Trước tình trạng không ít chung cư trên địa bàn Hà Nội xảy ra tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư trong việc thu phí dịch vụ quản lý chung cư, UBND thành phố Hà Nội đã ra Quyết định 4520/QĐ-UBND phê duyệt đề án giá dịch vụ nhà chung cư và ban hành giá trần giá dịch vụ nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, quyết định này đã nhận được sự phản ứng trái chiều từ dư luận…
Ban hành giá trần giá dịch vụ nhà chung cư: Chưa kịp mừng đã phải lo
Mặc dù thành phố đã ban hành mức giá trần đối với
phí quản lý nhà chung cư, nhưng người dân vẫn chưa hết
băn khoăn. Ảnh minh hoạ

Người dân có còn bị “ép”?


Theo Quyết định 4520, sẽ có 3 mức giá dịch vụ nhà chung cư là 2.400 đồng/m2/tháng, 3.100 đồng/m2/tháng và 4.000 đồng/m2/tháng. Mức giá đã bao gồm chi phí để thực hiện hoàn chỉnh các thành phần công việc; chi phí quản lý chung; lợi nhuận của doanh nghiệp và chưa tính nguồn thu để bù đắp chi phí dịch vụ nhà chung cư theo đặc thù từng dự án. Việc xác định giá dịch vụ chung cư của tòa nhà cụ thể phải căn cứ theo đặc thù từ nguồn thu kinh doanh thuộc phần sở hữu chung của tòa nhà, từ thỏa thuận của các bên liên quan hoặc từ điều kiện hạ tầng, môi trường để tính toán cho phù hợp. Mức giá dịch vụ nhà chung cư là mức tối đa tương ứng với dạng nhà chung cư, loại dịch vụ và thành phần công việc được nêu chi tiết tại bảng giá. Mức giá được áp dụng tạm thời trong 1 năm từ ngày quyết định có hiệu lực…


Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, một cư dân đang sinh sống ở khu chung cư Golden Westlake, quận Tây Hồ, mức giá trần phí dịch vụ chung cư đưa ra là biện pháp để tránh các chủ đầu tư tăng giá bừa bãi. Căn cứ vào các cấp công trình loại 1, loại 2 hay loại 3, cũng như từng địa bàn, giá trần sẽ khác nhau. Trong trường hợp chủ đầu tư không chấp hành những nguyên tắc đó, mà đơn phương đưa ra mức giá không được người dân đồng tình, đó sẽ là cơ sở quan trọng để giải quyết các tranh chấp, đồng thời góp phần minh bạch hóa các quan hệ trong quản lý sử dụng dịch vụ nhà chung cư. Đa số người dân đều cho rằng, quyết định đưa ra mức giá trần của thành phố đã giải tỏa được những bức xúc của người dân.


Phải nói thêm rằng, trước đó hàng loạt những vụ tranh chấp đã xảy ra giữa cư dân và chủ đầu tư trong việc thu phí quản lý chung cư bởi mức giá “trên trời” mà chủ đầu tư đưa ra trong việc thu phí quản lý toà nhà. Đơn cử, cách đây 4 năm, cư dân Khu đô thị The Manor ở xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm đã phản đối chủ đầu tư Bitexco tự thu phí dịch vụ giá “cắt cổ” ngay khi mới về ở. Khi đó, phí dịch vụ cho một căn hộ (bao gồm phí thang máy, vệ sinh...) là 166USD/tháng, phí gửi xe ô tô là 100USD/tháng, xe máy 10USD/tháng... Sau đó, năm 2009-2010, chủ đầu tư lại đưa ra giá 7.500 đồng/m2…


Tương tự, từ tháng 6-2011 đến nay, cư dân ở tòa nhà Keangnam vẫn đang đấu tranh khi chủ đầu tư đưa ra mức phí quản lý cao ngất ngưởng là 0,99USD/m2/tháng, tương đương 21.000đồng/m2/tháng. Sau nhiều lần đàm phán, chủ đầu tư đã hạ mức phí nhưng vẫn chưa được người dân chấp thuận… Mặc dù, cư dân sống trong các khu chung cư sang trọng này đa phần thuộc thành phần có thu nhập khá, nhưng xem ra những khoản phí dịch vụ khá cao vẫn rất khó được người dân chấp thuận…


Cần sớm có văn bản hướng dẫn


Mặc dù, Quyết định số 4520/QĐ-UBND quy định khá cụ thể về giá trần giá dịch vụ nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội với 3 mức khác nhau, tuy vậy, trong trường hợp giữa bên cung cấp và bên sử dụng dịch vụ đã có thỏa thuận về các điều kiện liên quan đến giá dịch vụ nhà chung cư thì thực hiện theo thỏa thuận đó.


