“Mấu chốt nhất vẫn là chính sách nhà đất trong khu vực có quy hoạch phải không “vênh” so với khu vực không có quy hoạch thì mới chấm dứt được nỗi khổ vì quy hoạch treo của người dân bấy lâu nay”. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở QH-KT TP.HCM, cho biết.
Theo ông Toàn, quy hoạch là để đảm bảo phát triển bền vững và lâu dài. Sở QH-KT đang rà soát lại quy hoạch trên địa bàn TP, theo đó có thể xem xét xóa bỏ hoặc giảm bớt khu vực bị ảnh hưởng bởi quy hoạch nếu không khả thi. Tuy nhiên, tỉ lệ này sẽ không nhiều.
Tuyến đường Hoàng Đạo Thủy nằm trong khu quy hoạch treo của khu đô thị Nam TP lầy lội, ô nhiễm. (Ảnh chụp chiều 25-7) Ảnh: HTD
Đặt bút ký trình đồ quy hoạch mà xót!
. Phóng viên: Đã ba năm kể từ khi toàn TP phủ kín toàn bộ quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 nhưng nỗi khổ của người dân có đất trong quy hoạch vẫn còn kéo dài dai dẳng. Nguyên nhân nào, thưa ông?
+ Ông Nguyễn Thanh Toàn: Có ba nguyên nhân, thứ nhất là quy hoạch lập ra nhưng không xác định được nguồn lực để thực hiện. Thứ hai là chưa có chính sách hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư. Thứ ba là do chủ quan trong quá trình lập và phê duyệt quy hoạch dẫn đến tính dự báo chưa chính xác nên quy hoạch thiếu tính khả thi. Khâu khảo sát ban đầu không chặt chẽ, tài liệu khảo sát bị lạc hậu nên định hướng chưa sát khiến quy hoạch làm ra rồi “treo” đó.
. Có những khu vực quy hoạch mà thời gian “treo” đến 20 năm nhưng đến nay không có chuyển biến gì khiến cho người dân rất khổ sở. Ông lý giải như thế nào về tình trạng này?
+ Thực tế trên địa bàn TP có không ít khu vực có lập đồ án quy hoạch mang tính chất định hướng, lâu dài, mang yếu tố phát triển bền vững. Chẳng hạn như các khu đô thị mới Tây Bắc, Nam TP, những khu vực đất khu công nghiệp tập trung, nhà ga xe lửa Bình Triệu, một số tuyến đường sắt đô thị dự phóng, một số tuyến đường vành đai mang tính kết nối vùng… Những đồ án quy hoạch này không thể không làm, vấn đề là cách tổ chức thực hiện như thế nào để người dân sống trong các khu vực này không bị ảnh hưởng. Cái này thì phải nhìn lại chính sách nhà đất để người dân sống trong quy hoạch không bị thiệt thòi.
Mục tiêu của sản phẩm quy hoạch tạo ra điều kiện, môi trường, hạ tầng của người dân sống trong khu vực tốt hơn. Định hướng là vậy nhưng thực tế thì khi bị đưa vào quy hoạch, người dân chưa thấy tốt hơn thế nào nhưng trước mắt đã bị ảnh hưởng nặng nề rồi. Vấn đề không phải là do quy hoạch mà mấu chốt là cách tổ chức thực hiện quy hoạch, là các chính sách nhà đất không công bằng giữa những người sống trong và ngoài quy hoạch.
Phải thay đổi tư duy tổ chức thực hiện quy hoạch
. Ông nói rằng quy hoạch “treo” đa số là do không có nguồn lực thực hiện và quyền lợi người dân thì bị “treo” do chính sách nhà đất chưa công bằng. Vậy phải giải quyết được một trong hai yếu tố này thì mới giải quyết được vấn đề?
+ Hiện nay TP đã phủ kín toàn bộ quy hoạch phân khu, tính dự báo của các đồ án quy hoạch cũng không phải là sát hết. Vấn đề là do mình không xác định được nguồn lực thực hiện nên không thể trả lời cho dân bao giờ làm. Những khu quy hoạch, bên cạnh quyền lợi về nhà đất của người dân bị “treo” thì hạ tầng cũng xuống cấp trầm trọng nhưng địa phương không dám bỏ tiền ra đầu tư, nâng cấp, sợ khi làm xong rồi Nhà nước thực hiện quy hoạch thì sẽ lãng phí. Có lẽ phải thay đổi tư duy về việc tổ chức thực hiện quy hoạch thì mới giải quyết được vấn đề.
Liên quan đến chính sách nhà, đất trong khu vực quy hoạch, trước đây người dân trong quy hoạch được phép xây dựng có thời hạn theo Quyết định 27/2014 của UBND TP nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho dân. Tuy nhiên, khi Luật Xây dựng 2014 ra đời thì siết lại, cấm luôn. Do đó, cần phải điều chỉnh những văn bản luật để người dân sống trong quy hoạch được xây dựng, sửa chữa, thế chấp bình thường, thậm chí là cho chuyển mục đích, tách thửa. Lúc đó mới chấm dứt được tình trạng bức xúc vì quy hoạch “treo”.
. Xin cám ơn ông.