CafeLand - Văn phòng được xây dựng trên miếng đất có diện tích 150m2 hình chữ nhật nằm tại khu quy hoạch dân cư mới hình thành ở Thành phố Huế.

Công trình có quy mô 2 tầng, trong đó tầng 1 là không gian mở đa chức năng gồm: khu làm việc, khu tiếp khách, phòng họp, không gian sinh hoạt chung, khu vực giao lưu sự kiện, khu vực huấn luyện, triển lãm và các khu vực chức năng phụ khác như bếp, phòng WC…

Một công trình văn phòng phải làm sao tạo được không gian làm việc thoải mái, là môi trường tạo cảm hứng.

Thông thường đa số các văn phòng thường tập trung tại các khu vực đông người, các trung tâm đô thị ngột ngạt để rút ngắn thời gian di chuyển, tương tác giữa những người làm việc với nhau và các hoạt động phụ trợ khác, nhưng với văn phòng này thì hoàn toàn khác, các yếu tố như chất lượng môi trường sống, môi trường văn hóa đều liên quan đến hiệu suất, kết quả công việc.

Vì văn phòng này hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc nên không gian làm việc cũng phải có nét đặc trưng riêng tạo cảm hứng cho những con người đang làm công việc sáng tạo kiến trúc.

Chính vì ý tưởng này mà bên trong văn phòng được thể hiện rõ qua cách tạo hệ thống cửa đóng mở linh hoạt để xóa đi khoảng cách giữa bên trong và bên ngoài. Hệ cây xanh và sỏi được bố trí trải dài, phủ kín tất cả từ ngoài vườn vào trong nhà hầu hết toàn bộ diện tích tầng 1.

Những công năng hoạt động cần thiết được bố trí trên mặt phẳng nên phần nào diện tích tầng 1 cũng giảm tối đa.

Màu sắc chủ đạo của mảng tường và trần nhà là màu tối, trong khi đó mảng tường tại các vị trí cây xanh lại là màu trắng. Bên trong là không gian mở không có các vách ngăn tạo cảm giác thông thoáng.

Do văn phòng được thiết kế không gian mở tối đa kết nối với vườn nên ánh sáng được giải quyết triệt để. Vào ban ngày không cần sử dụng đèn ngay cả trong thời tiết xấu, ánh sáng mặt trời yếu.

Nhờ hệ thống cửa đóng mở chủ động, cùng với cấu tạo các lớp cửa lưới thép lỗ có thể xếp trượt độc lập nên vấn đề thông gió cho công trình rất linh động theo mùa, có các hướng gió, hướng nắng thay đổi khác nhau, công trình không sử dụng máy lạnh dù có bố trí máy lạnh chỉ để làm giải pháp dự phòng khi nhiệt độ tự nhiên thay đổi quá nóng hoặc khi không có gió.

Hệ thống mái cũng được bố trí nhiều lớp vật liệu và các lớp đệm không khí, nhằm giảm lượng nhiệt trực tiếp từ bên trên mái và tản nhiệt dần qua các lớp đệm khí bên dưới trước khi vào tới không gian văn phòng từ trên trần tầng 2.

Thông qua lớp cửa lưới này ánh sáng mặt trời vào ban ngày hay ánh sáng đèn vào ban đêm xuyên qua các lớp cửa tạo thành các hiệu ứng mỹ thuật hấp dẫn. Đặc biệt khi các hệ thống cửa này đóng mở theo từng lớp sẽ làm thay đổi tỉ lệ không gian giữa đặc rỗng một cách linh hoạt và thú vị, đem đến nhiều cảm nhận không gian khác nhau trong cùng một diện tích.

Vật liệu và kết cấu chung của công trình sử dụng hạn chế tối đa các vật liệu gốc bê tông để giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với môi trường. Phần kết cấu chính của văn phòng là kết cấu thép, hệ thống bao che gồm các tấm ốp từ vật liệu tái chế phế phẩm công nghiệp như tấm cemboard, gạch không nung.

Phần sàn sân vườn tầng 1, tại các vị trí không bố trí cây xanh, nhóm thiết kế đã tạo ra một hệ thống thu và lọc nước mưa sau đó chuyển về hầm chứa dùng để tái chế tưới cây, sau đó nước thẩm thấu qua cây và lọc tự nhiên một lần nữa trước khi thảo ra môi trường bên ngoài.

Cách làm này thể hiện công trình đã sử dụng tối đa các năng lượng tự nhiên như ánh sáng, gió, nước… đồng thời sử dụng hầu hết các vật liệu được tái chế từ các phế phẩm công nghiệp, hay sử dụng các vật liệu có khả năng thu hồi và tiếp tục tái chế trong tương lai, ngoài ra đây cũng là giải pháp thể hiện trách nhiệm và ý thức bảo vệ môi trường.

Bản vẽ kiến trúc giải pháp thông gió của văn phòng

Phối cảnh mặt tiền văn phòng

Chủ đề: Nội thất văn phòng,
Chu Anh (Archdaily)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.