Trong báo cáo tình hình thực hiện Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây gửi Bộ GTVT, VEC thừa nhận tiến độ dự án sẽ khó hoàn thành vào cuối năm 2013 theo dự kiến mà có thể phải kéo dài tới cuối năm 2014. Lãnh đạo VEC thừa nhận dự án đã gặp khó khăn ở nhiều khâu, là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới thi công ì ạch, chậm tiến độ.
Tấm bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ
Chậm giải phóng mặt bằng
Trong báo cáo tiến độ dự án, Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết: đến nay dự án đang thi công xây dựng đoạn qua quận 2, quận 9 (TP. Hồ Chí Minh) và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ và Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) nhưng gặp nhiều khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng (GPMB).
Hiện trên địa bàn quận 9, dù UBND TP. Hồ Chí Minh đã phê duyệt phương án tổng thể với kinh phí 680 tỷ đồng, đồng thời quận 9 tích cực hoàn tất công tác thu hồi đất (họp dân, áp giá,…) nhưng đến nay việc bố trí kinh phí GPMB cho quận 9 lại chưa được UBND thành phố bố trí. Tương tự, khu vực đường cao tốc qua quận 2 có tổng số hộ bị ảnh hưởng lên tới gần 290 hộ, cho đến nay mới thu hồi được 16,43 ha (tương đương 36,77%) và chi trả được gần 384 tỷ đồng (cho khoảng 125 hộ).
Giống như TP. Hồ Chí Minh, công tác GPMB khu vực dự án qua địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng gặp nhiều bất cập, trong đó nhiều hộ cản trở và tái lấn chiếm đất bãi, rạch. Riêng trên địa bàn xã Tam An (huyện Long Thành) hiện còn một số hộ chưa chịu bàn giao mặt bằng, thậm chí có hiện tượng tái lấn chiếm, cản trở tới tiến độ thi công. Tương tự trên địa bàn xã Long An, các hộ dân vẫn tiếp tục khiếu nại phần đất bị thu hồi của dự án mở rộng Quốc lộ 51. Khu vực cầu vượt ĐT 769 có tới 109 hộ dân bị ảnh hưởng và quá trình giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, các đơn vị thi công đa số vừa phải thi công, vừa phải đảm bảo giao thông tuyến đường hiện hữu,…
Nhiều nhà thầu thiếu kinh nghiệm
Các nhà thầu cũng gặp khó khăn trong thi công do giá các loại vật tư chính tăng cao ngoài dự liệu của các nhà thầu. Nhưng cũng có tình trạng các nhà đầu tư nước ngoài còn chưa quen với điều kiện địa hình, thủy văn của khu vực và còn phụ thuộc quá nhiều vào các nhà thầu Việt Nam. VEC nhìn nhận: năng lực tài chính của các nhà thầu đang gặp vấn đề khó khăn do giá trúng thầu chưa hợp lý nên việc lựa chọn nhà thầu phụ có kinh nghiệm chưa thực hiện được.
Trước đó, VEC đã công bố danh sách các nhà thầu, trong đó chọn khá nhiều các nhà thầu thực hiện dự án, tuy nhiên, số lượng các nhà thầu lại không tỉ lệ thuận với tiến độ công việc cũng như chất lượng của các hạng mục như yêu cầu đặt ra. Một số nhà thầu ở các dự án thành phần cũng "kêu khó” khi phải áp dụng các phương pháp thi công mới mẻ, như trộn sâu – DMM, bơm hút chân không – VCM,… Hậu quả là nhà thầu phải thi công thử trước khi thi công đại trà, trong khi nếu xảy ra sự cố nhà thầu buộc phải dành rất nhiều thời gian xử lý và kiểm tra chất lượng.
Có hạng mục chưa biết bao giờ mới hoàn thành?
Chủ đầu tư Dự án thừa nhận: việc hoàn thành dự án theo tiến độ vào cuối năm 2013 là rất khó, trong khi nhiều khả năng sẽ phải kéo dài tới cuối năm 2014.
Đáng lưu ý, VEC thừa nhận dự án đoạn qua khu vực Vành đai II đã ngừng thi công hơn 1 năm qua và chưa biết khi nào hoàn thành nên việc kết nối khi thông xe cho dự án vào cuối năm 2013 là không thể. Ngoài ra, việc tổ chức giao thông tại vị trí giao cắt cầu vượt TL25A tại km22+750 với phương án đường cao tốc chạy bên dưới là không thể thực hiện theo hồ sơ dự án đã được duyệt.
Các giải pháp còn bất cập
Theo kiến nghị của chủ đầu tư dự án, Bộ GTVT, UBND TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai nên xem xét cho phép dự án được kết nối thông xe tạm vào hệ thống giao thông hiện hữu trong thời gian xây dựng hoàn tất tại nút Vành đai II. Mặt khác, các địa phương cần tập trung GPMB, giải quyết các vướng mắc cục bộ để các nhà thầu có cơ sở triển khai thi công.
Theo VEC, việc thi công dự án tập trung quá nhiều thời gian vào khâu GPMB, như giải quyết các vị trí cục bộ và giải quyết các khiếu nại của người dân, các công trình công cộng nên tiến độ giải ngân thấp so với kế hoạch,… là nguyên nhân trực tiếp gây chậm trễ dự án. Báo cáo của VEC còn thẳng thắn cho rằng: chính sách bồi thường của các địa phương chưa đồng bộ, trong khi thủ tục còn rườm rà, phức tạp, nguồn nhân lực còn yếu, thiếu và chưa có trách nhiệm dẫn tới người dân bức xúc,…
Xung quanh bất cập trong thực hiện dự án Nhà Điều hành đường cao tốc liên quan đến hộ ông Trịnh Ngọc Hải, VEC đề nghị TP. Hồ Chí Minh, trực tiếp là quận 9 cần tập trung giải quyết dứt điểm trong tháng 8-2012. Như Đại Đoàn Kết đã phản ánh, tại hạng mục Văn phòng Nhà điều hành đường cao tốc (Q.9, TP. Hồ Chí Minh), chính quyền quận 9 có biểu hiện "biến hóa” một khu biệt thự (trị giá trên 20 tỷ đồng của người dân) thành "khu đất trống chỉ có căn nhà lá” (trong đó có hộ ông Trịnh Ngọc Hải) để dễ dàng được thuận chủ trương GPMB của chính quyền thành phố. Vụ việc đã được Đoàn giám sát của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam trực tiếp xem xét tìm hiểu phát hiện nhiều sai phạm và đã có văn bản đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh lập Đoàn thanh tra toàn diện trình tự, thủ tục thu hồi. Tuy nhiên sau gần 4 năm vẫn chưa thấy chính quyền địa phương giải quyết…
Theo Đại đoàn kết
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tham gia nhóm chat mua bán dự án