27/09/2018 8:24 AM
CafeLand - Một trong những điểm đáng chú ý trong quy chế nội bộ về hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) đang trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua là tổ chức này có thể được phép “hỗ trợ” tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém, bị kiểm soát đặc biệt.

Theo quy chế nội bộ đang trình NHNN thông qua, DIV có thể sẽ được phép cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt, mua trái phiếu dài hạn của tổ chức hỗ trợ các tổ chức yếu kém trên.

Theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành từ trung tuần tháng 1/2018, những quy định cụ thể tạo hành lang pháp lý, nâng cao vai trò, vị thế của DIV cũng đã được bổ sung khi tham gia vào quá trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém với nhiệm vụ trước mắt tập trung đối với Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô.

Cụ thể, tổ chức này sẽ tham gia quá trình kiểm soát đặc biệt; tham gia đánh giá, thực hiện các phương án phục hồi TCTD yếu kém; thực hiện cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt; mua trái phiếu dài hạn của TCTD được kiểm soát đặc biệt; tham gia quản lý, thanh lý tài sản tại TCTD theo quy định của pháp luật.

Nhiều người cho rằng nhiệm vụ của bảo hiểm tiền gửi đơn thuần là quản lý tiền bảo hiểm của các khoản tiền gửi và chi trả theo luật định. Vậy, bảo hiểm tiền gửi dùng tiền bảo hiểm để tham gia tái cấu trúc ngân hàng yếu kém có nên hay không? Việc tham gia tái cấu trúc TCTD này nên ở mức độ nào? Để trả lời câu hỏi trên, CafeLand đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng – người có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn tài chính tại Mỹ và Việt Nam.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính, ngân hàng

CafeLand: Xin ông cho biết việc bảo hiểm tiền gửi tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, bị kiểm soát đặc biệt là nên hay không nên?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Bảo hiểm tiền gửi tham gia tái cơ cấu các TCTD yếu kém là nhiệm vụ muôn đời. Tuy nhiên, “tham gia tái cơ cấu” ở đây được hiểu là nhiệm vụ thanh tra, giám sát các TCTD. Nó cũng giống như FDIC (cơ quan bảo hiểm tiền gửi ở Mỹ) có bổn phận giám sát các ngân hàng để đảm bảo ngân hàng làm ăn lành mạnh. Bởi cuối cùng, ngân hàng yếu kém, phá sản thì họ phải là nơi trả tiền cho người gửi tiền tại ngân hàng đó.

Tuy nhiên, hiện nay DIV của Việt Nam chưa làm được điều này. Nó giống như một chức năng chỉ ở trên giấy tờ, NHNN cũng không để DIV thực hiện chức năng này của mình.

Việc DIV tham gia thanh tra, giám sát ngân hàng cần có sự phối hợp với cơ quan thanh tra, giám sát của NHNN, nhưng phải có sự độc lập. Còn nếu thanh tra giám sát của NHNN và DIV cùng dưới “một trướng” thì việc thanh tra giám sát của DIV cũng không có ý nghĩa. Cùng với đó, sau khi thanh tra, thấy ngân hàng yếu kém cần yêu cầu tổ chức đó chỉnh đốn. Nếu không chỉnh đốn được, DIV cần đưa ra những biện pháp để xử lý và biện pháp cuối cùng là đóng cửa ngân hàng.

Còn về việc DIV tham gia tái cấu trúc TCTD yếu kém, bị kiểm soát đặc biệt bằng cho vay đặc biệt hoặc mua trái phiếu dài hạn thì sao, thưa ông?

Câu trả lời của tôi là không thể. Bởi nếu DIV đứng ra tái cơ cấu rồi lại cho vay thì họ sẽ tham gia với 3 “mũ”. Một là cơ quan bảo hiểm tiền gửi, hai là cơ quan thanh tra giám sát và ba là người cho vay. Ba mũ này sẽ chồng chèo nghĩa vụ, xung đột lợi ích với nhau, giữa bên “chủ nợ” cho vay cần thu hồi tài sản với vai trò thanh tra, giám sát cần yêu cầu đóng cửa hay phá sản ngân hàng khi cần thiết.

DIV có thể tham gia hỗ trợ ngân hàng yếu kém bằng cách là trung gian cho vay, nhưng không thể lấy tiền của DIV để cho vay. Nếu DIV lấy tiền bảo hiểm để cho vay khác nào “tự lấy đá ghè vào chân mình”?

Thứ nữa, cần phải tính đến nhiệm vụ quan trọng hơn cả của DIV là bảo hiểm tiền gửi của khách hàng. Vì thế, tiền trong tổ chức này phải được đầu tư với mức độ an toàn cao nhất và chỉ có thể là đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Còn việc cho vay bất cứ thành phần kinh tế, doanh nghiệp hay tổ chức nào khác đều không được. DIV luôn phải sẵn sàng tiền hoặc tài sản có tính thanh khoản cao để bồi thường hay cứu các TCTD. Nếu dùng tiền này đầu tư vào trái phiếu hay cho vay các TCTD yếu kèm thì khi cần tiền nhưng lại mắc kẹt tài sản ở đó thì sẽ giải quyết ra sao?

Được biết, theo mô hình mạng an toàn tài chính quốc gia, bốn trụ cột tạo thế ổn định tài chính gồm: Bộ tài chính, tổ chức bảo hiểm tiền gửi, ngân hàng trung ương, và tổ chức giám sát khác. Vậy xin ông cho biết, theo thông lệ quốc tế cơ quan bảo hiểm tiền gửi có nên trực thuộc ngân hàng trung ương không?

Theo tôi biết, bảo hiểm tiền gửi cần độc lập với NHNN và vai trò quan trọng nhất của nó là bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền. Trong khi đó, NHNN lại là nhà đầu tư tại các ngân hàng thương mại, cộng với làm chủ của 3 ngân hàng 0 đồng. Như vậy sẽ không thể tách bạch được trách nhiệm và quyền lợi nếu như bảo hiểm tiền gửi nằm trong NHNN.

Để giải quyết mâu thuẫn trên, nhất thiết DIV phải độc lập với NHNN từ vốn đến phương pháp hoạt động, cho tới việc cùng NHNN giám sát, thanh tra hệ thống ngân hàng thương mại.

Xin cảm ơn ông!

DIV là tổ chức tài chính do NHNN sở hữu 100% vốn điều lệ. DIV hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi, đảm bảo an toàn vốn và tự bù đắp chi phí, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tín dụng, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
  • Giải mã cơn sốt tỷ giá

    Giải mã cơn sốt tỷ giá

    CafeLand - Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, dưới rất nhiều sức ép lên tiền đồng như hiện nay, cùng với hiện tượng tỷ giá USD tự do tăng nóng, rất có thể đang có hiện tượng găm giữ ngoại tệ của các nhà đầu cơ.

Nguyễn Thoan
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.