Các ngân hàng đã cam kết cho 2.231 khách hàng cá nhân vay với tổng số tiền 801,6 tỷ đồng. Trong đó, đã giải ngân theo tiến độ cho 2.208 khách hàng với dư nợ 533,7 tỷ đồng.
Cụ thể, Ngân hàng TM CP Công thương Việt Nam cam kết cho 754 khách hàng vay với số tiền 249,8 tỷ đồng, đã giải ngân cho 754 khách hàng với dư nợ 153,4 tỷ đồng.
Ngân hàng TM CP Ngoại thương Việt Nam cam kết cho 559 khách hàng vay với số tiền 225 tỷ đồng, đã giải ngân cho 559 khách hàng với dư nợ 148,7 tỷ đồng.
Ngân hàng TM CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cam kết cho 690 khách hàng vay với số tiền 281,6 tỷ đồng, đã giải ngân cho 690 khách hàng với dư nợ 192,4 tỷ đồng. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cam kết cho 149 khách hàng vay với số tiền 45,3 tỷ đồng, đã giải ngân cho 149 khách hàng với dư nợ 31,4 tỷ đồng. Ngân hàng TM CP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long cam kết cho 79 khách hàng vay với số tiền 21,2 tỷ đồng, đã giải ngân cho 56 khách hàng với dư nợ 7,7 tỷ đồng.
Với khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xác nhận đăng ký của Ngân hàng TM CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TM CP Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam được ký hợp đồng tín dụng với 15 doanh nghiệp với tổng số tiền cam kết 1.501 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 16,7% tổng nguồn vốn hỗ trợ nhà ở dành cho doanh nghiệp. Trong đó, đã giải ngân cho 10 doanh nghiệp (11 dự án) với số tiền là 534,8 tỷ đồng.
Riêng tháng 1/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt đã xác nhận việc đăng ký cho vay hỗ trợ nhà ở bằng nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN đối với 3 dự án, nâng tổng số dự án được xác nhận lên 16 dự án.
Cụ thể là: Cty CP Đầu tư Vinatex vay 60 tỷ đồng từ BIDV xây nhà tại KCN Bảo Minh, huyện Vụ Bản, Tỉnh Nam Định; Cty CP Đầu tư Dệt sợi Đam San, vay 85 tỷ đồng từ BIDV xây nhà tại Phường Lê Hồng Phong, TP Thái Bỉnh, tỉnh Thái Bình; Cty CP Đầu tư Thủ Thiêm, vay 118 tỷ đồng từ BIDV xây nhà tại P.Thảo Điền, Q.2, TPHCM.
Vừa qua, Chính phủ có quyết định bắt buộc các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại và các định chế tài chính có trách nhiệm dành một lượng vốn (tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ) để cho các chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội và người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thị trường; kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng, thì số vốn này không chỉ dừng lại ở con số 30 nghìn tỷ đồng mà phải trên 100 nghìn tỷ đồng.
Khi quy định này được thực thi, với tính toán dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng nếu đạt được con số 200 nghìn tỷ đồng hoặc nhiều hơn nữa thì sẽ có thêm nhiều gói tín dụng hỗ trợ lãi suất thấp không chỉ là 30 nghìn tỷ. Cùng với các ưu đãi, hỗ trợ khác của Nhà nước, cơ hội có nhà sẽ mở ra đối với nhiều người dân nghèo.
Song song đó, Bộ Xây dựng sẽ cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, gắn với thực hiện chiến lược phát triển nhà ở, triển khai thực hiện tốt Nghị định 188/2013 về nhà ở xã hội.
Ðáng chú ý, phải tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án để tăng nhanh nguồn cung nhà ở xã hội, đồng thời đẩy nhanh tốc độ giải ngân gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng.