Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng ở TPHCM. Ảnh: Hồng Thúy
Chủ động tháo chốt lãi suất
SHB đã lên kế hoạch rà soát lại toàn bộ khách hàng vay vốn trên toàn hệ thống, đánh giá và phân loại mức độ khó khăn của từng khách hàng và thực hiện gia hạn, điều chỉnh kỳ hạn nợ cho hơn 500 khách hàng với tổng dư nợ các khoản điều chỉnh hơn 1.800 tỉ đồng. Ngoài các khách hàng đã được điều chỉnh và tiếp tục gia hạn nợ như trên, SHB xem xét cấp thêm vốn lưu động cho các khách hàng khó khăn về vốn để hoàn thành các sản phẩm dở dang nhằm phục hồi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ sản xuất kinh doanh cá thể.
Cùng với việc giảm trung bình 2,9% lãi suất trong tháng 5, SHB còn điều chỉnh lãi suất cho khách hàng đã đến hạn và chưa đến hạn điều chỉnh. Theo đó, đối với khách hàng đã đến hạn điều chỉnh lãi suất, có 3.500 khoản vay của 2.450 khách hàng với tổng dư nợ (quy đổi) được điều chỉnh là 4.700 tỉ đồng và số lãi giảm tương ứng là 7,53 tỉ đồng. Điều chỉnh giảm lãi suất trước hạn gồm 4.276 khoản vay của 3.467 khách hàng với tổng dư nợ (quy đổi) được điều chỉnh là 5.320,4 tỉ đồng và số lãi giảm tương ứng là 9,52 tỉ đồng.
NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa khuấy động thị trường bằng chương trình cho vay VNĐ lãi suất ưu đãi tham chiếu theo tỉ giá USD/VNĐ, với lãi suất chỉ 7%/năm, áp dụng cho tất cả các khách hàng cá nhân, doanh nghiệp với thời hạn vay từ nay đến cuối năm. Điều kiện để tiếp cận mức lãi suất này là khách hàng phải có một thỏa thuận đi kèm liên quan đến biến động của tỉ giá USD/VNĐ với mức dự kiến từ nay đến cuối năm tối đa là 3%. Nếu tỉ giá tăng trên 3%, Eximbank sẽ chịu thay khách hàng phần vượt trên 3%.
Một nguồn cung vốn tốt nữa trên thị trường phải kể đến NH NN-PTNT (Agribank). NH này vừa thực hiện giảm lãi suất đối với các hợp đồng cũ với số tiền giảm gần 2.000 tỉ đồng.
Cửa hé cho doanh nghiệp
Cuối tuần trước, Thống đốc NH Nhà nước đã ký ban hành Thông tư số 22/2012/TT-NHN, yêu cầu 5 NH (gồm Agribank, MHB, BIDV, VietinBank, Vietcombank) cho vay hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Riêng Agribank thực hiện việc cho vay áp dụng lãi suất tín dụng đầu tư phát triển. Đối tượng được hưởng lợi từ chính sách này chủ yếu là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vay vốn để đầu tư máy móc, thiết bị giảm tổn thất sau thu hoạch; tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn lúa, bắp, kho lạnh bảo quản thủy sản (bao gồm cả kho lạnh trên tàu đánh bắt thủy sản), rau quả, kho tạm trữ cà phê và các dự án đầu tư chế tạo máy móc, thiết bị nông nghiệp.
Đưa vào nền kinh tế 21.000 tỉ đồng/tháng Bên cạnh việc ép trần lãi suất cả đầu vào và đầu ra xuống mức phù hợp, NH Nhà nước sẽ điều hành tăng tín dụng hợp lý. Theo số liệu của NH Nhà nước, tổng tín dụng tính đến cuối tháng 4 là 2.617.320 tỉ đồng, giảm 0,59% so với cuối năm 2011. Tổng huy động từ dân cư vẫn tăng khá mạnh là 11,78%, đạt 1.449.453 tỉ đồng trong khi tiền gửi của doanh nghiệp lại giảm 5,6%, chỉ còn 1.084.405 tỉ đồng. Để cải thiện tình hình, NH Nhà nước dự kiến kế hoạch điều hành trong 6 tháng cuối năm, dư nợ tín dụng sẽ tăng khoảng 2%/tháng để dư nợ cả năm đạt khoảng 12% - 13%. Như vậy, trung bình mỗi tháng, Nhà nước sẽ đưa vào nền kinh tế trung bình 21.000 tỉ đồng để tăng sức mua của nền kinh tế, giải quyết tồn kho của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng GDP. |