Từ một doanh nghiệp chuyên về sản xuất cáp, năm 2009 Công ty Đầu tư và Phát triển Sacom quyết định chuyển hướng đa ngành với việc mở rộng sang lĩnh vực đầu tư tài chính và bất động sản. Tuy nhiên, cho đến nay, mảng bất động sản vẫn chưa mang lại kết quả khả quan cho doanh nghiệp này.

Kẹt ở bất động sản

Theo báo cáo tại Đại hội thường niên năm 2014, trong tổng doanh thu 1.034 tỉ đồng của năm 2013, mảng dây và cáp tiếp tục đóng góp lớn tới 935 tỉ đồng, trong khi mảng bất động sản lỗ 9 tỉ đồng.

Trong số các dự án bất động sản Sacom đã và đang đầu tư, ngoài dự án tòa nhà BCIS (do Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Sacom Chíp Sáng phụ trách) đã cho thuê và bắt đầu có dòng tiền về, tất cả các dự án khác vẫn còn trong giai đoạn rót vốn hoặc đang loay hoay tìm đầu ra.

Dự án khu dân cư Nhơn Trạch, chẳng hạn, đã được Sacom rót vào 50 tỉ đồng hồi năm ngoái, nhưng hiện chỉ mới làm thủ tục xin chấp thuận đầu tư và tiến hành bồi thường. Dự án chung cư Samland (Bình Thạnh) do Công ty Địa ốc Sacom đầu tư thì đã được hoàn thành và đang chào bán. Còn dự án Sacom Tuyền Lâm (Lâm Đồng) thì đang thi công phần thô và hệ thống cơ điện của khách sạn 4 sao; 9 đường golf sau vừa được đưa vào khai thác từ tháng 4 năm nay.

Ban lãnh đạo Sacom cho biết Công ty sẽ đẩy mạnh kinh doanh những hạng mục đã hoàn thành như sân golf, nhà hàng, club house, biệt thự. Nhưng vì đây là lĩnh vực mới nên chưa thể đem lại doanh thu cao trong khi chi phí quản lý, tiếp thị thì vẫn phải bỏ ra. Vì thế, Công ty chưa thể kiếm lãi từ hoạt động này.

Một trong những lĩnh vực mang lại lợi nhuận lớn trong kinh doanh sân golf là bán biệt thự. Muốn có biệt thự để bán, chắc chắn Sacom sẽ phải rót thêm một số tiền lớn nữa. Theo kế hoạch, Sacom Tuyền Lâm sẽ có khoảng 400 căn biệt thự. Báo cáo tài chính của Sacom cho thấy chi phí đầu tư vào Sacom Tuyền Lâm đến hết năm 2013 là 716,25 tỉ đồng. Trong khi đó, tổng giá trị dự kiến ban đầu của dự án này là 2.250 tỉ đồng.

Không chỉ trực tiếp đầu tư vào các dự án bất động sản, họ còn là nhà đầu tư thứ cấp theo kiểu mua sỉ bán lẻ. Thế nhưng, Sacom cũng bị mắc kẹt ở một số dự án do thị trường khó khăn kéo dài. Chẳng hạn, Sacom mua block B2 gồm 222 căn thuộc dự án Giai Việt (quận 8, TP.HCM) của Quốc Cường Gia Lai, nhưng đến nay chỉ mới bán được khoảng 17 căn, theo thông tin công bố tại Đại hội cổ đông vừa qua. Công ty cũng mua 70 căn hộ thuộc dự án Hoàng Anh River View (quận 2) của Hoàng Anh Gia Lai, nhưng đến nay vẫn chưa bán được căn nào.

Dù rằng Sacom không gặp khó khăn như một số doanh nghiệp khác nhờ đầu tư bất động sản bằng nguồn vốn thặng dư, nhưng có thể nói quyết định mở rộng sang lĩnh vực bất động sản vào năm 2009 là bước đi vào vũng lầy của ban lãnh đạo doanh nghiệp này.

Năm 2010, khi được hỏi vì sao Sacom chuyển hướng sang lĩnh vực bất động sản trong bối cảnh thị trường đang trầm lắng, ông Đỗ Văn Trắc, Tổng Giám đốc Sacom, cho rằng lĩnh vực nào cũng có rủi ro và trong kinh doanh, nếu ngại rủi ro thì sẽ đánh mất cơ hội.

“Kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp và ở gia đình tôi là khi có tiền nhàn rỗi, chưa dùng để đầu tư vào lĩnh vực nào tốt hơn lĩnh vực truyền thống thì nên đầu tư vào bất động sản. Các dự án bất động sản không mang lại lợi nhuận ngay, nhưng trong dài hạn thì có. Thời điểm này, chúng tôi đang có tiền; nếu không đầu tư, sẽ không còn cơ hội lựa chọn các khu đất”, ông nói.

Đáng tiếc là cho đến nay, thị trường bất động sản vẫn chưa thể khởi sắc và Sacom đã phải ghi lỗ ở mảng này.

Vẫn sẽ là cáp

Lý giải cho việc chuyển hướng đa ngành vào năm 2009, ông Trắc cho rằng với sự cạnh tranh gay gắt và với xu hướng chung của viễn thông toàn cầu là thiết bị cáp quang và vệ tinh, nhu cầu đối với điện thoại cố định được dự báo sẽ giảm xuống. Vì vậy, ngay lúc đang ở đỉnh cao, Sacom phải tìm hướng đi mới. Và hướng đi Công ty lựa chọn là phát triển đa ngành

Thế nhưng, việc chuyển hướng này có lẽ là hơi sớm, bởi thực tế là năm 2013 lĩnh vực dây và cáp của Sacom vẫn tăng trưởng tốt với doanh thu tăng đến 39% và vượt 14% kế hoạch năm. Thậm chí Công ty còn mở rộng ra thị trường nước ngoài với xuất khẩu đạt đến 5,25 triệu USD.

Trong tương lai, ít nhất là trong ngắn hạn, cáp tiếp tục sẽ là lĩnh vực mang lại doanh thu chính cho Sacom. Theo kế hoạch được Hội đồng Quản trị Sacom đưa ra, năm 2014 đối với mảng dây và cáp, Sacom sẽ đầu tư vào thị trường Đông Nam Á, từ đó mở rộng ra cả khu vực châu Á. Đối với sản phẩm dây đồng, dây diện từ, Sacom sẽ tiếp cận khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để tìm kiếm hợp đồng dài hạn. Theo dự kiến, quý II/2014 dây chuyền thanh cài dẫn điện sẽ được hoàn tất, đánh dấu sự xuất hiện của Sacom trong lĩnh vực mới này. Năm nay, mảng dây và cáp được dự báo sẽ tăng trưởng 12% so với năm ngoái.

Gần 5 năm trước, với nguồn vốn thặng dư lớn, ban lãnh đạo Sacom đã quyết định nhảy vào lĩnh vực đầu tư tài chính và bất động sản. Tuy nhiên, tại Đại hội, ông Trắc cho biết Sacom hiện còn nhiều tiền (tính đến hết năm 2013, Sacom đang nắm trong tay 352 tỉ đồng tiền mặt) và đề nghị cổ đông góp ý kiến nên đầu tư vào lĩnh vực nào, dự án nào để đem lại mức sinh lời lớn hơn.

Có vẻ như Sacom đã ngán ngẩm với bất động sản. Trên thực tế, từ năm 2012 đến nay Công ty đã quyết định rút khỏi một số dự án bất động sản với việc chuyển nhượng khu đất tại 475/1 Điện Biên Phủ, TP.HCM, dự án Hiệp Phú (quận 9) và không tham gia đầu tư vào dự án Areco

Lưu Đức (NCĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.