Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Xây dựng vận động cho việc thành lập Ngân hàng tiến kiệm nhà ở. Bắt đầu từ năm 2010, Bộ Xây dựng đã bắt đầu "dọn đường" và thăm dò ý kiến dư luận cho việc này.
Năm 2012, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ phương án thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở thí điểm tại TP. Hà Nội và TP.HCM.
Mới đây nhất, Bộ Xây dựng cũng đưa Ngân hàng tiến kiệm nhà ở vào trong Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao Bộ Xây dựng lại sốt sắng với mô hình Ngân hàng tiến kiệm nhà ở trong khi đó các Quỹ tiết kiệm nhà ở (một mô hình tương đồng với Quỹ tiết kiệm nhà ở) lại đang hoạt động phập phù? Tại sao phải thành lập Ngân hàng tiến kiệm nhà ở trong khi đã có Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB)?
Nhiều chính sách tín dụng bất động sản của Bộ Xây dựng đang xa rời thực tế.
Dù Bộ Xây dựng đã nói rất nhiều lần rằng các mô hình có liên quan đến Quỹ tiết kiệm nhà ở hay Ngân hàng tiết kiệm nhà ở là để phục vụ nhu cầu nhà ở thiết yếu cho hơn 8 triệu người lao động hưởng lương.
Nhưng, có một thực tế không thể phủ nhận là các chính sách của Bộ Xây dựng liên quan đến Quỹ tiết kiệm nhà ở vẫn chưa đi vào cuộc sống do nhiều bất cập và xa thực tế.
Hàng triệu cán bộ, người lao động hy vọng bao nhiêu thì lại vỡ mộng bấy nhiêu. Quỹ tiết kiệm nhà ở với hình thức tự nguyện đóng góp của người tham gia với tỷ lệ 1% tiền lương. Tuy nhiên, giá trị 1% tiền lương góp vào quỹ lại quá thấp so với tình hình giá nhà thực tế vốn rất cao từ nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, trước yếu tố lãi suất, tính khả thi của quỹ giảm đi đáng kể: lãi suất huy động của ngân hàng thương mại thường ở mức 14%/năm, lãi suất của quỹ chỉ ở mức 3 – 5%/năm.
Chưa hết, nhiều chuyên gia cũng như chính đối tượng tham gia đóng góp vào quỹ luôn hồ nghi về tính minh bạch và rõ ràng trong quá trình hoạt động và điều hành quỹ. Thay vì được thiết lập theo quy mô địa phương, quỹ lại tồn tại ở quy mô Quốc gia, nên khả năng giải ngân, hỗ trợ đúng lúc, đúng chỗ cho người có nhu cầu hợp pháp gần như là không thể.
Hay như gói vay nằm trong gói 30.000 tỷ đồng của Chính phủ hỗ trợ hỗ trợ mua nhà thu nhập thấp. Nhưng để được mua nhà mỗi cán bộ, người lao động phải thu nhập trên 20 triệu mới khả thi cho phương án này.
Cụ thể, viên chức được vay tối đa 80% giá trị nhà, với lãi suất 6%, trong 10 năm. Như vậy mua 1 căn nhà thu nhập thấp giá 1 tỷ đồng, người mua phải có 200 triệu và vay 800 triệu, họ phải dành khoảng 11 triệu đồng cho tiền lãi ngân hàng hàng tháng.
Trong khi đó, "quỹ lương" eo hẹp của họ còn phải gánh thêm tiền ăn uống, học hành, sữa cho con, ma chay, hiếu hỉ, bệnh tật hoặc rủi ro từ công việc,…Vì vậy, Xây dựng thêm Ngân hàng tiết kiệm nhà ở, về bản chất, chỉ là sự "nâng cấp" của Quỹ tiết kiệm nhà ở. Và như vậy, Ngân hàng tiết kiệm nhà ở, nhiều khả năng sẽ đi theo vết xe đổ của Quỹ tiết kiệm nhà ở.
Không biết trong quá trình xây dựng mô hình tín dụng tiết kiệm nhà ở thì Bộ Xây dựng có nhìn nhận và rút kinh nghiệm sâu sắc từ những ý tưởng đã và đang "chết lâm sàng" như trong thời gian qua hay không. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, hơn 8 triệu người lao động đang thất vọng với nhiều cơ chế chính sách xa rời cuộc sống của Bộ Xây dưng.