Trong khi hàng vạn công nhân đang thiếu chỗ ở, phải sống trong các khu trọ chật chội, nhếch nhác thì những toà nhà được đầu tư bằng vốn ngân sách hoặc xã hội hoá cho công nhân thuê lại đang có xu hướng ngày càng “ế” nặng.

Nhiều dự án nhà ở cho công nhân dù mới chỉ hoàn thành một phần song tỷ lệ lấp đầy vẫn không đạt.

Ngày 9/9, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, việc dành và bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân, sinh viên của thành phố hiện đang gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó riêng nhà ở cho công nhân thuê là do Bộ Xây dựng chưa có tiêu chí cụ thể để xác định nhu cầu sử dụng đất, nhu cầu nhà ở công nhân trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, quy hoạch dự án.

Bên cạnh đó, thành phố không còn quỹ đất để phát triển nhà ở công nhân trong một số khu, cụm công nghiệp do đã hoạt động ổn định. Vốn ngân sách cho các chương trình nhà ở này cũng đang gặp nhiều khó khăn khiến không ít dự án đã bị chậm tiến độ, dở dang hoặc tạm dừng thi công.

Chính vì thế, các chỉ tiêu về phát triển nhà ở cho công nhân, sinh viên thuê…đến 2015 nhiều khả năng không đạt kế hoạch đã đề ra.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, trên thực tế một số dự án nhà ở cho công nhân thuê mặc dù mới hoàn thành một phần dự án, song số công nhân thuê đang có xu hướng giảm rõ rệt. Đơn cử như dự án tại khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ mới hoàn thành 1/10 toà nhà nhưng tỷ lệ lấp đầy toà nhà đầu tiên cũng chỉ đạt 85%, khu nhà ở công nhân Kim Chung (Đông Anh) hiện vẫn có đến 6 toà nhà trống với 2.700 chỗ trống do công nhân trả lại, không thuê tiếp…

Mặc dù, đại diện UBND thành phố không lý giải nguyên nhân khiến nhà ở cho công nhân bị “ế”, song theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, việc nhà ở cho công nhân thuê do doanh nghiệp hoặc nhà nước đầu tư lại không được chính đối tượng này “tha thiết” có thể là do 2 lý do gồm giá thuê và các quy định, quy chế trong quản lý.

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, để thu hút công nhân vào thuê trong các khu nhà tập trung này, các chủ đầu tư không nên vội tính chuyện thu hồi vốn thông qua việc đưa ra giá thuê khá cao. Bởi lẽ, hiện ở các địa phương khác, công nhân chỉ phải trả 50 -70 nghìn/tháng, thì mỗi công nhân tại Hà Nội ở chung cũng phải trả cao gấp 3 - 4 lần.

Bên cạnh đó, việc công nhân không mấy “mặn mà” với nhà ở tập trung do quy định quá chặt chẽ về giờ giấc, số lượng người ở…

“Nhà cho công nhân thuê không nên tách khu nam riêng, nữ riêng mà phải cho họ ở gần nhau để tránh đơn điệu, đồng thời phải cho cả gia đình của họ vào thuê thì mới có thể thu hút được công nhân vào ở”, Thứ trưởng Nam khuyến cáo.

Từ Nguyên (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.