Hàng loạt các KĐTM được hình thành đáp ứng nhu cầu sống mới hiện đại của người dân. Không thể phủ nhận sự ra đời của chúng đã góp phần thay đổi cơ bản diện mạo của đô thị Việt Nam đang trên đà phát triển.

Thế nhưng, các đô thị, các công trình mới dường như đều đang đi theo một mô hình kiến trúc giống nhau đến nhàm chán, khô cứng và đơn điệu. Chúng ta đang sống trong những đô thị phi bản sắc. Những thảm họa kiến trúc vẫn đang được xây mới hàng ngày trên mọi miền Tổ quốc… Vậy đi đâu tìm bản sắc kiến trúc đô thị Việt? Phóng viên Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với TS.KTS Trương Văn Quảng - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn (VIAP) về vấn đề này:

Thực trạng kiến trúc của các KĐTM na ná như nhau, không có sự độc đáo, riêng biệt đang diễn ra trong thời gian qua. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

- Trong quá trình phát triển đô thị, nhiều địa phương đã lấy phương thức phát triển các dự án KĐTM làm "chiến lược" trọng tâm. Phương thức này cũng có những ưu điểm và cơ bản đã và đang góp phần làm tăng quỹ nhà ở (với các căn hộ có chất lượng tốt hơn các căn hộ được xây dựng trước năm 1975), góp phần thay đổi diện mạo kiến trúc, có xu hướng hướng tới các đô thị hiện đại...

Tuy nhiên, cũng cần phải nhận thức rõ hiện nay việc phát triển các dự án KĐTM (chưa hẳn đã phải là các dự án mang tính chiến lược của một đô thị) còn đang thiếu một mô hình, một khuôn mẫu chuẩn. Các mô hình đang áp dụng để phát triển các KĐTM, mặc dù có một số ưu điểm nhưng còn sơ cứng, dập khuôn. Đây là một thực tế đáng lo ngại và nếu không sớm nên tiếng thì nhiều KĐT, nhiều tuyến phố sẽ mất đi sự sinh động và nét đặc trưng riêng...

Vậy nguyên nhân xuất phát từ đâu, thưa ông?

- Về bản chất, chúng ta đang thiên về mô hình kinh doanh BĐS hơn là một tầm nhìn cho phát triển bền vững đô thị. Với việc đa dạng về quy mô, vị trí, chủ đầu tư, về tư vấn thiết kế; với cơ cấu tỷ lệ loại công trình kiến trúc như nhà cao tầng (chung cư), nhà liền kế, biệt thự trong một dự án, kể cả cơ cấu tỷ lệ căn hộ trong một tòa nhà chung cư được qui định tương đối cứng…; với cách thức bố trí các chung cư cao tầng chạy xung quanh hoặc bám theo dọc các trục đường đô thị chính của khu đất dự án, bên trong là các khu nhà ở thấp tầng chia lô liền kề hoặc dạng biệt lập (đó là còn chưa kể đến các KĐTM hiện còn thiếu các công trình dịch vụ xã hội thiết yếu). Các KĐTM còn nặng về quy hoạch sử dụng đất, thiếu tính thẩm mỹ trong nghệ thuật tổ chức chất lượng không gian… là nguyên nhân trong nhiều nguyên nhân làm hạn chế khả năng sáng tạo trong tổ chức không gian, thiết kế kiến trúc công trình, ảnh hưởng không nhỏ tới tổng thể chất lượng không gian và bản thân từng dự án…


Rất nhiều tòa nhà xây dựng cứ na ná như nhau thế này.

Bên cạnh đó, do muốn khai thác triệt để quỹ đất nên mật độ xây dựng trong lô đất xây dựng nhà cao tầng còn cao, khoảng cách giữa các nhà cao tầng còn quá dày như KĐTM Quốc tế Thăng Long, Trung Hòa - Nhân Chính… mạng lưới giao thông chưa thật hoàn chỉnh, thiếu sự kết nối. Điều quan trọng là các dự án KĐTM thiếu hẳn thiết kế đô thị đủ tầm, hoàn chỉnh… Bởi vậy, nếu đem khớp nối các KĐTM với nhau sẽ dễ nhận thấy sự thiếu tính tổng thể, bất hợp lý, không đồng bộ, thiếu thẩm mỹ trong tổ chức không gian, thiết kế kiến trúc công trình, sự đồng bộ về các tiện ích đô thị… Điều này dẫn đến hiện tượng diện mạo kiến trúc đô thị nói chung, kiến trúc công trình nói riêng ở những KĐTM na ná giống nhau và đều không mấy đáng tự hào.

Vậy các KTS cần phải làm thế nào để thiết kế các công trình nhà ở độc đáo và mang phong cách cho các KĐTM?

- Là KTS, tôi cho rằng cần nói “không” với sự sao chép, cứng nhắc… Điều quan trọng là cần thiết phải thay đổi mô hình phát triển KĐTM, thay đổi tư duy trong quy hoạch, thiết kế công trình kiến trúc. Cần phải thấu hiểu hơn những yêu cầu chính đáng của một đô thị, một công trình kiến trúc đích thực để sự sáng tạo có cơ hội tỏa sáng vì một đô thị vị nhân sinh, một công trình kiến trúc đứng vững với thời gian...

Cần nghiêm túc đặt mục tiêu hướng tới hình thành cấu trúc không gian đô thị, kiến trúc công trình trên yêu cầu chất lượng sống đô thị, thông qua những hình tượng mang tư tưởng nhân văn - vì con người (không gian đô thị, kiến trúc công trình mang tính triết học - Ideology); Tạo không gian đô thị có tính thẩm mĩ cao trong cấu trúc tổng thể đô thị và khu vực, trong kiểu dáng kiến trúc các công trình, tổ hợp hay quần thể kiến trúc công trình… tạo nên những điểm nhấn có giá trị, hấp dẫn (City is beautiful). Đảm bảo cấu trúc không gian đô thị tạo nên sự cân bằng giữa không gian xanh và không gian xây dựng, hướng tới sự ổn định và phát triển bền vững (Garden City); Lấy cảm hứng từ sự cách tân nghệ thuật xây dựng đô thị và kiến trúc truyền thống, sự kết hợp giữa kỹ thuật xây dựng hiện đại với giá trị nghệ thuật không gian, kiến trúc truyền thống trong tổ chức không gian đô thị và thiết kế kiến trúc hiện đại… Tạo nên giá trị mới, có đẳng cấp (Neo-Tradition)…

Xin cám ơn ông!

Theo Thanh Phong (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.