Theo Dự luật này thì kiến trúc trong đô thị phải đảm bảo được 07 yêu cầu sau đây:
Một là, không gian, kiến trúc, cảnh quan phải được thiết kế gắn kết với cảnh quan hiện hữu, mang yếu tố bản sắc văn hóa, đặc thù địa phương và yêu cầu quốc phòng, an ninh.
Hai là, không xâm hại cảnh quanh thiên nhiên; cảnh quan các di tích, di sản; duy trì, bảo vệ, tôn tạo thường xuyên hệ thống cây xanh, mặt nước.
Ba là, kiến trúc công trình công cộng đảm bảo người khuyết tật dễ dàng tiếp cận sử dụng; đảm bảo bình đẳng giới.
Bốn là, công trình tiện ích trên đường phố phải được thiết kế đảm bảo yêu cầu thẩm mỹ, yêu cầu về công năng sử dụng, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện giao thông.
Năm là, hệ thống biển báo, biển quảng cáo, chiếu sáng phải được thiết kế đồng bộ, phù hợp kiến trúc chung khu đô thị.
Sáu là, công trình kiến trúc phục vụ cho giao thông phải được thiết kế đồng bộ bảo đảm yêu cầu sử dụng, thẩm mỹ và tính chất của đô thị.
Bảy là, việc xây dựng, cải tạo, chỉnh trang công trình kiến trúc tại các khu vực cảnh quan đã được chính quyền xác định quản lý cần hạn chế tối đa việc làm thay đổi địa hình và bảo đảm sự phát triển bền vững của môi trường tự nhiên.
Riêng đối với công trình kiến trúc ở đô thị mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa quốc gia hoặc của địa phương, công trình tôn giáo, tín ngưỡng, tượng đài danh nhân, những biểu tượng văn hóa của đô thị được quy định trong Quy chế quản lý kiến trúc đô thị.
Công trình điêu khắc, tượng đài, phù điêu, đài phun nước, tiểu cảnh trong vườn hoa, trang trí đô thị cần được thiết kế trên cơ sở xem xét các yếu tố về cảnh quan, đáp ứng yêu cầu sử dụng và thẩm mỹ nơi công cộng.
Đồng thời việc xây dựng mới, sửa chữa, phá dỡ các công trình, hệ thống kỹ thuật hạ tầng không phá vỡ cảnh quan kiến trúc khu vực.