12/11/2018 3:26 PM
CafeLand - Xây dựng đô thị xanh - thông minh ngày càng trở nên cấp thiết, là xu hướng tất yếu của thế giới trong bối cảnh khí hậu đang ngày càng biến đổi khắc nghiệt. Tuy vậy đó vẫn là câu chuyện mới ở Việt Nam.

“Công nghệ xanh không ăn thua với Việt Nam”

PGS - TS Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, cho biết năm 1996 là dấu mốc đánh dấu Hà Nội xuất hiện khu đô thị mới đầu tiên là Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm. Thời kỳ đó, người dân còn chê chung cư, đều tìm đến nhà thấp tầng.

Nhưng cũng kể từ năm 1996 đến nay, sau nhiều năm đô thị hóa, người dân dần yêu thích ở chung cư, nhà cao tầng. Đô thị Việt Nam dần dần tích tụ được một số lượng lớn lao động trẻ và tầng lớp nghiên cứu. Và đô thị mọc lên như nấm, chúng ta dần bước vào khủng hoảng đô thị.

“Chúng ta đứng trước khủng hoảng đô thị là khủng hoảng môi trường sống. Vì thế, để xây dựng một đô thị tốt, chúng ta cần sự góp sức không chỉ là chính quyền, mà còn cần giới chuyên môn, những người dân và doanh nghiệp”, PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục nói.

Theo bà, 22 năm qua, công nghệ cơ bản đã đáp ứng được thực tiễn. Bản thân các doanh nghiệp đã trưởng thành và họ đã có những hiểu biết rõ ràng. “Tuy nhiên, bản chất của từ “xanh”trong các công trình có chuyển động thật sự hay không?”, bà Thục đặt câu hỏi và cho rằng, cho đến bây giờ, gần như ở Việt Nam đang thịnh hành công trình xanh ở giai đoạn 1, nhưng lại không thể bắt kịp với tốc độ như vũ bão của đô thị hóa.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thục.

“Số lượng thanh niên trong độ tuổi lao động dồn về đô thị nhiều. Chúng ta trồng rất nhiều cây trên mặt đứng, dùng đến công nghệ. Thế nhưng công nghệ xanh không ăn thua đối với Việt Nam. Ở một đất nước mà người ta rời bỏ ngay làng quê để đến đô thị thì ý thức con người có lẽ đóng vai trò lớn”, PGS.TS Thục nói.

Tư duy đô thị phải như nồi Thạch Sanh

Để cải thiện chất lượng đô thị, theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục, cơ quan quản lý chức năng cần bắt buộc các nhà đầu tư phải đi vào tiện ích phục vụ người dân. Thứ hai, nhà đầu tư phải tạo ra được tư duy đột phá về vành đai xanh. “Tư duy đô thị phải như nồi Thạch Sanh để cho nhiều người cùng được ăn, được sống tốt nhất”, PGS.TS Thục nói.

Bên cạnh đó, muốn phát triển công trình xanh, đô thị xanh thì chính sách phải hợp lý và phải có quy hoạch rõ ràng, cần có những khuyến khích để nhà đầu tư làm công trình xanh. Nhà nước phải nhắm đến đơn vị nào đầu tư “xanh”thì ưu tiên cho đơn vị đó. Ngay từ chính sách vay, hình thức vay cũng cần tạo ra cơ chế thông thoáng cho các nhà đầu tư.

Ngoài ra, bà cho rằng nên có quy định bắt buộc, ví dụ đối với những khu đất dự án được cấp 20ha, quy định 5 - 7% xây dựng phải đạt tiêu chí công trình xanh. Không phải thích thì xây, không thích thì thôi.

Trước câu hỏi, trong quá trình phát triển đô thị xanh làm thế nào để giảm dân số, bà Thục đặt lại vấn đề: “Chẳng nhẽ dùng hộ khẩu, chính sách để cản trở sự di dân vào đô thị? Tại sao phải ngăn người dân di cư vào đô thị khi họ có thể đóng góp rất nhiều cho đô thị đó”.

