11/09/2012 10:42 PM
Dự án khu đô thị mới Nam TPHCM đang khiến hàng ngàn hộ dân thuộc diện thu hồi đất phải sống trong cảnh khó khăn
Diện tích hai xã An Phú Tây và Bình Hưng của huyện Bình Chánh - TPHCM hiện gần như nằm lọt trong quy hoạch 2.900 ha của khu đô thị mới Nam TP. Trên địa bàn 2 xã này, ngoài một số dự án triển khai chậm thì các dự án nằm trong các khu chức năng B, D, E lại giậm chân tại chỗ. Dự án “treo” đang làm hàng ngàn hộ dân thuộc diện thu hồi đất phải sống trong cảnh khó khăn.

Nhà mục nát nhưng không thể xây

Nhà ông Năm Chòi (Nguyễn Văn Chòi, ngụ 14c/1, ấp 3, xã An Phú Tây) nằm trong một con hẻm đất dẫn từ đại lộ Nguyễn Văn Linh vào chừng 50 m. Căn nhà này nhiều thế hệ gia đình ông Năm Chòi sinh sống đã gần 100 năm và nay “sống chung” với dự án khu E (Trung tâm Lưu thông hàng hóa 1, thuộc ấp 3, xã An Phú Tây, quy mô hơn 77 ha, với gần 700 hộ dân), bị “treo” hơn 16 năm qua.
Căn nhà của gia đình ông Đỗ Thái Hay xuống cấp nghiêm trọng, đất thì bỏ không nhưng không dám sửa chữa

Tiếp chúng tôi trước khoảnh sân của căn nhà chính có mái và vách bằng tôn mục nát đóng chặt cửa, bà Phan Thị Đáng, vợ ông Năm Chòi, nói: “Anh chị thông cảm, nhà lợp tôn nóng lắm, lại xập xệ nên lâu rồi không tiếp ai trong này!”. Chỉ 2 căn nhà lợp tôn, mái lá ẩm thấp cạnh bên, bà Đáng giới thiệu là nhà của người con trai thứ ba và người con trai út mới lập gia đình làm tạm để có chỗ ở. “Nhà này ba tôi để lại có tuổi cả trăm năm, đụng vào muốn sập nhưng nằm trong dự án nên có dám sửa sang gì đâu. 16 năm nay chúng tôi cứ dựng tạm cái nhà này, sửa cái phòng kia để có chỗ con cái ra riêng. Không biết đến lúc nhắm mắt có xây được cái nhà mới không?” - bà Đáng thở dài.

Vợ chồng bà có 10 người con, 5 người đã ra riêng thuê nhà làm ăn, 5 người còn lại và 10 đứa cháu cùng với vợ chồng bà phải sống chen chúc trong 3 “căn nhà” nhưng cũng không phải là nhà. Tài sản quý giá nhất của vợ chồng bà Đáng là 500 m2 đất nhưng từ năm 1996 (thời điểm TP công bố quyết định thu hồi đất) đến nay do nằm trong diện quy hoạch, bị thu hồi đất để triển khai dự án, vợ chồng bà Đáng không thể hợp thức hóa, làm chủ quyền, đầu tư khai thác, kể cả chia cho con cái để làm vốn về sau. Chị Nguyễn Thị Kim Hoàng, con dâu thứ 6 của bà Đáng, sống chung tại đây bức xúc: “Tôi về làm dâu được 16 năm tròn. Ngay khi cưới, chồng tôi đã nghe đến 2 từ dự án. Con gái tôi nay đã 15 tuổi nhưng dự án vẫn cứ… “treo”. Nếu chính quyền không làm hãy xóa dự án để chúng tôi thoát khổ và ít nhất là xây căn nhà để ở”.

