19/04/2012 6:31 AM
Nếu như đề án "Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020” được Quốc hội xem xét, thông qua, khung giá đất sẽ chính thức được loại bỏ. Điều đó đồng nghĩa, đất đai sẽ được trả lại sự "công bằng” vốn dĩ của nó theo cơ chế thị trường, vừa giúp ngân sách không bị thất thoát, vừa giúp nhân dân không bị thiệt thòi, giảm đáng kể khiếu kiện trong lĩnh vực luôn "nóng” trong thời gian qua.
Loại bỏ là cần thiết

Bộ Tài chính cho rằng, luật pháp Việt Nam quy định khung giá đất phải sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế, các mức giá đất trong khung giá được quy định trong thời gian qua thường lạc hậu rất nhanh so với giá trị thực tế, khiến ngân sách nhà nước thất thoát không nhỏ. Cụ thể, riêng năm 2011, thu ngân sách từ đất đai chiếm tới 11,2% tổng thu ngân sách nhà nước, tương đương 67.000 tỉ đồng nhưng so sánh với nguồn lực tài nguyên đất đai thực tế con số trên chưa hoàn toàn tương xứng. "Luôn có khoảng cách rất lớn giữa các loại đất đai đô thị, đô thị đặc biệt, đất nông nghiệp, theo từng vùng, từng địa phương. Chính điều đó, khiến việc áp giá trong khung giá đất suốt 20 năm qua không toàn diện, thậm chí bất hợp lý giữa một số loại đất do UBND cấp tỉnh quy định. Trong khi đó, sự điều tiết giá đất của Nhà nước bị hạn chế, tiền không chạy vào ngân sách nhà nước mà rơi thẳng vào túi các chủ đầu tư. Việc loại bỏ khung giá đất là cần thiết, để giúp ngân sách không bị thất thoát, vừa giúp nhân dân không bị thiệt thòi”, ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết.

Hiện nay, qua kiểm tra tại các địa phương, phần lớn các TP, UBND tỉnh vẫn áp dụng bảng giá đất được xây dựng trên cơ sở khung giá đất do Chính phủ ban hành để tính các nghĩa vụ tài chính, thuế, các khoản bồi thường, giải phóng mặt bằng... Tuy nhiên, đem so sánh với giá trị thực tế của đất đại, tại thời điểm áp giá, đều có sự chênh lệch rất lớn, chủ yếu chỉ bằng 30% đến 40% với giá thị trường. Đó là chưa kể, giá đất năm sau luôn cao hơn năm trước, tạo nên sự thiếu công bằng, gây "nóng” cho đất đai, bởi khiếu kiện, bởi những mâu thuẫn xã hội nảy sinh, nhất là đối với người dân mất đất cho dự án.

GS.TS Đặng Hùng Võ cho rằng, để khắc phục các tồn tại, bất cập từ đất đai, ngoài việc bãi bỏ khung giá đất, Bộ Tài chính cần phải xây dựng bảng giá đất chi tiết hơn theo vị trí, vùng, mục đích sử dụng đất và quan trọng nhất là luôn được điều chỉnh kịp thời khi thị trường nhà đất có biến động lớn. Trong trường hợp không điều chỉnh kịp bảng giá đất, UBND cấp tỉnh sẽ được quyền quyết định giá đất và cụ thể, căn cứ vào giá trị thực tế đất đai từ thị trường. Ngoài ra, cũng cần có quy định buộc người chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải khai báo giá chuyển nhượng, phân loại đất đai theo khả năng sinh lợi, rà soát các chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo hướng hạn chế các đối tượng được miễn, giảm...

"Mối lo lớn nhất hiện nay là nếu bỏ khung giá đất, nếu không làm tốt các việc nêu trên sẽ dẫn đến tình trạng giá đất tăng, giảm tùy tiện, sự vận dụng giữa các địa phương không đồng nhất, tạo ra sự chênh lệch giữa các vùng giáp ranh. Bỏ khung giá, được và mất, hiệu ứng tích cực hay không tích cực, phụ thuộc hoàn toàn vào việc xây dựng các mối quan hệ pháp lý, vốn còn khá nhiều kẽ hở trong thời buổi thị trường hiện nay”, GS. TS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Doanh nghiệp "tất nhiên” không thích

Đó là chuyện tất nhiên, khi việc bỏ khung giá đất sẽ đánh thẳng vào những khoản lợi nhuận khi chủ đầu tư tham gia vào lĩnh vực nhà đất. Một doanh nghiệp bất động sản Hà Nội cho biết, nếu Quốc hội thông qua đề án của Bộ Tài chính, trao quyền cho các địa phương tự xây dựng bảng giá đất theo với giá thị trường, chắc chắn giá đất sẽ được xây dựng cao lên, gây khó khăn cho doanh nghiệp tham gia dự án, đi ngược với chủ trương kéo giá bất động sản về giá trị thực. Doanh nghiệp hiện nay đã khó khăn về tài chính, về giá cả leo thang, thị trường nhà đất sụt giảm, nếu tiếp tục phải tăng chi phí (trả thêm cho những khoản tăng giá đất), sẽ rất khó để đầu tư hoặc nếu đầu tư cũng chỉ cầm chừng. "Chỉ cách nhau ít thước, giá đất đã khác nhau. Nếu định giá theo thị trường, doanh nghiệp đầu tư cũng mạo hiểm như việc chơi xổ số. Riêng tâm lý ấy cũng đã khiến doanh nghiệp khó khăn trong sự chọn lựa của mình”, ông Nguyễn Minh Tú, Giám đốc Công ty bất động sản Minh Phát cho biết.

Câu chuyện kinh doanh luôn có đích đến là lợi nhuận. Khi lợi nhuận bị ảnh hưởng, doanh nghiệp luôn "kêu cứu”. Nói như GS.TS Đặng Hùng Võ, việc bỏ khung đất chỉ có lợi, ít có hại. Chủ chương, đứng ở góc độ quản lý, rõ ràng sẽ dần xóa bớt những doanh nghiệp bất động sản "ăn bám”, lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để "ký sinh”. Lợi thì nên được thông qua càng sớm càng tốt.
Theo Đại đoàn kết
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.