Ví dụ như ở Anh, những người di cư vào thành phố đóng góp 40% GDP cả nước. Thực tế là con người cũng có mưu cầu hạnh phúc, ở đâu có cơ hội phát triển, cơ hội việc làm tốt hơn họ sẽ đến là lẽ dĩ nhiên.

PGS.TS Thục cho rằng, quản lý đô thị phải theo đặc thù của thành phố. Chẳng hạn đặc thù của khu phố Cổ, khu phố Pháp... liên quan đến lịch sử; hay đặc thù của vùng ngoại vi, liên kết với khu nông nghiệp, công nghiệp thì phải khác.

“Theo tôi, 3 yếu tố quan trọng để làm nên một công trình xanh, gồm: công trình tiết kiệm nhiên liệu, không gian mở, vàcon người cần thay đổi tư duy”, PGS - TS Thục nói.

Ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng).

Ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), nhìn nhận xu hướng phát triển công trình xanh ở nước ta có nhiều tiềm năng, nhưng đi kèm với đó cũng không ít khó khăn. Khó khăn trước mắt chính là ý thức, hiểu biết về lợi ích của công trình xanh, đô thị xanh.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa có nhiều giải pháp kỹ thuật đồng bộ, còn hạn chế trong việc cung cấp sản phẩm vật liệu xanh, hệ thống công nghệ vận hành còn yếu.

Đặc biệt, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển công trình xanh của Việt Nam còn chưa đầy đủ; chưa có các cơ chế khuyến khích, ưu đãi thích đáng hoặc bắt buộc đối với việc phát triển công trình xanh.

Bản thân một doanh nghiệp phát triển công trình phải có sự liên kết nhiều công trình thành hệ thống: công trình xanh, hạ tầng xanh. Nhưng chúng ta rất nhạy với khái niệm mới, có cái mình chưa hiểu thì đã có khái niệm khác ví du như đô thị xanh, ngay sau đó lại có đô thị thông minh và giờ là đô thị hạnh phúc.

“Xuất phát từ thực tiễn, câu hỏi của chúng ta không phải là có làm công trình xanh hay không mà nên làm như thế nào? Phát triển công trình xanh là xu thế tất yếu, là con đường chúng ta buộc phải đi”, ông Chiến nói.

Ông Chiến cho rằng, về liên kết đô thị, từ nhà đầu tư, cho đến người dân hưởng thụ phải hiểu được vấn đề này. Tất cả đều phải thống nhất trong hành động chung mới có được mong muốn đô thị xanh. Nhiều cây xanh, mặt nước chỉ là điều kiện cần của một công trình xanh nhưng chưa đủ. Tiếp theo đó phải là vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường. Như việc Chính phủ phải cấm đào đất nung gạch, phải chuyển sang gạch không nung.

Hai là khuyến khích sử dụng năng lượng sạch. Nhiều nước hiện nay, công trình sử dụng chính chất thải để tái tạo năng lượng xoay vòng. Một công trình gọi là chuẩn của ngày hôm nay chưa chắc đã là chuẩn ở thời điểm khác. Càng nhiều nhà đầu tư hiểu lợi ích của công trình xanh thì càng nhiều dự án xanh được xây dựng. Một đô thị nhiều công trình xanh, đô thị đó sẽ tốt lên.

“Chúng ta cần sớm có cơ chế chính sách khuyến khích nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào công trình này. Phải có nhiều công trình xanh mới có đô thị xanh. Quyết định 403 cũng đã đề cập, nhưng rất tiếc việc tuyên truyền còn khiêm tốn”, ông Chiến đề nghị.

  • Công trình xanh vẫn đếm trên đầu ngón tay

    Công trình xanh vẫn đếm trên đầu ngón tay

    CafeLand - Phát triển công trình xanh là một xu hướng tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam bởi những giá trị mà loại hình này mang lại cho với chủ đầu tư, cư dân và cộng đồng xã hội. Thế nhưng trên thực tế, tại Việt Nam, những chủ đầu tư đi theo xu hướng này vẫn đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân chính theo các chuyên gia là do nhận thức về lợi ích của các bên liên quan.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.