Chỉ nghe cán bộ… hứa

Cũng nằm trong “vòng kim cô” của dự án khu E, ông Đỗ Thái Hay (ngụ 29c/1, tổ 1, ấp 3) năm nay đã 73 tuổi chỉ ao ước một điều được cầm “sổ đỏ” trong tay, bởi 1.000 m2 đất và căn nhà vợ chồng ông ở từ đời ông bà đến nay chưa được hợp thức hóa. Ông Hay nói: “Nhìn đất, nhìn nhà thì biết của mình nhưng quyền sử dụng thì chưa chắc vì có tấm giấy lận lưng nào đâu”. Theo ông Hay, trước năm 1975, nhà ông có bằng khoán nhưng sau đó thất lạc, hiện xã chỉ quản lý theo tên chủ đất của sổ bộ cũ. Năm 1996, ông Hay lên xã An Phú Tây hỏi xin làm “sổ đỏ”, cán bộ địa chính trả lời là nhà nằm trong dự án nên không cho hợp thức hóa.
Đã vậy, nhà dột tứ tung, muốn sửa cũng không dám bởi “nằm trong diện thu hồi đất, có sửa Nhà nước cũng không đền bù”. Nhiều lần cán bộ huyện xuống khu vực dự án đo đạc, kiểm kê nhà đất đã động viên: “Bà con yên tâm, trước sau gì cũng phải triển khai dự án”. “Gần đây nhất vào cuối năm 2011, cán bộ huyện tuyên bố chắc nịch tháng 6-2012 sẽ bồi thường cho dân, vậy mà đến nay có thấy động tĩnh gì đâu!” - ông Hay lắc đầu.

Trường hợp của hộ ông Chòi và ông Hay chỉ là điển hình của gần 700 hộ dân thuộc ấp 3, xã An Phú Tây nằm trong quy hoạch của khu Nam TP và bị thu hồi đất để thực hiện dự án khu E với quy mô hơn 77 ha.

Không thể khoanh tay ngồi nhìn cảnh những đứa cháu phải xăn quần quá gối khi vào nhà, bà Hồ Thị Út (ngụ 102 c, tổ 4, ấp 3) phải mượn tiền nâng nền nhà. Từ năm 2000 đến nay, bà Út đã 3 lần nâng nền nhà để ngăn triều cường tràn vào vậy mà bà vẫn còn lo: “Không biết năm nay nước có vào nhà không?”. Nhà bà Út nằm trong dự án khu D (Trung tâm Lưu thông hàng hóa 2, có quy mô hơn 19 ha) cũng đã “treo”16 năm. Bà Út cho biết từ khi làm đường Nguyễn Văn Linh, nhà dân bên trong thấp hẳn trong khi khu vực dự án lại không được xã đầu tư cải tạo hạ tầng, vì vậy những hộ như bà đành ngậm ngùi “sống chung với ngập”.
Tràn lan nhà trái phép

Dự án khu B (nằm tại ấp 4, xã Bình Hưng) có quy mô gần 118 ha được thu hồi vào tháng 11-1996 để xây làng đại học. Theo thống kê của UBND huyện Bình Chánh, thời điểm thu hồi đất khu vực bị ảnh hưởng dự án chỉ có chưa tới 100 hộ dân nhưng hiện nay sau 16 năm dự án “đóng băng”, số hộ dân đã lên đến hơn 2.000 hộ với gần 10.000 người, trong đó chỉ có 8,5% là dân thường trú (110 hộ). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do địa phương không quản lý được, để tình trạng xây trái phép diễn ra tràn lan. Thêm vào đó do dự án “treo” quá lâu làm người dân “lờn thuốc” nên xây dựng một cách bất chấp.
Ghi nhận thực tế cho thấy rất nhiều hộ dân tìm đến khu vực dự án “treo” này mua đất xây nhà vì giá rẻ, vị trí thuận lợi (nằm cạnh quận 8, sát cầu Nguyễn Tri Phương nối dài) và khi xây nhà có cách “lách” để nhà không bị… đập!
Theo Quý Hiền (Người Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.