Năm 2012, Trung tâm Hành chính tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được di dời về TP Bà Rịa. Kể từ đó, tình trạng xây dựng trái phép, không phép ở địa phương này bắt đầu xuất hiện, chủ yếu tập trung tại một số phường mới như Long Hương, Long Toàn, Long Tâm, Kim Dinh…
“Liều mới có nhà để ở”
Chị H., sống tại khu vực gần cầu Điện Biên Phủ, phường Long Hương, TP Bà Rịa, cho hay đất ở đây dù có giấy đỏ nhưng đều là đất nông nghiệp, nằm trong dự án công viên, bờ kè nhưng hơn chục năm nay chưa triển khai. Từ một năm nay, nhiều người đã xây “chui” nhà cấp bốn để ở. Điện thì câu từ các hộ ở ngoài đường, nước mua 10.000 đồng/m3. “Giờ nếu mua đất ở đây vẫn có người bán nhưng phải biết cách lo mới xây được nhà để ở tạm” - chị H. cho hay.
Gần nhà chị H., chị NTHL cũng đang xây một căn nhà cấp bốn với diện tích khoảng 100 m2. Chị L. cho hay phường đã xuống lập biên bản mấy lần. Lần nào chị cũng phải làm cam kết rồi lén xây thật nhanh trong vòng vài ngày để kịp lợp tôn nhằm tránh bị đập. Mỗi khi xây, gia đình phải cử một người đứng ở ngoài đầu đường để canh gác. Nếu thấy cán bộ phường xuống thì phủ toàn bộ bạt lên để che. “Phải liều mới có nhà để ở, bởi địa phương làm rất cứng rắn. Trước đây gia đình tôi đi thuê nhà nên rất tốn kém. Do quá bí về chỗ ở, con cái lớn phải đi học nên đành xây đại” - chị L. nói.
Một căn nhà không phép như thế này được người dân xây dựng rất nhanh, có khi chỉ trong vòng vài ngày hoặc một ngày đêm. (Ảnh chụp tại phường Long Hương, TP Bà Rịa) Ảnh: T.KHÁNH
Tháo dỡ ngay từ khi xây móng
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND phường Long Hương, nhà không phép được người dân xây dựng rất nhanh, có khi chỉ trong vòng vài ngày hoặc một ngày đêm. “Những năm trước phường cũng xảy ra tình trạng xây nhà không phép nhưng không nhiều như hiện nay. Phường đã tạm đình chỉ thi công bốn công trình xây dựng không phép và sẽ tiếp tục xử lý các công trình còn lại” - ông Hải cho hay.
Theo ông Hải, nguyên nhân khách quan dẫn tới tình trạng này là do quá trình triển khai quy hoạch quá chậm. “Do nhu cầu về nhà ở rất lớn nên một số hộ phải xây lén, không phép trên chính đất của mình. Theo quy định, phường phải xuống lập biên bản buộc ngừng thi công rồi xử phạt. Nhưng việc cưỡng chế tháo dỡ nhà đã hoàn thiện lại rất khó cho phường do quá tốn kinh phí” - ông Hải trao đổi thêm.
Ông Nguyễn Thanh Duy, quyền Đội trưởng Đội Trật tự Đô thị TP Bà Rịa, cũng cho rằng việc tháo dỡ ngay từ khi nhà không phép mới xây móng sẽ tránh được thiệt hại cho người dân và thuận lợi cho công tác xử lý, cưỡng chế sau này. Theo ông Duy, đầu năm 2013 đến nay cơ quan chức năng đã xử lý chín trường hợp xây dựng không phép, trái phép; kết hợp với UBND phường, xã tháo dỡ 22 trường hợp xây dựng trái quy hoạch và xây lấn chiếm đất công. “Đội trật tự đô thị cũng phân chia cán bộ phụ trách địa bàn, phối hợp với phường thiết lập đường dây nóng. Khi phát hiện xây không phép, người dân và khu phố trực tiếp gọi điện thoại lên báo là lực lượng chức năng xuống lập biên bản xử lý ngay” - ông Duy khẳng định.
Ngày 30-7, ông Ngô Văn Chiến, Chánh văn phòng UBND TP Bà Rịa, cho hay: TP đang rất cần một quy chế kiểm tra, xử lý chặt chẽ ngay từ đầu để kiểm soát tình trạng xây dựng không phép, nhất là các trường hợp lấn chiếm đất công. “UBND TP Bà Rịa dự kiến có tờ trình đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xem xét cho TP được cưỡng chế, tháo dỡ ngay lập tức những nhà xây không phép thuộc diện lấn chiếm đất công, thay vì phải thực hiện đúng quy trình, thủ tục như hiện nay” - ông Chiến cho hay.
Xã Bình Hưng tháo dỡ xong nhà không phép Ngày 1-8, UBND xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh cho biết đã tháo dỡ xong 15 căn nhà không phép xây dựng sau ngày 15-5. Hiện xã đang xem xét xử lý 10 căn do người dân sửa chữa sai phép. Cùng ngày, ông Phan Bửu Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, thông tin: Xã đã tháo dỡ thêm 11 căn nhà không phép trong ngày 1-8. Đặc biệt, có ba trường hợp xây không phép mới phát sinh tại ấp 2 và 2A, tổ công tác đã lập biên bản và tháo dỡ ngay trong ngày. Việt Hoa - Minh Quý |