Nhưng cho đến nay không giải pháp nào đạt được hiệu quả mà bây giờ còn phát sinh thêm một vấn đề nữa, đó là vấn nạn quy hoạch nhà cao tầng. Đề xuất không bán nhà chung cư cho người ngoại tỉnh đang làm nóng dư luận.
Xây chưng cư tùy tiện
Hiện tại, dân số Thủ đô đang xấp xỉ 7 triệu người với 6 triệu phương tiện cá nhân các loại, dự kiến chỉ hai năm nữa thôi thì số lượng phương tiện cá nhân sẽ đạt mức hơn 7 triệu! Đây là một con số đáng lo ngại chứng tỏ thực trạng quản lý phương tiện giao thông cá nhân của chúng ta còn quá kém, bừa bãi.
Và khi đường phố Hà Nội ngày càng tắc, tắc mọi lúc mọi nơi thì các chuyên gia cùng các cơ quan liên quan lại đổ lỗi cho... xe máy! Rồi sau đó, lỗi tắc đường được đổ cho sự gia tăng chóng mặt của ôtô cá nhân.
Nhưng cái lỗi to nhất chính là lỗi quy hoạch. Cũng như cách quản lý phương tiện giao thông cá nhân, quy hoạch của chúng ta cũng bừa phứa, vô tổ chức, chắp vá và để chỉnh trang lại thì có lẽ đã muộn.
Trong số những "lỗi" quy hoạch của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng có việc cấp phép xây dựng các chung cư, toà nhà cao tầng bừa bãi.
Quy hoạch chồng chéo chính là một trong những lý do gây tắc đường ở Việt Nam.
Rất dễ để nhận thấy hàng ngày có một loạt khu chung cư được xây dựng trên địa bàn Thủ đô, từ những quận nội đô rồi toả dần ra các quận ngoại thành. Bộ mặt của thành phố trông ngày càng hiện đại hơn với hàng nghìn toà nhà "chọc trời" cao ngất nghểu, hiện đại.
Tất nhiên, đây là xu hướng của một thành phố hiện đại và xây dựng nhà cao tầng còn mang một mục đích khác đó là phục vụ nhu cầu nhà ở của người dân khi không có khả năng mua nhà mặt đất hoặc quỹ nhà mặt đất đã còn rất ít.
Tuy nhiên, việc xây dựng chung cư ở Hà Nội không tuân thủ theo quy định đã đặt ra. Quyết định số 26/2004/QĐ-BXD ngày 2 - 11 - 2004 về việc ban hành Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam (TCXDVN 323:2004) về Nhà ở cao tầng - Tiêu chuẩn thiết kế thì: "Chỉ xây dựng nhà ở cao tầng xen cấy trong các khu đô thị cũ khi đảm bảo có đủ nguồn cung cấp dịch vụ hạ tầng cho công trình như điện, cấp thoát nước, giao thông và đảm bảo việc đấu nối với kết cấu hạ tầng của khu đô thị" và "Mật độ xây dựng như quy định ở trên có tính đến diện tích xây dựng của các công trình khác trong khu đô thị như nhà ở thấp tầng, công trình phục vụ công cộng...".
Như vậy, nếu tính ở các quận nội đô thì các toà nhà chung cư đều không đáp ứng được các yêu cầu như đảm bảo yêu cầu về dịch vụ hạ tầng, hệ thống giao thông... Và đây chính là lý do gây tắc đường ở Thủ đô. Nếu như một con đường chỉ được xây dựng phục vụ 10.000 người thì nay phải cõng thêm gấp đôi con số đó vì mấy toà nhà chung cư được xây dựng hai bên đường.
Có thể lấy một ví dụ là đường Lê Văn Lương, dọc hai bên đường này là hàng chục toà nhà cao tầng khác nhau, cứ giờ tan tầm là hàng trăm nghìn con người chen chúc ở con đường này, đường không được mở rộng, nâng cấp mà cứ thế nhà chồng nhà hàng ngày mọc lên.
Rồi như đường Nguyễn Tuân, hàng chục dự án nhà cao tầng cũng đang trong quá trình xây dựng, một số trong đó đang tạm dừng nhưng hàng ngày xe tải, xe ben ra vào thi công là cày nát mặt đường, gây mất vệ sinh và an toàn.
Tìm giải pháp căn cơ
Và bây giờ, khi chính các chung cư đang quá tải thì lại có đề xuất không bán chung cư cho người ngoại tỉnh, chỉ bán cho người có hộ khẩu thường trú tại quận, xã, phường có dự án...
Đây là đề xuất của Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, ông Trần Ngọc Hùng tại Hội thảo Quản lý phát triển công trình cao tầng khu vực nội đô lịch sử mở rộng diễn ra vào ngày 25-10 vừa qua.
Hàng năm theo ước tính có gần 200.000 người ngoại tỉnh "di cư" vào Thủ đô, tình trạng quá tải là đương nhiên nhưng làm sao cấm được họ không mua nhà? Liệu đề xuất này có gây bức xúc trong dư luận hay không?
Mấu chốt của vấn đề là việc quản lý nhân khẩu của cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, hiện tại có bao nhiêu người sống ở Thủ đô mà không có đăng ký? Con số này hiện chưa thống kê được.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, nhà ở cao tầng là giải pháp hữu hiệu, giải quyết nhu cầu cho nhiều người dân, tuy nhiên sự bùng nổ về số lượng nhà cao tầng ở Hà Nội trong vòng 20 năm qua thực sự đáng lo ngại bởi vẫn còn tồn tại nhiều bất cập trong việc xây dựng và quản lý.
Thực tế cho thấy, việc xây dựng và quản lý nhà cao tầng ở Hà Nội còn quá nhiều bất cập như việc đảm bảo vệ sinh, đảm bảo an toàn trong khi xây dựng thực sự không có, rồi công tác PCCC tại các toà nhà này chưa được tuân thủ đúng theo quy định gây nhiều sự việc đáng tiếc.
Thêm vào đó là việc cấp phép xây dựng nhà cao tầng ở những nơi đặc biệt mang ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hoá của Thủ đô cũng được làm bừa bãi! Và hệ lụy mà tất cả những điều trên mang lại đó là: tắc đường, quá tải trường học, bệnh viện, thiếu an toàn của người dân.
Giải pháp cho vấn nạn tắc đường được đưa ra rất nhiều, nhưng quan trọng là bên cạnh những giải pháp mang tính nhất thời, cấp bách thì cần phải có giải pháp căn cơ, lâu dài như: Phải giảm được tình trạng người ngoại tỉnh dồn về Thủ đô; di chuyển các cơ quan nghiên cứu, trường Đại học, cơ sở công nghiệp ra vùng ngoại thành; hạn chế xây nhà chung cư cao tầng trong nội đô; mở rộng và phát triển mạng lưới xe buýt, và mở các tuyến xe điện ra vùng ngoại thành…
Và một biện pháp cực kỳ quan trọng đó là: Phải tăng cường vận động, giáo dục và tuyên truyền cho người dân tập thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng.