Trung tâm Hoàn cầu Tân Thế kỷ (New Century Global Center) tại Thành Đô, Trung Quốc được coi là tòa nhà lớn nhất thế giới, biểu tượng cho sự phát triển kinh tế vượt bậc của quốc gia này trong những thập niên gần đây. Hơn hai tháng sau khi khánh thành, nghi án tham nhũng đang trở thành bóng đen bao trùm cả tòa nhà…

Khung cảnh hoành tráng của Trung tâm Hoàn cầu Tân Thế kỷ.

Lớn gấp ba lần trụ sở Lầu Năm góc, xây dựng trong 3 năm

Không ai biết chi phí xây dựng tòa nhà này chính thức là bao nhiêu, nhưng theo nhiều đồn đại, con số lên đến 5 tỉ bảng Anh.

Với diện tích sàn khoảng 1,7 triệu mét vuông, chiều cao 100m, rộng 400m, dài 500m, Trung tâm Hoàn cầu Tân Thế kỷ là nơi tập trung một tổ hợp trung tâm mua sắm và giải trí khổng lồ với hệ thống ánh sáng giả mặt trời chiếu sáng suốt ngày đêm.

Ước tính, tổng diện tích của tòa nhà “hoành tráng” này bằng kích cỡ của Công quốc Monaco, gấp 20 lần diện tích nhà hát Opera Sydney và lớn gấp ba lần diện tích của trụ sở Lầu Năm góc ở Mỹ, bằng 329 sân bóng bầu dục, 16 sân vận động Wembley.

Tòa nhà có những dịch vụ rất đẳng cấp và đa dạng - từ văn phòng cho thuê, khu mua sắm và giải trí, hai khách sạn năm sao với 1 nghìn phòng, đến công viên nước mang tên “Hòn đảo Thiên đường”, bờ biển nhân tạo dài 400m được trang bị màn hình led lớn nhất thế giới...

Riêng công viên nước trong nhà có thể cùng lúc đón tiếp 6.000 khách đến tắm nắng, bơi, uống cocktail hay ăn tiệc.

Hơn hai tháng sau khi khai trương, “gã khổng lồ” ở trung tâm Thành Đô đã trở thành tâm điểm của những cáo buộc liên quan đến tham nhũng.

Một vài tờ báo nhận xét, Trung tâm Hoàn cầu Tân Thế kỷ là “tượng đài” đáng xấu hổ của Trung Quốc. Đến tòa nhà lớn nhất thế giới vào thời điểm này sẽ dễ dàng bắt gặp khung cảnh khá tẻ nhạt, khác xa với sự hào nhoáng bên ngoài của nó. Không khí tại trung tâm mua sắm vào những ngày giữa tuần khá yên ắng, chỉ có vài người khách qua lại.

Sự biến mất đáng ngờ của tỉ phú giàu bậc nhất Trung Quốc

Tỉ phú 50 tuổi đứng đằng sau dự án là Deng Hong - từng là một trong những người giàu nhất Trung Quốc - đã “biến mất”. Có tin cho rằng ông ta đang bị cảnh sát giam giữ và thẩm vấn.

“Hơn 50 quan chức chính phủ đã bị giam giữ bởi một loạt cuộc điều tra. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra và sẽ có thêm nhiều vụ bắt giữ trong thời gian tới” - một cựu biên tập viên giấu tên nói với phóng viên Báo Telegraph. Ở Thành Đô có rất ít thông tin cũng như dấu hiệu về cuộc điều tra, vì có thể “chính quyền địa phương cố tình che giấu điều đó”.

Được biết, trung tâm được xây dựng để tổ chức Hội nghị top 500 doanh nghiệp toàn cầu, nhưng với những bê bối đang diễn ra, hội nghị trên đã được chuyển đến khách sạn Shangri-La vào phút chót.

Ông Deng Hong là ai?


Ông Deng Hong - một trong những người giàu nhất Trung Quốc.

Ông Deng Hong tham gia Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc khi còn là một thiếu niên. Năm 1985, ông rời quân ngũ và bắt đầu sự nghiệp kinh doanh bằng một công ty bất động sản, sau đó di cư sang Mỹ vào những năm 1990. Ông quay trở lại Thành Đô khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu phát triển mạnh mẽ.

Ông thuyết phục chính quyền địa phương rằng ông có thể thu hút khách du lịch, doanh nhân Trung Quốc và nước ngoài đến thăm và đầu tư vào thành phố. Giới báo chí cho hay, tỉ phú này sở hữu đến 35 chiếc xe các loại, bao gồm các thương hiệu Ferrari, Lamborghini và Mercedes-Benzs.

Cuộc triển lãm đầu tiên mà ông Deng Hong tổ chức tại Thành Đô là một sự kiện xe hơi ở Trung tâm triển lãm Shawan - phía tây bắc thành phố.

"Chính quyền địa phương khi đó rất ấn tượng về cuộc triển lãm, họ giao cho ông ta một khu đất rộng lớn không tính phí để xây dựng khu nghỉ mát" - một người giấu tên nói. Cũng từ đây, nhiều mối quan hệ phức tạp giữa ông Deng Hong và quan chức tỉnh Tứ Xuyên được thiết lập.

T.Phạm (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.