Đây là một trong những nội dung được đề cập trong Chương trình Phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020 (Chương trình PTĐTQG) vừa được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ Xây dựng nhận định: Chương trình sẽ là cơ sở để xây dựng kế hoạch cụ thể của các bộ, ngành, địa phương, đồng thời kiểm soát việc phát triển hệ thống đô thị toàn quốc, nâng cao chất lượng đô thị, tăng cường sức cạnh tranh đô thị trong khu vực và quốc tế, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kiến trúc cảnh quan phù hợp, đồng bộ hiện đại, tạo môi trường đô thị sống tốt.

Việt Nam đạt tỷ lệ đô thị hóa đạt 45% vào năm 2020

Theo dự thảo, mục tiêu Chương trình đề ra là đến năm 2015, tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt 38%; hệ thống đô thị khoảng 870 đô thị; diện tích sàn nhà ở đô thị bình quân đạt 26 m2/người; tỷ lệ nhà kiên cố đạt 65%; tỷ lệ đất giao thông so với diện tích đất xây dựng đô thị tại đô thị loại đặc biệt, I và loại II đạt từ 15 - 20%; đô thị từ loại III đến loại V đạt từ 15% trở lên; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đáp ứng nhu cầu đi tại đô thị đặc biệt và loại I đạt từ 15 - 20%; đô thị loại II và III đạt từ 6 - 10%; đô thị loại IV và V đạt từ 1 - 3%...

Đến năm 2020, các chỉ số tương tự sẽ là tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 45%, hệ thống đô thị khoảng 940 đô thị; diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 29 m2/người; tỷ lệ nhà kiên cố đạt 75%.; tỷ lệ đất giao thông so với diện tích đất xây dựng đô thị tại đô thị loại đặc biệt, I và loại II đạt từ 20 - 25% trở lên; đô thị từ loại III đến loại V đạt từ 20% trở lên. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đáp ứng nhu cầu tại đô thị đặc biệt và loại I đạt từ 20 - 30%; đô thị loại II và III đạt từ 10 - 15%; đô thị loại IV và V đạt từ 2 - 5%...

Chương trình cũng đề cập mục tiêu cho các lĩnh vực khác như cấp nước sạch, tiêu chuẩn cấp nước, tỷ lệ nước thải sinh hoạt, chất thải rắn sinh hoạt và chất thải KCN được thu gom và xử lý, chiếu sáng đường phố, cây xanh đô thị…

Phát triển đa dạng các loại hình nhà ở

Dự thảo Chương trình cũng đề ra một số nhiệm vụ. Trước tiên là yêu cầu các địa phương xây dựng Chương trình phát triển đô thị, lồng ghép phối hợp với các chương trình, kế hoạch khác trên địa bàn đảm bảo phát triển đô thị bền vững. Nhiệm vụ thứ hai, phát triển đa dạng các loại nhà ở có diện tích và mức độ tiện nghi đáp ứng nhu cầu của thị trường và điều kiện thu nhập của các tầng lớp dân cư, từng bước giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người lao động tại các KCN và học sinh sinh viên. Chính phủ khuyến khích phát triển nhà chung cư tại các đô thị lớn và các loại nhà ở phù hợp với phong tục tập quán, điều kiện của đô thị tại các vùng miền và tạo điều kiện thuận lợi các thành phần kinh tế, các tổ chức tham gia đầu tư xây dựng nhà ở, có chính sách ưu đãi cho DN đầu tư xây dựng nhà ở tại các KCN...

Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình Phát triển đô thị quốc gia do Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm trưởng Ban Chỉ đạo, một Thứ trưởng Bộ Xây dựng là Phó Trưởng Ban, các thành viên gồm đại diện lãnh đạo các Bộ KH&ĐT, TC, KH&CN, TN&MT, NV, NN&PTNT. Chương trình phân công rõ trách nhiệm của Ban chỉ đạo cũng như các bộ, ngành và chính quyền các địa phương

Về cải tạo chỉnh trang và nâng cấp đô thị, yêu cầu các địa phương triển khai tổ chức lập và thực hiện các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đối với các khu vực đô thị hiện hữu; bảo tồn tôn tạo các khu vực di sản đô thị; xây dựng cải tạo, tái phát triển và nâng cao chất lượng các khu vực đô thị cũ đồng thời thực hiện di dời các cơ sở công nghiệp, công sở, trường học, bệnh viện trong nội thị theo lộ trình, đảm bảo không tăng quy mô dân số (đối với Hà Nội và TP.HCM); ưu tiên phát triển các không gian phục vụ công cộng đô thị tại các khu vực này.

