Đi vay để đầu tư nhà máy xi măng, dự án không có mỏ đá, thiếu nguồn nguyên liệu cùng với việc không tính kỹ nhu cầu thực sự của thị trường…, nên thua lỗ, nợ nần là cái giá mà nhiều nhà máy xi măng đang phải trả.

Không có khả năng thanh toán nợ, Xi măng Đồng Bành phải dừng hoạt động từ tháng 3/2012

Hệ quả tất yếu

Với khoản lỗ gần 197 tỷ đồng, Dự án Xi măng Đồng Bành đã không có khả năng thanh toán nợ và phải dừng hoạt động từ tháng 3/2012. Thảm cảnh của dự án này không gây ngạc nhiên cho nhiều người, bởi khi ra đời đã không có nguồn nguyên liệu chính cho làm xi măng là mỏ đá. Đặc biệt, Dự án được phê duyệt với vốn đầu tư 1.288 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 17%, còn lại đều đi vay, trong đó vay qua bảo lãnh chính phủ từ Ngân hàng ANZ là 747,850 tỷ đồng.

Với riêng Dự án Xi măng Đồng Bành, Bộ Tài chính đã phải trả nợ thay 3,5 triệu USD cho ANZ. Trong một báo cáo gần đây, Bộ Tài chính nhận định, trong 3-5 năm tới, Quỹ Tích lũy trả nợ dự kiến phải bố trí 30-40 triệu USD/năm để trả nợ thay cho các dự án xi măng này.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, ngân sách đang phải hứng chịu thiệt đơn, thiệt kép do bảo lãnh cho vay các dự án này. Sự ưu ái cho những dự án xi măng, thông qua việc cấp bảo lãnh cho nhiều tập đoàn giai đoạn vừa qua, đặc biệt trong năm 2008, đã phải trả một giá quá đắt.

Ngoài câu chuyện thua lỗ, nợ lớn, việc thực hiện đầu tư các dự án xi măng ồ ạt trong giai đoạn 1998 - 2008 cũng đang để lại những hậu quả đáng tiếc về môi trường. Với 5 nhà máy xi măng (Tam Điệp, The Vissai, Duyên Hà, Hệ Dưỡng, Phú Sơn) có tổng công suất gần 13 triệu tấn, Ninh Bình đang trở thành địa phương có sản lượng xi măng lớn nhất toàn miền Bắc. Thế nhưng, điều này đang làm giảm sức hấp dẫn của ngành du lịch tại Ninh Bình. Một chuyên gia kinh tế nhận xét một cách đầy hình ảnh rằng, “ngành công nghiệp lắm khói đã và đang làm còi cọc ngành công nghiệp không khói của Ninh Bình”.

Ninh Bình đang hoàn thiện hồ sơ gửi UNESCO xem xét đưa Quần thể danh thắng Tràng An vào danh mục di sản thế giới. Tuy nhiên, để thuận lợi hơn cho việc công nhận danh thắng này, tỉnh Ninh Bình đang cân nhắc đàm phán với các chủ đầu tư xi măng dịch chuyển vùng nguyên liệu sao cho không ảnh hưởng tới cảnh quan, đảm bảo cho danh thắng Tràng An.

Hiện tượng trên không chỉ diễn ra tại Ninh Bình, dọc Quốc lộ 1, từ Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, tới Nghệ An, có hơn 20 nhà máy xi măng mọc san sát. Lợi thế “nguồn đá vôi dồi dào tại khu vực này để làm xi măng” khi nghiên cứu triển khai dự án xi măng đang khiến hệ thống cảnh quan thiên nhiên bị xâm hại nặng nề.

Theo đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam, bản thân các cơ quan quản lý ngành xây dựng, du lịch đã không gắn kết với nhau, nên mới có chuyện quy hoạch xi măng được xây dựng, đưa vào thực hiện đã làm tổn thương sự phát triển của ngành du lịch.

Vẫn có dự án sống khoẻ

Trên thực tế, bên cạnh những dự án xi măng thua lỗ, nợ nần, vẫn có dự án ổn định tài chính và có nguồn thu trả nợ. Trường hợp Dự án Đầu tư mở rộng Nhà máy Xi măng Nghi Sơn (dây chuyền 2) của Công ty Xi măng Nghi Sơn (NSCC) là một ví dụ. Dự án có tổng vốn trên 4.700 tỷ đồng, công suất gần 2,1 triệu tấn xi măng/năm. Không giống như phần lớn dự án khác là đi vay 80-100% vốn, NSCC đã có sự chuẩn bị khá kỹ càng khi quyết định thực hiện dự án này và lo được vốn chủ sở hữu đến 31%.

