Tuyến cao tốc Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Diễn Châu (Nghệ An) dài 48,8 km sẽ được ưu tiên xây dựng trước 2 làn xe.

Ban quản lý dự án 6 (PMU6) vừa đề nghị Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa) – Diễn Châu (Nghệ An) thuộc tuyến đường cao tốc Bắc Nam nhánh phía Đông.

Tuyến cao tốc Thanh Hóa - Nghệ An dài 48,8 km sẽ được đầu tư theo hình thức PPP

Theo đó, tuyến cao tốc này sẽ có điểm đầu tại Km380 +705 tại vị trí giao với đường quy hoạch Khu kinh tế Nghi Sơn, thuộc địa phận xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa và cũng là điểm cuối của Dự án đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa. Điểm cuối của Dự án là Km429 + 500 tại vị trí giao cắt với Quốc lộ 7 (Km429 + 565 theo lý trình Quốc lộ 7).

Tuyến nằm ở phía Tây Quốc lộ 1, dọc theo hướng đường cao tốc Bắc - Nam. Từ vị trí điểm đầu, tuyến đi về phía Nam vòng qua hồ Khe Nhồi tới khu vực núi Mồng Gà thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa.

Tại đây sẽ xây dựng hầm Trường Lâm xuyên núi Mồng Gà đi về phía Nam. Từ hầm Trường Lâm, tuyến vượt qua ranh giới giữa hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An giao cắt với đường quy hoạch Đông Hồi tại địa phận xã Quỳnh Vinh, huyện Quỳnh Lưu.

Tuyến vượt sông Hoàng Mai tại địa phận xã Quỳnh Trang, đi qua khu núi Thung Buồng, núi Ba Chóp để sang xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu, giao cắt với Quốc lộ 48B tại Km405+699. Tiếp đó, tuyến giao với Quốc lộ 48 tại Km414+312 thuộc địa bàn thôn Bầu Xuân, xã Diễn Đoàn, men theo chân núi Chùa Đen đến địa phận huyện Yên Thành, Nghệ An. Từ đây, tuyến giao với đường tỉnh 538 tại Km424 +690, vượt qua kênh Vách Nam, sông Hùng và Quốc lộ 7 tại Km429 + 565.

Tổng chiều dài tuyến đường là 48,8 km, trong đó đoạn đi qua Thanh Hóa là 5,9 km, Nghệ An là 42,9 km.

Tuyến cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu được phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn: giai đoạn I quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 13,75 m, vận tốc 80 km/h; giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/h.

Dự án có tổng mức đầu tư xây dựng công trình 7.026 tỷ đồng này dự kiến áp dụng hình thức đầu tư BOT có sự tham gia vốn của Nhà nước bằng hình thức BT trả chậm với giá trị 2.810 tỷ đồng. Nhà đầu tư được quyền thu phí trong 29 năm, bắt đầu từ năm 2017 với mức phí là 1.500 đồng/phương tiện tiêu chuẩn, 3 năm điều chỉnh 1 lần, mỗi lần tằng 18%.

Công trình dự kiến khởi công vào cuối năm 2014, hoàn thành năm 2017.

Hiện Liên danh Cienco 4 - Sông Đà - Trường Lộc đã nộp đơn lên Bộ Giao thông vận tải xin đầu tư Dự án theo hình thức PPP.

Anh Minh (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.