Kiểm soát, hạn chế xe máy và xe ô tô cá nhân tại Hà Nội và TP.HCM

Về phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, Chương trình chú trọng phát triển mạng lưới khung giao thông quốc gia kết nối hệ thống đô thị trung tâm các cấp và các khu vực là động lực tăng trưởng cấp quốc gia. Phát triển mạng lưới đường chính đô thị kết nối với khung giao thông cấp vùng và quốc gia. Đối với các đô thị loại đặc biệt, loại I, hình thành các tuyến đường trên cao và tuyến vận tải công cộng lớn như xe buýt nhanh, đường sắt đô thị, tàu điện ngầm...; nghiên cứu phát triển bãi đỗ xe ngầm gắn với các không gian công viên, quảng trường, các công trình hoặc tổ hợp công trình lớn đáp ứng yêu cầu phát triển. Các đô thị vùng ĐBSCL, phát huy lợi thế của hệ thống sông, kênh, rạch trong việc khai thác các tuyến giao thông thủy nội vùng và liên vùng. Riêng Hà Nội và TP.HCM sẽ kiểm soát, hạn chế phát triển của xe máy và ôtô cá nhân. Ở các đô thị nói chung, khuyến khích các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường cũng như sử dụng khoa học công nghệ và các trang thiết bị hiện đại trong quản lý, tổ chức giao thông…

Khuyến khích đầu tư

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Chương trình đề ra một số giải pháp. Trước nhất là hoàn thiện thể chế về quản lý phát triển đô thị, từ công tác nghiên cứu cơ bản đến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch các cấp; xây dựng mô hình chính quyền đô thị đảm bảo hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý phát triển đô thị bền vững; hình thành Quỹ đầu tư phát triển đô thị, xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư phát triển đô thị.

Giải pháp thứ hai là nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực Giải pháp thứ ba là xây dựng chính sách khuyến khích sử dụng các vật liệu xây dựng mới tiên tiến, thân thiện môi trường; công nghệ mới trong xây dựng nhà ở đảm bảo chất lượng tốt, giá thành hạ cho người thu nhập thấp; nghiên cứu phát triển đô thị xanh; xây dựng hệ thống thông tin về phát triển đô thị (có ứng dụng GIS) phục vụ quản lý nhà nước; nghiên cứu phát triển các không gian công cộng đô thị ngầm.

Chương trình cũng đề cập đến cơ chế tài chính. Theo đó, ngân sách địa phương cùng hỗ trợ từ kinh phí trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác, đảm bảo cho việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình. Chính phủ khuyến khích đầu tư trong các lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải, cải thiện môi trường, chiếu sáng, công viên cây xanh và khu đô thị mới, khu nhà ở bằng các hình thức BOT, BTO, BT và PPP.

Chương trình Phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020 có quan điểm là phát triển hệ thống đô thị quốc gia đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, hướng tới nền kinh tế xanh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, vùng và cả nước theo hướng CNH, HĐH; phát triển đô thị đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị, đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội, kiểm soát chất lượng môi trường, hài hòa giữa bảo tồn, cải tạo và xây dựng mới; Xây dựng đô thị có điều kiện sống tốt, tăng cường sức cạnh tranh đô thị trong khu vực và quốc tế; Phát triển hình thành các đô thị gắn với các khu kinh tế ven biển, cửa khẩu tạo cửa ngõ hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển hệ thống đô thị du lịch. Hỗ trợ và thúc đẩy phát triển các đô thị tại các vùng miền núi, biên giới, ven biển, hải đảo thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu...
Theo Báo Xây dựng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.