hệ thống PCCC. Đó là tính an toàn thiết yếu phải bảo đảm cho người dân. Trong giá bán nhà, chủ đầu tư đã tính cả chi phí bảo đảm an toàn về PCCC. Luật PCCC cũng quy định rõ về trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như cơ quan quản lý. Do vậy, cần có biện pháp mạnh để nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Vũ Nguyên (Nhân Dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.