Bà Nguyễn Thanh Xuân hiện sống tại khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, quận Cầu Giấy thắc mắc: “Một số nội dung trong quyết định chưa cụ thể, rõ ràng nên rất khó xác định trách nhiệm: Các loại dịch vụ chưa có, hoặc có nhưng chưa đủ thành phần công việc (về tần suất, chất lượng) trong giá dịch vụ nhà chung cư được ban hành theo quyết định này, thì người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp tổ chức quản lý vận hành, cung cấp dịch vụ có trách nhiệm thỏa thuận với nhau theo đúng các quy định hiện hành”.


Bên cạnh đó, quyết định cũng nêu “diện tích tính giá là diện tích theo giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, hoặc theo hợp đồng mua bán căn hộ nếu chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu”, nhưng đến thời điểm hiện tại việc xác định diện tích căn hộ để cấp “sổ đỏ” cũng là điều đáng bàn bởi có khá nhiều văn bản quy định về vấn đề này song nội dung lại không thống nhất”.


Với tâm trạng tương tự, ông Vũ Văn Hùng ở khu đô thị mới Mỹ Đình, huyện Từ Liêm chia sẻ: “Cứ nghĩ từ nay tình trạng loạn thu phí dịch vụ chung cư sẽ chấm dứt khi có quyết định về mức giá trần. Song, đến thời điểm hiện tại việc áp dụng quy định này vẫn “rối như canh hẹ”, mỗi nơi làm một kiểu. Nhiều chủ đầu tư đã tự ý áp mức giá dịch vụ mới, cao gấp đôi, gấp 3 giá cũ trong khi chất lượng dịch vụ vẫn không được cải thiện.


Mặc dù theo Quyết định 4520, mức phí chung cư cao nhất 4.000 đồng/m2/tháng bao gồm các phần việc từ quét dọn vệ sinh diện tích công cộng của tòa nhà (1 lần/ngày); quản lý vận hành các phương tiện kỹ thuật của tòa nhà; thay, rửa bể nước bảo đảm vệ sinh 6 tháng/lần. Các công việc phải thực hiện định kỳ như: Bảo vệ an ninh, trật tự trong và ngoài tòa nhà... đến tổ chức phun thuốc diệt côn trùng (1 lần/năm); chăm sóc cây xanh, thảm cỏ thuộc khuôn viên chung cư; cử lễ tân trực theo giờ hành chính; tổ chức diễn tập an toàn chống cháy nổ... Song nhiều khu nhà chỉ đáp ứng được một vài yếu tố mà vẫn áp giá dịch vụ ở mức cao nhất. Bên cạnh đó, Quyết định 4520 cũng chưa có quy định cụ thể về nguồn thu kinh doanh phần diện tích sở hữu chung trong các tòa nhà”…


Hà Nội hiện có gần 100 chung cư và con số này sẽ không ngừng tăng lên trong thời gian tới. Để lập lại trật tự trong việc thu phí dịch vụ nhà chung cư, thành phố cần sớm ban hành các văn bản cụ thể hóa các nội dung trong Quyết định 4520, tránh tình trạng mỗi nơi áp dụng một kiểu, mạnh ai nấy làm, gây bức xúc trong nhân dân…


Xem kỹ hợp đồng, kẻo bị ép giá dịch vụ

Theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa Công ty TNHH Luật S&B, phương pháp xác định và quản lý giá dịch vụ nhà chung cư, giá dịch vụ nhà chung cư, năm 2009 Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 37/2009/TT-BXD hướng dẫn về vấn đề này dựa trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí nhưng phải phù hợp với thực tế. Trường hợp giá dịch vụ nhà chung cư đã có thoả thuận trong hợp đồng mua bán căn hộ thì thực hiện như thoả thuận đó. Thông tư còn đưa ra công thức xác định giá dịch vụ nhà chung cư song hầu như các chủ đầu tư đều cố tình “phớt lờ” quy định, đơn phương đưa ra mức giá buộc người dân phải chấp hành. Giá trần dịch vụ chỉ áp dụng với những trường hợp không thỏa thuận về phí dịch vụ trong hợp đồng mà thôi. Vì vậy, khi mua bán nhà, khách hàng phải xem xét kỹ hợp đồng, trong đó có các quy định về giá dịch vụ. Do thỏa thuận trong hợp đồng mang tính chất dân sự nên khi xảy ra tranh chấp, cơ quan quản lý nhà nước không thể can thiệp quá sâu mà phải tôn trọng thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người dân.


Theo Bảo Linh (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.