Dự án dây chuyền 2 của NSCC có số vốn vay qua bảo lãnh của Chính phủ là 32.280.000 USD, còn lại là vay từ các tổ chức tín dụng khác. Mặc dù dây chuyền 2 của NSCC tung sản phẩm vào đúng thời điểm cạnh tranh trên thị trường xi măng đã rất khốc liệt vì cung đã vượt cầu, nhưng vẫn hoạt động tới 98% công suất. Lý do là trước đó, với dây chuyền 1, công suất gần 2,5 triệu tấn, NSCC đã xây dựng được hệ thống phân phối phủ kín tại các thị trường trọng điểm. Đặc biệt, để thuận tiện cho việc tiêu thụ sản phẩm tại khu vực miền Trung và Nam Bộ, Công ty đã xây dựng các trạm phân phối tại TP.HCM và Khánh Hoà.

Tháng 7/2012 vừa qua, NSCC đã một lần nữa khẳng định đây là nhà sản xuất, cung ứng xi măng chuyên nghiệp tại Việt Nam, khi đưa tàu chuyên dụng Brave trọng tải 14.600 tấn vào hoạt động. Sự kiện này đã giúp nâng tổng trọng tải của đội tàu chuyên dụng Nghi Sơn đang khai thác lên 5 tàu, với tổng trọng tải trên 70.000 tấn, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vận chuyển xi măng trong nước vàxuất khẩu.

Mặc dù có sự chuẩn bị kỹ càng, đầu tư, sản xuất, tiêu thụ đồng bộ, nhưng ông Doãn Nam Khánh, Phó giám đốc Công ty cũng không thể phủ nhận những khó khăn đối với ngành xi măng Việt Nam nói chung, với Công ty nói riêng trong thời điểm này. Tuy vậy, ông Khánh khẳng định, Nghi Sơn đã trả được 33% khoản vay nước ngoài để đầu tư và Công ty hoàn toàn có khả năng hoàn thành việc thanh toán đủ và đúng hạn các khoản vay cho đầu tư.

Ngoài NSCC, một thành viên khác thuộc Tổng công ty Công nghiệp xi măng (Vicem) là Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn cũng là một điểm sáng trong trả nợ vốn vay đầu tư. Dự án Cải tạo, hiện đại hóa Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng được thực hiện năm 2001 đã nâng công suất Nhà máy lên 1,8 triệu tấn/năm. Hiện tại, theo Bộ Tài chính, Xi măng Vicem Bỉm Sơn đã trả nợ xong đối với phần vay bảo lãnh từ năm 2011.

Theo báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn, lợi nhuận quý III/2012 của Công ty tăng 175% so với quý III/2011. Công ty đang tập trung nghiên cứu chế độ chạy lò hợp lý để nâng năng suất, ổn định chất lượng và giảm tiêu hao năng lượng. Để tạo thuận lợi hơn cho khách hàng tiếp cận được với sản phẩm của Công ty, hiện mạng lưới văn phòng đại diện đã có mặt tại 7 địa phương là: Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Tây, Sơn La, đồng thời mở Văn Văn phòng đại diện tại Lào để tìm đường cho Xi măng Bỉm Sơn xuất khẩu.

Giao thông “cõng” xi măng?

Trước thực trạng dư thừa xi măng, khiến công nghiệp xi măng xa dần kỳ vọng, đầu năm nay, Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Xây dựng đã có “hành động quyết liệt” là “bắt tay” liên kết làm đường giao thông nông thôn bằng xi măng. Thế nhưng, nhiều tháng đã trôi qua kể từ khi ý tưởng trên được đưa ra, vẫn chưa có “kịch bản” cụ thể nào để xi măng vào các dự án giao thông. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp xi măng cũng tỏ ra lo ngại với sáng kiến này, vì phương thức thanh toán của các dự án này chưa rõ ràng và thường chậm thu hồi vốn.

Theo Phó giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hải Phòng, ông Bùi Quang Hùng, điều quan trọng trong kinh doanh là, bán hàng phải lấy được tiền. “Chúng tôi rất mừng nếu bán được xi măng cho các đơn vị xây dựng đường giao thông. Nhưng phải đạt tiêu chí về thanh toán, để còn có tiền xoay vòng vốn, chứ chúng tôi không thể bán nợ hoặc chấp nhận thanh khoản thấp”, ông Hùng nói.

Còn Tổng giám đốc Vicem Hoàng Thạch, ông Đào Ngọc Bình cho hay, Vicem Hoàng Thạch từng triển khai cấp xi măng cho chương trình làm đường bê tông ở một địa phương miền Trung, song đơn vị đang gặp khó khăn vì tỉnh này thiếu vốn, chưa thanh toán được. Rõ ràng, nếu không giải quyết được khúc mắc về phương thức thanh toán, thì ý tưởng đưa xi măng vào các dự án giao thông rất khó triển khai diện rộng

Trong khi các dự án đầu tư công bị cắt giảm, thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng, chưa có lối thoát hiệu quả cho bài toán tồn kho xi măng..., thì một thực tế đang diễn ra là, trong thời gian tới, vẫn sẽ có những dự án đã đầu tư gần xong được hoàn thành và đưa vào hoạt động, tiếp tục làm gia tăng nguồn cung cho thị trường.

Theo Hải Yến (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.